Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa nhiều kỷ lục nhất Việt Nam

29/11/2014 - 15:34

PNO - PNO - Tọa lạc tại vùng đồi núi thuộc thôn Sinh Dược, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) là ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiem nguong ve dep cua ngoi chua nhieu ky luc nhat Viet Nam

Tòa tháp mười hai tầng như cây bút viết lên đỉnh trời

Đi ô tô gần 100 km từ thủ đô Hà Nội, chúng tôi đặt chân đến quần thể chùa Bái Đính. Nắng vàng thơm gọi mật len lỏi vào từng khóm lau đang kì trổ bông trắng xóa. Dường như thấp thoáng đâu đây hình ảnh cậu bé Đinh Bộ Lĩnh chơi đánh trận giả cùng lũ trẻ chăn trâu, tiếng reo hò ồn ã cả một vùng núi rừng.

Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Men theo con đường nhỏ quanh co rải sỏi đá trườn mình giữa um tùm cây cối, chúng tôi thăm chùa Bái Đính mới. Ngọn tháp cao mười hai tầng sừng sững như chiếc bút viết lên trời xanh dần dần hiện ra rõ nét phía cuối con đường. Bước qua công trường đang thi công còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, những bậc thang đá dẫn đến chân tượng Phật Di Lặc bằng đá giữa đất trời vời vợi.

Chiem nguong ve dep cua ngoi chua nhieu ky luc nhat Viet Nam

Tượng Phật Di Lặc giữa vời vợi đất trời

Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông, Tượng phật Di Lặc và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp, Tam quan ngoại, Tam quan nội…

Điểm đặc biệt trong kiến trúc của khu Bái Đính mới là những mái chùa cong vút hình đuôi phượng mềm mại lợp bằng ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm, những cột trụ bằng gỗ tứ thiết vững chãi trên đế bằng đá xanh chạm khắc hình cánh sen đơn giản nhưng tinh tế.

Chiem nguong ve dep cua ngoi chua nhieu ky luc nhat Viet Nam

Mái chùa cong vút hình đuôi phượng mềm mại

Điện Quan Âm gồm bảy gian với gian giữa của điện đặt tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay ngự trên đầu rồng, đài sen. Tượng Phật Bà được đúc bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 9,57m và được công nhận là pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Chiem nguong ve dep cua ngoi chua nhieu ky luc nhat Viet Nam

Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay

Điện Pháp Chủ có năm gian, gian giữa đặt tượng Phật cao 10m nặng 100 tấn - pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Tượng Phật Thích Ca uy nghi trên đài sen, tay trái Đức Phật để trong lòng, tay phải để ngang trán cầm một đóa sen. Ngoài ra còn có 3 bức hoành phi, 3 cửa võng đồ sộ.

Biểu tượng đặc trưng của chùa Bái Đính là điện Tam Thế. Chính giữa cửa điện là một bức tượng Di Lặc ngồi trên phiến đá lớn, song song hai bên bức phù điêu bằng đá được chạm khắc tinh tế hình rồng, phượng, lân là cầu thang rồng dẫn vào điện.

Chiem nguong ve dep cua ngoi chua nhieu ky luc nhat Viet Nam

Điện Tam Thế 

Bước vào trong điện, chúng tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự nguy nga lộng lẫy, hoành tráng của kiến trúc nơi đây. Ba bức tượng Phật: Tôn tượng quá khứ - A Di Đà Phật, Tôn tượng hiện tại - Thích Ca Mâu Ni Phật, Tôn tượng tương lai - Di Lặc Phật được đúc bằng đồng mạ vàng óng ánh, kết hợp với hệ thống đèn chiếu sáng khiến không gian càng rực rỡ ánh vàng. Đây là bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Chiem nguong ve dep cua ngoi chua nhieu ky luc nhat Viet Nam

Bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam

Ngự hai bên mỗi tượng Phật là đôi rùa đội hạc đúc bằng đồng, cùng những bức hoành phi câu đối mạ vàng làm tăng vẻ uy nghi cho điện thờ. Bức tường của chùa như được ghép bằng hàng nghìn bức tượng Phật tạo nên một điểm đặc biệt mà không đâu có được.

Chiem nguong ve dep cua ngoi chua nhieu ky luc nhat Viet Nam

Tấm bia chạm khắc những bài kinh Phật

Trong khu vườn dọc lối đi là những phiến đá với hình thù kì dị. Vòng theo lối đi nhỏ bên phải điện Tam Thế, chúng tôi bước tới hành lang chạy dài với những cụ rùa cõng trên lưng những tấm bia đá. Trên đó khắc những bài kinh Phật răn dạy con người nên tu tâm tích đức và tránh xa những điều ác.

Chạy dọc từ cổng Tam Quan đến Điện Pháp Chủ là hai gian La Hán với tổng chiều dài là 1052m, 234 gian với 500 bức tượng La Hán được làm bằng đá xanh cao 2,5m, nặng khoảng 4 tấn. Mỗi bức tượng mang một dáng vẻ khác nhau như là từng khoảnh khắc của cuộc sống trần thế.

Phía ngoài cùng, ngay con đường quanh co dẫn lên chùa là gác chuông ba tầng, hai tư mái. Đây là nơi đặt quả chuông nặng 36 tấn. Tiếng chuông trầm ấm vang vọng khắp cả một vùng núi rừng. Cũng theo con đường chạy xuyên qua vườn chùa rộng miên man màu xanh của cây cối dẫn xuống Tam quan.

Chiem nguong ve dep cua ngoi chua nhieu ky luc nhat Viet Nam

Tượng Phật Khuyến Thiện đặt ở Tam quan

Tam quan chùa Bái Đính có hình dáng “lộng tàn” gồm ba tầng mái cong, mỗi tầng bốn mái, hai tầng dưới tám mái là bát quái, tầng trên bốn mái và nóc là ngũ hành. Mái lợp ngói ống màu nâu sẫm. Bốn cột cái và bốn cột trung, mười sáu cột con tất cả đều bằng gỗ tứ thiết vững chãi với thời gian. Các cánh cửa làm bằng gỗ lim chạm đục “thượng song hỷ kép - thông phong - hạ bản”. Trong tam quan đặt mười tượng Hộ Pháp trong đó có hai tượng lớn là tượng ông Khuyến Thiện và ông Trừ Ác, mỗi tượng cao 5,5m, nặng 12 tấn.

Mặc dù chủa Bái Đính mới vẫn đang tiếp tục xây dựng, tu bổ nhưng du khách thập phương vẫn nườm nượp đến dâng hương.

ĐÀO MẠNH LONG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI