Những chuyện nhỏ lan tỏa giá trị nhân văn lớn

13/03/2019 - 07:30

PNO - Chẳng ồn ào nhưng những câu chuyện bình dị đời thường lại lan tỏa những giá trị nhân văn.

Bà giáo nơi công viên

Đều đặn mỗi ngày, cứ vào 17-18g, trên một ghế đá ở công viên Huỳnh Đình Hai (khu phố 4, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) người ta lại thấy hai bà cháu cặm cụi với sách vở. Gọi là bà cháu nhưng họ chẳng bà con gì với nhau. 

Nhung chuyen nho lan toa gia tri nhan van lon

Bà Đào Thị Thanh Nga và cháu Nguyễn Lê Vàng Anh.

 

Bà là Đào Thị Thanh Nga đã 70 tuổi, là một nhà giáo về hưu. Còn cháu trai nhỏ là Nguyễn Lê Vàng Anh, đang học lớp Năm. 

Anh Nguyễn Văn Minh và chị Lê Thị Luyến - cha mẹ của hai cháu, đầu tắt mặt tối với công việc làm thuê hằng ngày, lại ít chữ, dù rất lo lắng nhưng không đủ khả năng kèm cặp con mình. Biết rõ hoàn cảnh của hai cháu nên bà Nga nghĩ cách giúp đỡ. Nhưng nhà Vàng Anh chỉ khoảng chục mét vuông, ọp ẹp, chật chội, còn nhà bà Nga thì có đến 20 nhân khẩu với bốn gia đình, nên bà rủ Vàng Anh ra công viên để cháu được vui chơi thư giãn, còn bà thì có thể giúp cháu chuyện học hành.

Được sự giúp đỡ của một bà giáo từng có kinh nghiệm hơn 37 năm dạy học, việc học hành của Vàng Anh ngày càng tiến bộ. Hai năm gần đây, em ruột của Vàng Anh là Nguyễn Lê Ngọc Tuyết Mai, lớp Hai, cũng nhập nhóm để được bà Nga kèm cặp.

Từ hơn 10 năm qua, sau khi nghỉ hưu, bà Nga tham gia ban điều hành và làm chi hội trưởng phụ nữ khu phố. Không chỉ hai anh em Vàng Anh, Tuyết Mai mà nhiều người khác như chị Đào Thị Lan (40 tuổi), chị Nguyễn Thị Vân (50 tuổi) trước đây một chữ bẻ làm đôi cũng không biết nhưng bây giờ đọc sách báo ro ro và lên mạng “va chạm” ầm ầm. Các chị đều chịu ơn bà Nga dạy chữ. Bà Nguyễn Thị Kim Lan - cán bộ phụ nữ phường - ngưỡng mộ: “Dường như bà Nga là người của xã hội. Bà vận động rất khéo, luôn hiến dâng và làm cái gì cũng hết mình”. 

Làm bạn với người HIV/AIDS 

Gần 10 năm gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS, cái tên Vũ Thị Hiền đã trở nên quen thuộc đối với những gia đình có người thân bị nhiễm HIV trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Bất kể ngày hay đêm, sớm hay muộn, hễ có người cần giúp đỡ là chị Hiền có mặt. Với chị, được gần gũi chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là niềm vui. Và niềm vui đó được nhân lên khi người bệnh vượt qua khủng hoảng tinh thần, hồi phục thể chất để kéo dài sự sống và làm những công việc ý nghĩa.  

Nhung chuyen nho lan toa gia tri nhan van lon

Chị Vũ Thị Hiền

 

Sự gần gũi, chân tình của chị Hiền đã kết nối ngày càng nhiều chị em mắc “căn bệnh thế kỷ”. Ban đầu là chuyện trò hỏi han, sau đó chị lôi kéo, động viên, thuyết phục họ vượt qua nghịch cảnh. Chị cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà, tại cộng đồng, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và gia đình; chỉ cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để gia đình chăm sóc, hỗ trợ người bệnh trong suốt quá trình điều trị; tư vấn để phòng ngừa lây nhiễm; vận động kinh phí để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… “Những việc làm của chị Hiền đã khơi dậy trong người bệnh chúng tôi khát vọng sống và quyết tâm vượt qua nỗi ám ảnh bệnh tật để tự tin hòa nhập cộng đồng” - chị Th., một bệnh nhân HIV/AIDS - nói. 

Chị Hiền cho biết, đa số những người phụ nữ tìm chị đều không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế và chỗ ở gặp nhiều khó khăn… “Đáng buồn nhất là sự mặc cảm, tự ti khi họ bị mọi người xung quanh, kể cả người thân, kỳ thị” - chị Hiền chia sẻ. 

Ngoài những công việc liên quan đến người nhiễm HIV/ADIS, mỗi buổi sáng chị Hiền dậy sớm, tự tay nấu sữa và trao từng ly sữa nóng thơm đến các cụ già neo đơn, gia đình khó khăn. 

Tủ tạp hóa cho và nhận

Sáu tháng qua, vỉa hè đường Bạch Đằng (đoạn trước UBND P.14, Q.Bình Thạnh) xuất hiện một tủ tạp hóa. Trong tủ có nhiều thứ nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm, đường, sữa, bột ngọt, bột nêm, gạo… nhưng không có người mua, kẻ bán, chỉ có người đến nhận và cho. Cô Trần Thị Lệ, 61 tuổi, gò lưng đẩy xe trái cây bán dạo đến và nói với chúng tôi: “Có cô kia nói với tui đến đây nhận quà. Đến đây mới biết mình được cho hàng miễn phí”. 

Nhung chuyen nho lan toa gia tri nhan van lon

Chiếc tủ tạp hóa “nhận và cho”

 

Nhận quà là những người nghèo trên địa bàn phường, nhưng cũng có thể là người bán hàng rong, chạy xe ôm, mua ve chai, khuyết tật hay bất kỳ ai thật sự có nhu cầu. Chị Nguyễn Bảo Hiếu, chủ nhân của chiếc tủ tạp hóa, cho biết: “Ban đầu tôi chỉ có ý định đặt tủ bánh mì cho người khó khăn lót dạ buổi sáng. Đâu ngờ được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người”.

Sự “nhiệt tình” mà chị Hiếu đề cập là vài trăm ký gạo của các anh bên Đảng ủy phường; là mấy thùng dầu ăn của chị em Ủy ban phường và bao tấm lòng hào hiệp khác nữa. 

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI