Thiếu nữ tắm mình trong nhiều tờ tiền 500.000 đồng: "Vui và thích làm mấy chuyện bựa bựa"

02/08/2016 - 06:35

PNO - Sau khi tắm mình trong tiền, nữ DJ Su Tây đã lên tiếng biện minh cho hành động của mình không phạm luật và chỉ muốn... vui.

Ngày 1/8, nữ DJ Su Tây (20 tuổi, quê Đắc Lắc) xác nhận mình chính là nhân vật trong đoạn băng ghi hình quay lại cảnh thiếu nữ tắm trong tiền mệnh giá 500.000 đồng khiến dư luận xã hội phản ứng gay gắt trong thời gian qua.

Cô gái này cho biết, đoạn băng ghi hình được quay khi cô đang đi du lịch ở nước ngoài, số tiền vào khoảng 100 triệu đồng. "Mỗi tháng em thu nhập 20 triệu đồng, nếu dành dụm thì để ra được số tiền 100 triệu đồng cũng không quá khó. Đây là số tiền tự tay em kiếm được chứ không phải đại gia nào cho.." - cô gái này nói.

Thieu nu tam minh trong nhieu to tien 500.000 dong:
Chân dung thiếu nữ tắm mình trong tiền bị dư luận lên án gay gắn trong thời gian qua.

Nữ DJ này còn cho biết thêm, sau khi đem toàn bộ số tiền này đi tắm, cô đã thu lại và đem đi phơi khô nên không thể nói là hủy hoại tài sản nhà nước.

Giải thích cho hành động của mình, cô gái nói: "Tại tính em vui và hay thích làm mấy chuyện bựa bựa. Toàn bộ số tiền là do em làm ra, em đâu có ngửa tay xin ai mà sợ”.

Nói về hành động này của giới trẻ, Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, giá trị sống của một bộ phận giới trẻ đang bị đảo lộn."Tất cả những hành động đó chỉ là sự đua đòi của tuổi trẻ. Họ cảm thấy như thế để cộng đồng ca ngợi, để giá trị cuộc sống được tăng lên nhưng họ đã lầm. Điều đó chỉ làm cho giá trị cuộc sống bị đảo lộn" - ông Chất nói.

Theo ông An Chất, do các bạn trẻ ở độ tuổi này thấy các bạn làm được thì mình cũng bắt chước làm theo, khi đưa lên mạng họ không mất gì, tiền rải ra lại thu về mà lại được tiếng tăm...

Trong khi đó, Luật sư Phạm Đình Đức - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, Điều 98 Bộ luật Hình sự 1985 quy định: “Phạt tù từ 5 – 15 năm đối với hành vi phá hủy tiền tệ; phạm tội trong trường hợp đặt biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mười năm, tù chung thân hoặc tử hình.”.

Tuy nhiên, từ 01/07/2000 Bộ luật Hình sự 1999 chính thức có hiệu lực và thay thế cho Bộ luật Hình sự 1985; trong Bộ luật Hình sự 1999 không hề đề cập đến tội phá hủy tiền tệ.

Nghĩa là, từ 01/07/2000 hành vi phá hủy tiền tệ của chính mình không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song trên tinh thần của pháp luật nước nhà thì hành vi phá hủy tiền tệ với mục đích “không giản đơn” nhưng đủ để cấu thành tội khác thì bị truy cứu đối với tội danh tương ứng.

Vì vậy, những ai có hành vi cố tình hủy hoại tiền VNĐ, kể cả đó là tiền của mình cũng có thể sẽ bị xử lý hành chính.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI