Vụ Mỹ Tâm bị tố vi phạm bản quyền: Vướng víu của lịch sử

17/02/2017 - 11:39

PNO - Chỉ sau một thời gian ra mắt trên YouTube, MV Anh thì không của Mỹ Tâm đã đạt trên 3 triệu lượt xem. Chuyện chẳng có gì ầm ĩ nếu nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng không khẳng định Mỹ Tâm đã xâm hại quyền tác giả của mình.

Theo lời nhạc sĩ Xuân Hùng, dù mang Anh thì không đi hát, làm cả clip để kinh doanh (từng lượt xem trên trang YouTube chính thức của Mỹ Tâm đều giúp cô thu được tiền), Mỹ Tâm và ê-kíp của mình chưa hề xin phép ông để sử dụng tác phẩm.

Cáo buộc của nhạc sĩ Xuân Hùng lập tức dấy lên cuộc tranh cãi về tính pháp lý của tác phẩm, về tính chính danh của nhạc sĩ Xuân Hùng đối với Anh thì không, cho rằng ông chỉ là “người viết ca từ” chứ chẳng phải là “nhạc sĩ”.

Ca khúc Anh thì không vốn là bài hát tiếng Pháp Toi jamais - nhạc và lời Michel Mallory. Ca khúc từng được sử dụng trong bộ phim Huit femmes (Tám cô gái) của đạo diễn François Ozon. Lần đầu tiên Toi jamais ra mắt công chúng là vào năm 1976, qua tiếng hát của nữ ca sĩ Sylvie Vartan. Tuy nhiên, vì sự thành công của bộ phim Tám cô gái mà rất nhiều người nhầm tưởng đây là bài hát của nữ ca sĩ Catherine Deneuve. Thậm chí VTV khi phát sóng phần biểu diễn Anh thì không của Mỹ Tâm cũng ghi tên tác giả là Catherine Deneuve!

Vu My Tam bi to vi pham ban quyen: Vuong viu cua lich su

Bỏ qua các nhầm lẫn đó, tại Việt Nam, hầu như ai cũng biết phần lời Việt của ca khúc này là tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng - người từng viết lời Việt cho nhiều ca khúc nổi tiếng như Nụ hôn dưới mưa, Nếu không có anh bên đời, Lãng du... Khi đưa clip Anh thì không lên mạng, ê-kíp Mỹ Tâm cũng thể hiện rõ phần lời Việt là của Vũ Xuân Hùng (và vẫn nhầm lẫn đây là sáng tác của Deneuve). Thế nên cáo buộc của nhạc sĩ Xuân Hùng là hoàn toàn hợp lý. Hành vi của Mỹ Tâm chính xác là vi phạm bản quyền.

Một số ý kiến cho rằng nhạc sĩ Xuân Hùng không có cơ sở để đòi quyền tác giả, cho rằng ông cũng không hề xin phép Michel Mallory khi chuyển soạn lời Việt cho Toi jamais. Nghĩa là chính nhạc sĩ Xuân Hùng cũng vi phạm bản quyền của Mallory, nay đòi Mỹ Tâm tôn trọng bản quyền của mình e là quá khiên cưỡng.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 (sửa đổi năm 2009), việc soạn lời Việt của nhạc sĩ Xuân Hùng đối với bài Toi jamais đúng là vi phạm bản quyền bởi chưa hề được sự chấp thuận của Mallory. Một ví dụ điển hình: ca sĩ Jay Chou (Châu Kiệt Luân) không cho phép bất kỳ ai chuyển ngữ các ca khúc của mình. Đương nhiên không có ca khúc nào của Jay Chou được soạn lời tiếng nước khác.

Song, như nhạc sĩ Xuân Hùng cho biết, vào thập niên 1970, không ai bắt và cũng không hề có luật buộc người chuyển ngữ phải xin phép tác giả gốc. Những ca khúc ông đã chuyển ngữ đều được cấp phép phát hành chính thức mà không hề bị truy vấn gì về bản quyền. Trên thực tế, số lượng ca khúc nước ngoài lời Việt do các nhạc sĩ Việt Nam chuyển ngữ trong thời gian này là cực lớn (chỉ riêng Phạm Duy đã có hàng trăm tác phẩm) và đều rất nổi tiếng.

Vào thời “mông muội” ấy, khi luật bản quyền chưa có và Việt Nam cũng chưa ký kết các công ước quốc tế về bản quyền nên đương nhiên không thể xem các hành vi soạn lời này là vi phạm. Luật cũng không hồi tố nên sẽ không ai truy cứu các hành vi này.

Nhưng, đời sống hôm nay đã có luật và sân chơi không chỉ còn bó gọn ở các sân khấu, phòng trà hay sóng phát thanh trong nước. Ngày nay, album của nghệ sĩ được phát trên YouTube, các mạng âm nhạc, được bán trên Amazon, iTunes... nên việc bị phát hiện, bị tố cáo là điều dễ dàng xảy ra và chắc chắn sẽ còn xảy ra như vụ Anh thì không.

Vu My Tam bi to vi pham ban quyen: Vuong viu cua lich su

Trao đổi với phu nhân của nhạc sĩ Xuân Hùng, bà Xuân Hòa cho biết để đảm bảo tính chính danh và hợp pháp cho các tác phẩm lời Việt, vợ chồng bà vừa tiến hành ký hợp đồng ủy thác toàn bộ tác phẩm cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Dựa trên các hợp đồng hợp tác của VCPMC với các tổ chức quốc tế, tính đến lúc này, các tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã hoàn toàn hợp pháp.

Ông cho biết, từ nay, ông không cho phép Mỹ Tâm sử dụng bất kỳ tác phẩm nào của mình, kể cả để biểu diễn hay đưa lên mạng. Ông đồng thời cũng yêu cầu Mỹ Tâm gỡ bỏ tất cả các tác phẩm vi phạm để kết thúc sự việc này. Hiện nay, trang YouTube chính thức của Mỹ Tâm đã ẩn bản Anh thì không kèm lời xin lỗi khán giả. Trước câu hỏi liệu ông có đòi chia số tiền Mỹ Tâm đã kiếm được nhờ hàng triệu lượt xem bản Anh thì không trên YouTube, nhạc sĩ Xuân Hùng nói: “Đó là việc của VCPMC”.

Vụ tranh cãi Xuân Hùng - Mỹ Tâm tạm thời khép lại, nhưng những ca khúc nhạc ngoại lời Việt do lịch sử để lại vẫn còn đó và vẫn đang nằm trong tình trạng “nửa đúng nửa sai” về luật. Đơn vị duy nhất có thể hợp pháp được những tác phẩm này hiện chỉ có VCPMC. Song, muốn làm được điều đó thì VCPMC phải có được các hợp đồng ủy thác của các tác giả (hoặc thân nhân những tác giả đã qua đời) viết phần lời Việt, hoặc tương lai chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc tranh cãi bất tận.

Luật sư Nguyễn Tư Thúc:

Những quy định về bản quyền tác giả vào thời thập niên 1960-1970 không phải là không có. Chẳng hạn như Công ước New York về bản quyền chẳng hạn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận là vào thời đó, trong bối cảnh kinh tế - xã hội, điều kiện phát triển của nước ta thì vấn đề bản quyền chưa được lưu tâm đầy đủ nên chưa ai nói đến việc thực thi. 

Dù vậy, chúng ta vẫn phải xác tín rằng chuyển ngữ một tác phẩm mà chưa thông qua ý kiến tác giả là sai trên tinh thần tôn trọng bản quyền. Ngày nay, khi đã có luật và luật quy định rất chi tiết về quyền tác giả cũng như các quyền liên quan của chủ sở hữu tác phẩm, người biểu diễn, đơn vị ghi âm, ghi hình, phát hành... thì chúng ta phải tuân thủ và thực thi, nhất là trong điều kiện ngày nay - một tác phẩm đến với công chúng không chỉ ở các phòng trà hay trên đài mà còn lên mạng, qua nhạc chuông, nhạc chờ, karaoke...

PGĐ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Chi nhánh phía Nam - Hoàng Văn Bình:

Theo quy định, việc làm tác phẩm phái sinh, cụ thể trong trường hợp này là viết lời Việt, phải được sự đồng ý của tác giả gốc. Với những tác phẩm ngày trước, việc chúng ta cần làm là xác minh tác giả, xin công nhận (cho phép) tác phẩm phái sinh đã có. Từ đó chúng ta mới có thể ghi âm, ghi hình, phát hành mà không ngại bị tranh chấp, khiếu kiện.

Sau khi nhận được yêu cầu của ca sĩ Mỹ Tâm, chúng tôi đã tiến hành tìm đơn vị xuất bản gốc của bài Toi jamais để xin phép sử dụng phần nhạc của ca khúc này. Tuy nhiên, do có yêu cầu của nhạc sĩ Xuân Hùng - không đồng ý cho Mỹ Tâm sử dụng phần lời Việt của ông trong thời gian này - nên kể cả khi xin được phần nhạc thì Mỹ Tâm cũng không thể dùng được bản Anh thì không.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI