Thương con… mê muội

05/05/2013 - 15:33

PNO - PNCN - Lo lắng, thương yêu con cái là bản năng, tình cảm hết sức tự nhiên của người làm cha mẹ. Nhưng yêu thương đến mức mù quáng, mê muội chẳng những rước khổ cho mình mà còn vô tình gây hại cho con.

Bà N.T.N. năm nay 83 tuổi, ngụ P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM có tám người con, họ đều đã lập gia đình và ổn định cuộc sống riêng. Bà N. ở với người con trai út. Trước đây, vợ chồng bà N. có tạo lập được một số tài sản, trong đó gồm một thửa đất rộng. Sau khi chồng qua đời, để con cái có vốn làm ăn, bà N. đã chia nhỏ miếng đất, trao cho các con quyền sở hữu.

Trong số những người con của bà, chị Lan (43 tuổi) được coi là người có cuộc sống khó khăn nhất do không công ăn việc làm ổn định, trải qua hai cuộc hôn nhân thất bại và phải một mình nuôi hai đứa con, trong đó người con gái tên Minh năm nay 21 tuổi. Thời gian gần đây, do thường xuyên bắt gặp cảnh bà N. bị mẹ con chị Lan đến xin tiền, xin không được thì chửi mắng, đánh đập nên xóm làng bức xúc, trình với chính quyền địa phương và nhờ Báo Phụ Nữ can thiệp. Một hàng xóm của bà N. cho biết: “Có hôm, thấy bà N. bị cháu Minh đánh, tát, níu áo xé ngay ngoài đường, ai thấy cũng can ngăn nhưng đều bị Minh hăm dọa, chửi rủa”. Người này còn cho biết, do bà N. rất khổ tâm với mẹ con chị Lan nên gặp ai có hỏi, bà không ngần ngại… trút bầu tâm sự.

Tiếp xúc với bà N., chúng tôi được bà cho biết: “Vì dạo này tôi… hết tiền cho hoặc cho có chừng mực nên mới bị mẹ con nó làm dữ. Chứ trước đây, đòi bao nhiêu, tôi đưa bấy nhiêu thì không có chuyện gì. Muốn yên thì hàng tháng tôi phải cho tụi nó từ 15 đến 20 triệu đồng”. Theo lời bà N., chị Lan vốn không có nghề nghiệp ổn định, chỉ khi nào thấy… thích mới đi làm, lúc bán vé số, khi buôn bán quần áo cũ, song “thích” cái nào cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là thôi. Căn nhà cùng với ít vốn lận lưng mà mẹ cho đã bị chị Lan nướng sạch vào cờ bạc và... bàn nhậu. Hết vốn, Lan bán căn nhà rồi dắt díu hai con ra ngoài sống thuê. “Từ đó, tiền trọ hàng tháng ba triệu đồng, tiền ăn uống, tiền học hành sắp nhỏ tôi lo hết. Cái nào ra cái nấy rồi nhưng dường như chưa đủ, hai mẹ con nó thay phiên đến hỏi xin thêm” - bà N. cho biết.

Nhìn ngôi nhà nơi bà N. sống khá kín cổng cao tường, xóm làng góp ý bà nên hạn chế gặp mặt mỗi khi con tìm đến. Nghe vậy, bà N. rưng rưng: “Tôi mà không mở cửa, tụi nó đứng bên ngoài giọng thấp giọng cao, hết “mẹ ơi” đến “ngoại ơi”, tru tréo, vật vã đến khi nào tôi chịu xuất hiện mới thôi”. Có hôm hết tiền, bà N. giận quá buông lời nặng nhẹ, ngay lập tức mẹ con chị Lan phản pháo bằng cách nhào vô chửi rủa, níu xé áo bà. Khiếp sợ hành động của họ, bao giờ bà N. cũng “thủ sẵn” trong người dăm ba trăm ngàn để mua lấy sự bình yên.

Thuong con… me muoi

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Ngọc Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ P.22 chia sẻ: “Vụ việc của gia đình bà N. xảy ra và kéo dài đã rất lâu, tất thảy ai nghe chuyện đều bất bình. Hội và tổ dân phố cũng đã nhiều lần họp bàn phân tích, khuyên can song… không làm gì được. Có lần, sự việc đi quá phạm vi gia đình, gây ồn ào, mất trật tự khu phố nên công an xuống làm việc, nhưng vẫn chỉ ở mức cảnh cáo, nhắc nhở. Nguyên nhân do bà N. không chịu hợp tác, luôn cho rằng đây là chuyện riêng của gia đình. Hơn nữa, mỗi khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng, bà N. đều chối đây đẩy, không thừa nhận mình bị con cháu bạo hành, thậm chí van xin tha cho họ. Do vụ việc chỉ dừng lại ở mức lớn tiếng cãi vã, xô xát, không gây thương tích nên công an khó lập biên bản xử lý”.

Mặc dù đi đến đâu, bà N. đều than khổ, bị mẹ con chị Lan vòi tiền, mạt sát chửi rủa nhưng lại không muốn ai động đến con mình. Bà lý giải: “Tôi thương tụi nó lắm. Con cái đứa nào cũng làm ăn ổn định, chỉ có mẹ con nó long đong. Nhà cửa không, tiền bạc không, tôi không lo thì ai lo cho tụi nó. Thấy nó hung dữ, mấy anh chị “từ” nó hết rồi. Vậy có tội nghiệp không?”. Bà N. cho hay, một tay bà nuôi Minh ăn học, cô bé đã trở thành sinh viên một trường cao đẳng nhưng đã nghỉ học cách đây mấy tháng để đi làm. “Minh có hiếu lắm, nói đi làm để về lo cho mẹ cho ngoại. Trước ngày đi làm, nó đến xin một triệu, không có nên tôi chỉ đưa mấy trăm ngàn đồng, nó thấy vậy cũng tỏ vẻ hằn học nhưng biết sao giờ, tôi chỉ còn chừng ấy” - bà N. kể.

Một người con khác của bà N. khẳng định, gia đình có nhiều lần họp bàn, từ khuyên lơn đến năn nỉ mẹ con chị Lan lo làm ăn, gầy dựng song vẫn không thay đổi được gì. Trước tình cảnh mẹ bị vòi tiền, chửi mắng, các con bà N. có can thiệp, thậm chí “hăm” sẽ đưa mẹ con chị Lan đi cải tạo nhưng bà N. kiên quyết bênh vực họ. “Mẹ suốt ngày ôm đồm, cung dưỡng ba mẹ con Lan, không cho chúng tôi động đến sợi tóc của tụi nó. Lâu dần anh em chán nản, bất lực, để mẹ tự quyết, muốn làm gì thì làm” - một người con của bà N. cho hay.

Tình thương dành cho con cháu đến mê muội, mù quáng như bà N. chẳng những tự gây khổ cho mình mà còn vô tình biến họ thành những con người ích kỷ, ỷ lại, sống dựa dẫm người khác. Điều xót xa nhất cho đến lúc này, người mẹ ấy vẫn vững quan điểm: “Đây là chuyện riêng của gia đình, tôi thương con thì chịu khổ, bỏ mặc chúng sao đành. Tôi lo cho chúng đến tôi chết thì thôi”.

Tuyết Dân

“Bất hiếu” vẫn có thể bị xử lý

Hành xử của mẹ con chị Lan đối với mẹ, bà mình không chỉ là sự “bất hiếu” mà còn là hành vi phạm pháp. Điều 35 Luật HNGĐ: Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Nghiêm cấm con có những hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ. Khoản 2 điều 47 Luật HNGĐ: Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại.

Hành hạ, ngược đãi, chửi rủa… các thành viên trong gia đình được xem là bạo lực gia đình, người vi phạm nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng, trước hết có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000đ. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu (điều 9, 10, 11 Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình). Biện pháp xử phạt hành chính nêu trên chủ yếu nhằm mục đích giáo dục để cá nhân vi phạm sớm nhận thức được sai phạm của mình, tự nguyện sửa chữa và chấm dứt hành vi vi phạm, qua đó còn có tác dụng để răn đe, phòng ngừa chung.

Ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha, mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” (điều 151 Bộ luật Hình sự), người vi phạm bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Nếu hành vi đánh đập, gây thương tích cho mẹ, bà một cách nghiêm trọng, có thể bị xử phạt hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tình tiết tăng nặng do nạn nhân là ông bà, cha mẹ thì dù thương tật dưới 11% vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Tuy nhiên, đây là loại tội chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên nếu nạn nhân không có yêu cầu thì pháp luật cũng bó tay, không thể xử lý hành vi “bất hiếu” của con cháu.

Thương yêu, bảo bọc con cháu vốn là đức tính cao quý của người phụ nữ Việt. Tuy nhiên, không nên yêu thương đến mức dung dưỡng những hành vi bất hiếu của con cháu. Thiết nghĩ, ngoài tình thương con, ông bà, cha mẹ còn phải có nghĩa vụ răn đe, giáo dục con cháu về mặt đạo đức, giúp con cháu trở thành người con hiếu thảo trong gia đình, công dân có ích cho xã hội

Luật sư Lê Nguyễn Thuyền Quyên
(VPLS Sài Gòn Gia Định)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI