Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước: Là tập quán chính trị và thông lệ thế giới

06/10/2018 - 21:56

PNO - Tại buổi họp báo thông tin kết quả hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ khoá 12, báo chí đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc BCH TƯ giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu làm Chủ tịch nước.

Cuối giờ chiều 6/10, Ban Tuyên giáo TƯ phối hợp với Văn phòng TƯ họp báo thông tin kết quả hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ khoá 12. Ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng TƯ Đảng cho biết, khi biểu quyết, 175/175 uỷ viên chính thức có mặt đồng ý giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Riêng có ông Đinh Thế Huynh là người duy nhất vắng mặt tại hội nghị vì đang điều trị bệnh.

Theo ông Vĩnh, trong lịch sử truyền thống, Bác Hồ từng có hàng chục năm làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước nên đã có kinh nghiệm từ truyền thống, không có gì đáng ngại.

"Việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước", ông Vĩnh khẳng định.

Tong bi thu dong thoi la Chu tich nuoc: La tap quan chinh tri va thong le the gioi
Ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng TƯ Đảng

Trả lời về việc liệu các khoá sau có thực hiện Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước không, ông Vĩnh cho rằng, cần nhìn rộng ra thế giới, người đứng đầu đảng cầm quyền các nước luôn là người đứng đầu chính phủ hoặc là nguyên thủ quốc gia hoặc giữ cả hai chức vụ. 

"Đây là tập quán chính trị và thông lệ thế giới. Việc Tổng bí thư Đảng đồng thời là Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân hoan nghênh", ông Vĩnh nói và cho rằng việc này không có gì lạ và càng không phải học tập ai. 

Theo ông Vĩnh, các nhiệm kỳ tới như thế nào là do BCH TƯ, QH quyết định việc TBT có đồng thời là Chủ tịch nước hay không.

Trả lời về việc có sáp nhập hai văn phòng khi Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, ông Lê Quang Vĩnh khẳng định, hiện bốn văn phòng: Văn phòng TƯ Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội có một quy chế phối hợp rất chặt chẽ để đảm bảo phục vụ công tác Đảng, Nhà nước.

Theo ông, vấn đề sáp nhập hai văn phòng không được đặt ra, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng TƯ Đảng vẫn riêng biệt.

Văn phòng TƯ Đảng thực chất là Văn phòng BCH TƯ, là cơ quan tham mưu, giúp việc BCH TƯ Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, phối hợp, điều hoà hoạt động của các cơ quan tham mưu của TƯ Đảng.

Trong Văn phòng TƯ Đảng còn có một bộ phận rất quan trọng là Văn phòng Tổng bí thư gồm trợ lý, thư ký của Tổng bí thư.

Còn Văn phòng Chủ tịch nước là một chế định trong tổ chức nhà nước, giúp việc cho cả Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước. Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh, Chủ tịch nước là một pháp nhân, đồng thời là một thể nhân, vừa là cơ quan, vừa là một người.

Tháng 12 lấy phiếu tín nhiệm Uỷ viên Bộ Chính trị

Tại cuộc họp, báo chí đề cập việc khi nào lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh trong đảng.

Ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng TƯ Đảng cho biết, trong chương trình nghị sự năm 2018 của BCH TƯ còn một hội nghị BCH TƯ lần 9 vào tháng 12. Hội nghị này sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư, ủy viên BCH TƯ và thường trực cấp ủy các cấp.

Ông Vĩnh giải thích, theo quy định của Đảng, Nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh này này sẽ được tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu và phê chuẩn.

Vì vậy BCH TƯ có kỳ họp thứ 9 để thực hiện việc này và xem xét một số vấn đề quan trọng khác.

Đan Nguyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI