Tựa vào im lặng

11/08/2013 - 05:50

PNO - PNCN - Gia đình tôi chỉ có hai mẹ con. Khi con gái tôi ly hôn, mang theo cháu ngoại về sống cùng mẹ, nhà thành ba người. Hai người đàn bà chăm một đứa bé, chuyện cũng chẳng có gì nặng nhọc, bà cháu tôi thủ thỉ đùm bọc nhau từ khi...

Đến năm cháu ngoại tôi được 10 tuổi, thì con gái tôi dẫn một người đàn ông về thăm nhà. Người mẹ nào cũng mong con hạnh phúc, nên khi con nói chuyện đi bước nữa với người ta, tôi không phản đối, chỉ nói với con, thôi đã lỡ một lần, cũng nên tìm hiểu cho kỹ. Đàn ông, đến tuổi 40 mà vẫn chưa lập gia đình, chắc cũng có chút ẩn tình chi đó. Con gái tôi tính sẽ mang theo con riêng của mình, sống chung nhà. Thằng bé học lớp 4 rồi, cũng có thể xoay xở được. Tôi buồn vì phải xa cháu, nhưng cuộc đời biết thế nào mà tính được, nên thôi cũng chiều con.

Lập gia đình lần hai được một năm thì sinh chuyện “con anh con tôi”. Cha dượng và thằng bé mâu thuẫn trầm trọng, cháu tôi học hành sa sút, gần như trở thành đứa trẻ cá biệt trong lớp. Mẹ nó bận con nhỏ, nên không thể chăm sóc nó như ngày xưa. Trong nỗ lực giữ gìn hạnh phúc cho con, tôi đề nghị được đón cháu về ở với mình. Con rể đồng ý ngay tắp lự, con gái chẳng biết có khóc thầm không nhưng rồi cũng bằng lòng. Chỉ có cháu tôi, tội nghiệp…

Tua vao im lang

Về ở với bà, thằng bé trầm tính hẳn. Một phần do phải chuyển trường cho gần nhà bà, tiện đường đi học. Một phần do cuộc sống cô quạnh, vô ra hai bà cháu, thằng bé thiếu cha rồi nay thiếu cả mẹ, trong khi những đứa trẻ bằng trang lứa ríu rít cùng với mẹ cha. Có lần thằng bé về nhà, mặt mũi sưng vù, hỏi mãi mới biết nó đánh nhau với bạn cùng lớp, vì bạn bảo nó là con không cha, con vô thừa nhận. Rất khuya, nó vẫn thức, dỗ mãi, nó mới hỏi một câu nghẹn lòng “con vô thừa nhận là sao hả bà”?

Tôi dỗ cháu tôi mà lòng oán hận những kẻ làm cha làm mẹ thiếu trách nhiệm trên đời. Trẻ con nào có tội tình gì, trong giấy khai sinh, cháu vẫn đủ đầy cha mẹ. Chỉ vì lòng thù ghét vợ, mà cha nó đã không một lần trở lại thăm con mình. Chỉ vì muốn tỏ ra độc lập (bất cần thì đúng hơn) mà mẹ nó đã không thèm đòi một nghĩa vụ thăm nom, trợ cấp nào của cha nó, kiêu hãnh khoác lên vai chiếc áo “bà mẹ đơn thân”, tưởng là mình đầy bản lãnh. Để rồi đến giờ, vì hạnh phúc mới, mẹ hay cha nó cũng không hay biết rằng mình đã bỏ rơi đứa trẻ trên đời với một gánh nặng oằn vai, chưa chắc người lớn nào đã mang nổi. Đó là cháu tôi, còn có thể hỏi bà như vậy, để tôi có thể xót xa mà giải thích với con trẻ những điều rất khó hiểu, rằng có khi muốn sống tốt ở đời, khi người ta không có mẹ cha, thì phải tựa vào sự im lặng để sống mà thôi. Đừng bận tâm, cũng đừng mất công giải thích con ạ, chẳng có lời giải thích nào có thể trả lại sự công bằng và đầy đủ cho con đâu.

Những cô gái trẻ vì một lỡ lầm hoặc một ảo tưởng nào đó, chấp nhận làm mẹ đơn thân, sẽ phải nghĩ đến những khoảng trống im lặng mà con mình sẽ phải tựa vào cho đến suốt đời. Bởi đã chấp nhận làm mẹ một mình, chấp nhận “xin một đứa con”, chấp nhận đi bên lề cuộc sống của một người đàn ông nào đó, nghĩa là chấp nhận những khoảng im lặng về cha của đứa trẻ, tình trạng có thể còn tệ hơn của cháu tôi khi cháu vẫn còn có tên cha trong giấy khai sinh của mình. Thật không dễ dàng gì để lớn lên, để trưởng thành, khi trong tâm tư đứa trẻ luôn tồn tại một khoảng trống như thế. Một mình người đàn bà, dẫu muốn, cũng khó lòng lấp cho đầy được, huống hồ, người đàn bà còn phải bươn chải kiếm tìm hạnh phúc cho mình nữa, biết làm sao…

Thu Hạnh

Mời bạn đọc chia sẻ tâm sự, câu chuyện của mình qua địa chỉ thegioidonthan@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI