Có phước

25/04/2015 - 07:40

PNO - PN - Anh cúi mặt, hai bàn tay nắm chặt nổi lên những sợi gân vằn vện. Một luồng khí nóng ùng ục chạy trong người chị, tràn lên mặt, lên đầu như muốn phá tung lớp da, thoát ra ngoài. Chị cắn chặt môi, giá như...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phản bội! Còn từ nào khác hay hơn và đúng bản chất hơn không? Nửa năm nay, kể từ ngày nhận được tờ xét nghiệm ấy, chị sống trong sợ hãi. Nó như bản án phán tội chị một cách lạnh lùng và chị không có quyền biện minh hay bào chữa. Hôm nay, cơn ác mộng của chị đã thành sự thật khi anh mang đứa trẻ về thay thế đứa con không bao giờ có với chị.

Có phuóc

Yêu nhau suốt 5 năm trời, cưới nhau sắp hai năm. Nay anh bồng đứa nhỏ chưa tròn tháng về, nói là con anh. Có nghĩa, khi quen chị, anh đồng thời nói lời yêu với người con gái khác. Phải âu yếm mặn nồng thế nào thì cô ta mới chấp nhận để anh cưới vợ mà vẫn trao thân và mang thai. Chẳng qua, chị tốt số hơn nên mới được anh chọn làm người dự chung đám cưới.

Đứa trẻ thức giấc, ngơ ngác nhìn quanh, dường như cảm nhận được bầu không khí căng thẳng nên o oe khóc. Tiếng khóc của nó không khác gì tiếng mèo kêu đêm, cái miệng nhỏ mếu xệch trông rất đáng thương. Mẹ chồng chị vội ôm đứa nhỏ:

- Thôi, bà xin. Không ai cần con thì bà cần. Con đã không có mẹ, bố cũng quay lưng, tội nghiệp cháu tôi mồ côi mồ cút.

Mẹ chồng chị, từ ngày chị về ra mắt, bà chưa một lần nặng nhẹ. Bà tỉ tê với chị như hai người bạn thân. Biết con dâu thích ăn món gì, bà tìm cách làm cho bằng được. Có lần bà còn đi xe ôm về tận quê để học mẹ chị món sung muối, về làm cho chị ăn. Ngày lễ tết, bà rủ chị đi mua sắm, bảo mình cứ đẹp cho mình cái đã, sau mới đến người ta ngắm. Bà mua cho con dâu, còn không quên chọn cho ông bà sui khi thì tấm áo, khi thì cái khăn.

- Mẹ con nuôi con ngần ấy năm, nay con về làm con mẹ. Con phải làm sao đừng để bố mẹ bên ấy buồn lòng. Để mẹ nhắc thằng Khang, chứ nó vụng lắm.

Rồi cả bà chị chồng. Chị chưa thấy nhà ai nói chuyện với nhau bốp chốp như cá mè một lứa mà lại hiểu và thương quý nhau như ở nhà này. Bà chị chồng thản nhiên:

- Tôi cũng làm dâu, hành cô tôi được gì, không khéo lại làm khổ em tôi.

Có phuóc

Tiếng mẹ chồng u ơ ru con bé, chị lặng lẽ lấy bình sữa, tráng nước sôi, đọc hướng dẫn trên vỏ hộp sữa rồi pha cho nó lưng bình. Con bé khá háu ăn, vồ được núm ti là cứ tọp tẹp mút, mắt không ngừng liếc qua liếc lại rõ lanh lợi, thế mà mẹ nó đành lòng dứt áo. Bú xong, ợ một cái rõ to rồi lăn ra ngủ.

Anh lặng lẽ về phòng, chị nén tiếng thở dài, ôm con bé vào phòng khách. Từ nay, chị sẽ ở lại đây, chị không muốn về lại căn phòng cũ, có anh, có những ngày ấm áp. Nó hạnh phúc với chị, nhưng là giả dối của anh. Bấy lâu, giữa hai người phụ nữ, anh có thấy mệt mỏi không?

Mẹ chồng quý chị như con gái, chị không nỡ làm bà buồn. Dù gì con bé cũng là cháu nội bà, là máu mủ nhà bà, trong khi đó anh không sẵn lòng chăm sóc nó, một mình bà cũng không thể, thôi thì vì những tháng ngày đã qua, chị sẽ cùng bà lo cho nó. Đợi đến khi nó cứng cáp, chị sẽ đi. Cũng bởi, chị không có gì để vội. Đi, là chuyện sớm muộn. Lúc nhận được kết quả xét nghiệm, sau những ngày vật vã, chị đã nghĩ đến chuyện ra đi, vì chị yêu anh, anh xứng đáng có được một gia đình trọn vẹn. Khi ấy chị còn luyến tiếc anh, luyến tiếc những tháng ngày hạnh phúc. Còn bây giờ, lòng chị đã nguội lạnh mất rồi.

Con bé bện hơi chị, mấy hôm chị mệt, bà nội cho nó ngủ, nó cứ bứt rứt khua tay đập chân cho đến khi chị nằm ghé xuống bên cạnh, nó mới yên tâm ngủ. Sau những ngày rối tinh rối mù, rồi cũng đâu vào đấy. Mỗi chiều, chị tất tưởi về với nó, còn biết lên mấy trang mạng chia sẻ kiến thức nuôi con với các bà mẹ, biết chọn quần áo chất liệu gì phù hợp với làn da em bé.

Ngày anh đi làm giấy khai sinh cho con bé, chị từ chối đứng tên ở phần người mẹ. Mẹ chồng chị van lơn:

- Con làm ơn cho trót, mai kia nó lớn, sẽ nói làm sao khi con không phải là mẹ nó? Mẹ nó cũng có gia đình riêng rồi, không nên xào xáo gia cang nhà người, con ạ.

Chị định nói khi nó lớn, chị đã không còn can hệ gì đến nó, nhưng lại nghẹn lời không nói được. Thấy buồn cười, mẹ chồng chị lo giữ cho gia đình nhà người ta khỏi xào xáo, mặc gia đình mình đầy bão giông. Đứa cháu nội làm bà quên luôn thực tế hay sao?

Cuối cùng, tên chị và anh vẫn đứng cùng nhau trong giấy khai sinh của con bé. Đôi lần chị hỏi mẹ chồng về mẹ ruột của con bé, bà nói có bà mẹ nào lại không yêu thương con mình. Cô ấy cũng là người biết nghĩ, biết mình không còn hy vọng đã mạnh dạn dứt khoát, sinh xong, cô trao con cho anh và đồng ý lập gia đình với người theo đuổi mình bấy nay. Mẹ chồng nói làm chị muốn hận người phụ nữ kia cũng không biết phải hận thế nào. Xung quanh chị toàn người đáng thương, đáng kính, sao không có ai xấu xa một tí, đê tiện một tí, cho chị được oán ghét, giận hờn?

Sáu tháng, cái răng đầu tiên làm con bé vật vã suốt một tuần, nay sốt mai nóng, còn đi tướt, ăn vào ói ra. Anh đi công tác, nửa đêm chị bồng con bé chạy bộ đến bệnh viện sau năm sáu cú điện thoại mà vẫn chỉ nhận được một từ “chờ”. Mẹ chồng chị tay túi, tay đèn pin, chân không kịp xỏ dép, cứ thế lếch thếch chạy theo. Con bé vào phòng cấp cứu, chị ngoài này khóc như mưa. Chị quên mất mình không phải là mẹ nó, quên mất nó là con riêng của chồng chị, với chị nó chẳng có chút dính líu máu mủ nào. Có lúc chị trộm nghĩ, mai này, khi đi khỏi ngôi nhà ấy, chị sẽ mang con bé theo. Nó sẽ là con của chị, anh sẽ có vợ mới, có những đứa con mới. Mẹ chồng sẽ có những đứa cháu mới. Chị với con bé, hai phận người khiếm khuyết sẽ ở cùng nhau, bù đắp cho nhau.

Còn nửa tháng nữa, con bé thôi nôi. Chị định sau ngày đó sẽ nói ra quyết định của mình. Gần một năm nay, chị không nói với anh quá mười câu. Mặc kệ chị lạnh nhạt, anh vẫn cần mẫn sáng chiều đưa đón, chuẩn bị cơm sáng cơm trưa. Có lần anh nói, chị là thứ quý nhất anh có được, chị cười khẩy.

Chị bàn với mẹ chồng trang hoàng lại nhà cửa, sơn lại tường, sau khi chị đi sẽ là một không gian mới, không còn lưu giữ chút gì của chị. Sẽ nhanh thôi, ký ức về chị cũng bị xóa như bức tường kia. Chị chọn màu xanh cốm nhạt cho những bức tường, trần nhà màu trắng. Nhìn những cây cọ lăn qua lăn lại, chị thảng thốt nghĩ, việc gì mình phải để quá nhiều tâm tư vào đây? Sao lòng đã quyết mà vẫn chẳng thể buông?

Gần một năm chị mới bước vào căn phòng cũ. Hình cưới của chị vẫn treo trên tường, ngày ấy chị cười thật rạng rỡ, nào hay có một bầu trời xám xịt đang giăng trước hạnh phúc của mình.

Mẹ chồng phụ chị kiếm báo phủ lên tủ, kệ, lót dưới chân tường, vừa làm bà vừa bàn xem nên tổ chức tiệc thôi nôi cho con bé thế nào. Hẳn bà không biết, chị đã âm thầm thuê một căn phòng trong khu chung cư cũ, đang cho người sơn sửa. Đó mới là nơi chị thuộc về.

Mẹ chồng chị mở ngăn kéo, lôi ra một mớ báo.

- Phải lót kỹ không khéo sơn văng ra sàn, cọ ốm.

Nói rồi bà te tái ôm mấy tờ báo sang phòng mình. Một bìa hồ sơ dày nằm lẫn giữa đám báo cũ, có vẻ nó nằm đây đã khá lâu, dòng chữ “Đơn xin nhận con nuôi” làm chị ngỡ ngàng, lật vội những trang sau, chị còn tìm thấy cả quyết định tiếp nhận của trung tâm nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi. Chị nhớ ngày ấy, mẹ chồng chị nói là cô gái ấy mang con đến trả…

Hấp tấp nhìn lại tờ đơn, nước mắt chị chợt trào ra không kìm được khi nhận thấy, ngày tháng trên tờ đơn chỉ sau ngày chị nhận được kết quả xét nghiệm ít ngày… 

Nguyễn Thị Thanh Bình
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI