Quỹ Nhà nước hỗ trợ phát triển điện ảnh: Giấc mộng Nam Kha?

12/04/2019 - 07:06

PNO - 12 năm, với 3 lần trình dự thảo lên Chính phủ, mà lần gần nhất là vào năm ngoái; nhưng cho đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chỉ tồn tại trên giấy, vì những vướng mắc về luật chưa được tháo gỡ.

      Ai sẽ vẽ lại chân dung cho điện ảnh Việt?

Chỉ 14/35 phim điện ảnh sản xuất trong năm dự giải, trong đó nổi lên quá nhiều thứ để lo âu về tương lai của điện ảnh Việt Nam.

 Bài 1Diều bay về phương nao?

 Bài 2Những nỗi lo mơ hồ nhưng có thật

Nguồn thu: mãi mãi là “ẩn số”

Năm 2007, khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, cũng là lúc khái niệm Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (QHTPTĐA) ra đời. Bốn năm sau, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17-2011, quỹ chính thức được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hoàng Tuấn Anh phát động thành lập. Cuối năm 2012, đề án thành lập QHTPTĐA được trình lên Chính phủ và đến nay, qua 3 lần trình dự thảo, nhiều cuộc làm việc giữa Cục Điện ảnh với Bộ VH-TT-DL, được nhắc đến liên tục ở các tọa đàm, hội thảo trong khuôn khổ các sự kiện điện ảnh quốc gia; quỹ vẫn rỗng, do vướng nguồn thu.

Quy Nha nuoc ho tro phat trien dien anh: Giac mong Nam Kha?
Chỉ khi có được sự hỗ trợ từ quỹ Nhà nước thì mới mong có những tác phẩm tư nhân đậm tính nghệ thuật như Song lang - một trong 14 phim điện ảnh dự Cánh diều 2018

Trong Luật Điện ảnh, nguồn thu cho quỹ đến từ vốn ban đầu của Chính phủ và nguồn vốn tăng thêm, bao gồm trích tỷ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu (đề nghị 3%); thu từ phát hành và phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước, sau khi đã trừ chi phí theo quy định; các khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nhưng nhìn lại trong số các nguồn này, chỉ có 3% tiền vé là nguồn thu lâu dài và cũng là nguồn thu khó nhất.

Tại tọa đàm "Sáng tác điện ảnh và phim truyền hình năm 2018" diễn ra hôm 9/4, bà Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam - cho biết: “Mỗi năm, doanh thu chiếu bóng tăng 20%. Con số năm ngoái đạt gần 4.000 tỷ đồng. Nếu xin được 3% doanh thu này thì quá tốt. Mức thu 3% hoàn toàn không trái với thông lệ quốc tế, vì Pháp thu 10,7% còn Đức thu đến 19%, Hàn Quốc thu từ 3%-5%. Đầu tư của Nhà nước thông qua quỹ vô cùng hiệu quả, an toàn; nhưng ở ta, dự thảo về quỹ đã được trình lên Chính phủ ba lần vẫn không được, vì không tìm ra nguồn thu ổn định, do chúng ta có các luật khác về ngân sách, thuế, phí và lệ phí. Doanh thu chiếu bóng đã vào thuế rồi, nên không được phép trích tiền thuế ra nữa. Muốn trình thêm, phải thông qua Quốc hội, lấy ý kiến xem có thể sửa luật không thì may ra mới có thể tiến hành quỹ”.

Tư nhân nhanh chân

Trong khi Nhà nước “gỡ” suốt 12 năm không xong chuyện nguồn thu để quỹ đi vào hoạt động thì quỹ tư nhân ra đời rất nhanh, làm chỗ dựa cho nhiều nhà làm phim.

Quy Nha nuoc ho tro phat trien dien anh: Giac mong Nam Kha?
Chị Mười Ba - Phần kết Thập Tam Muội được quỹ tư nhân hỗ trợ ra rạp

Tháng Tám năm ngoái, Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam (VEF), có số vốn ban đầu 50 triệu USD, do 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng đóng góp, đã được thành lập, nhằm hỗ trợ vốn, đảm bảo tài chính cho các nhà sản xuất phim tại Việt Nam. Cũng vào tháng Tám năm ngoái, tại sự kiện điện ảnh Ai cũng có thể làm phim, diễn ra tại Hà Nội, đạo diễn Lương Đình Dũng đã công bố Quỹ hình ảnh Việt Nam, do anh và các thành viên tâm huyết với điện ảnh Việt Nam lập ra. Mục tiêu ban đầu là mở các khóa đào tạo điện ảnh cho học sinh trên toàn quốc, với mong muốn hình ảnh Việt Nam sẽ được xuất hiện nhiều, đa dạng và đáp ứng yêu cầu nghệ thuật. Ngoài ra, quỹ còn đầu tư sản xuất 
5 phim/năm.

Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, điểm khác biệt ở những phim do quỹ đầu tư là vừa đáp ứng khán giả trong nước về phim nghệ thuật, vừa hướng đến việc đưa phim ra nước ngoài, nhằm quảng bá điện ảnh nước nhà. “Trong 5 năm, với 25 phim, chúng tôi tin sẽ “chọc thủng và giành chiến thắng lớn” tại các liên hoan phim và khán giả quốc tế. Đó là cách quảng bá điện ảnh, văn hóa, con người Việt Nam hiệu quả và nhanh nhất” - đạo diễn Lương Đình Dũng nói.

Thực tế cho thấy, sản xuất phim là ngành kinh doanh tốn kém nhưng đầy rủi ro, nhất là với các phim nghệ thuật. Sự ra đời của các quỹ điện ảnh đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ khó khăn với các nhà làm phim. Hiện tại, lực lượng tư nhân đã và đang nhanh chóng đảm nhận vai trò đó, trong khi quỹ Nhà nước vẫn còn trong… giấc mơ.

Vì là quỹ tư nhân, mục đích mà các nhà đầu tư hướng tới vẫn chỉ là những tác phẩm thương mại chứ không thể có được những bộ phim giàu giá trị nhân văn, đậm tính nghệ thuật. Trường học bá vương, Chị Mười Ba - Phần kết Thập Tam muội - hai phim được quỹ này hỗ trợ ra rạp thời gian qua đã phần nào phản ánh điều đó. Thị trường phim Việt đang ngày càng rơi vào tình trạng mất cân bằng, khi phim giải trí tràn lan, còn phim tử tế “đếm trên đầu ngón tay”. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI