Dân chung cư điên đầu với… số nhà

09/06/2018 - 06:48

PNO - Cư dân ở các chung cư đang rất khổ sở về số nhà chỉ vì quan điểm cục bộ của doanh nghiệp và sự bất nhất giữa các cơ quan quản lý.

Mạnh ai nấy làm, mặc kệ nhà dân loạn số

Người dân dọn về chung cư gần một năm nay, nhưng số nhà vẫn “nhảy múa”. Đó là thực trạng đang xảy ra tại chung cư CC1 - Jovita (H.Bình Chánh, TP.HCM). Cư dân nơi đây kể, khoảng giữa năm 2017, sau khi nhận nhà ở, họ nhận được thông báo cấp số nhà của UBND H.Bình Chánh. Tuy nhiên, nhiều người dân giật mình khi phát hiện số nhà do chính quyền địa phương cấp khác hoàn toàn với số nhà trong hợp đồng mua bán mà họ đã ký với chủ đầu tư. Đơn vị cấp số nhà chỉ giải thích ngắn gọn rằng, số nhà trong hợp đồng mua bán được cấp không đúng quy định pháp luật, nên phải cấp lại. 

Khoảng một tuần sau, các cư dân gửi đơn đến UBND H.Bình Chánh để xin rà soát, điều chỉnh lại, nhưng chờ hoài không thấy huyện trả lời, họ đành gửi thẳng đến Sở Xây dựng. Tuy nhiên sau đó, Sở Xây dựng lại chuyển ngược đơn cho huyện giải quyết. Đến nay, UBND H.Bình Chánh vẫn chưa giải quyết xong, và nhà dân vẫn loạn số. 

“Không có số nhà chính thức, chúng tôi muốn đi làm thủ tục tạm trú tạm vắng, chuyển hộ khẩu, điện, nước... đều rất khó khăn dù chúng tôi hoàn toàn không có lỗi” - một chủ hộ ở chung cư này bức xúc.

Dan chung cu dien dau voi… so nha
Nhà dân ở chung cư CC1 - Jovita đến nay vẫn còn loạn số

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng trên là do sự bất nhất giữa các quy định cấp số nhà nên mạnh ai nấy làm, còn cư dân phải gánh hậu quả. Cụ thể, hiện đang tồn tại hai quy định khác nhau trong việc cấp số nhà, gồm: Quyết định 22/QĐ của UBND TP.HCM và Thông tư 05/QĐ của Bộ Xây dựng.

Trong khi đó, tại nhiều chung cư, việc loạn số nhà lại xuất phát từ việc tin vào phong thủy của các chủ đầu tư (tránh “số xấu”). Theo quan niệm, số 13 được xem là “số xui” nên để thuận lợi trong việc bán hàng, nhiều chủ đầu tư đã bỏ con số này, thay thế số khác để “trấn” phong thủy. Việc này tưởng chừng rất nhỏ nhưng gây không ít phiền hà cho cư dân, dẫn đến những phản ứng gay gắt. 

Điển hình, tại chung cư Idico Tân Phú, khi nhận bàn giao căn hộ, các cư dân ở tầng 13 không khỏi giật mình khi phát hiện tầng này “biến mất”, thay vào đó là tầng 14 và các tầng trên cũng được tịnh tiến thêm một số.

“Việc này chỉ có lợi cho việc kinh doanh của chủ đầu tư, còn cư dân chúng tôi gặp rất nhiều phiền toái, vì số nhà chúng tôi được cấp trên giấy không trùng khớp với số nhà thực tế. Các giao dịch trong cuộc sống hằng ngày của cư dân gặp rất nhiều trục trặc” - chủ một hộ dân ở đây nói. 

Ngoài ra, nhiều người khác còn cho rằng, khi mua nhà, họ đã chọn căn hộ có số đẹp, số trùng, số 9 nút hay số tiến, giờ chủ đầu tư “nhảy tầng” số 13, căn hộ của họ không còn mang số như mong muốn. 

Sớm thống nhất để bớt hành dân 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự vênh nhau trong quy định cấp số nhà của UBND TP.HCM và Bộ Xây dựng tuy không nhiều nhưng lại chậm được giải quyết, gây khó khăn cho người dân.

Cụ thể, Quyết định 05 của Bộ Xây dựng quy định về việc đánh số tầng nhà chung cư được thực hiện theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng dưới lên tầng trên, bắt đầu từ tầng trệt, dùng các số tự nhiên 1, 2, 3… và không tính tầng hầm. Trường hợp nhà có tầng ngầm thì đánh số tầng ngầm theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng ngầm ở trên cùng xuống tầng ngầm phía dưới và dùng các số tự nhiên 1, 2, 3... Để phân biệt với tầng nổi, tầng ngầm được viết thêm ký hiệu N vào trước số tầng, ví dụ: N1, N2, N3... 

Trong khi đó, Quyết định 22 của UBND TP.HCM quy định đánh số tầng theo chiều từ dưới lên trên theo dãy số tự nhiên nhưng lại bắt đầu từ số 0 đối với tầng trệt, số 1 đối với lầu 1; trường hợp lô chung cư có tầng hầm thì đánh số tầng hầm theo chiều từ trên xuống, bắt đầu từ tầng hầm trên cùng sát với tầng trệt. Để phân biệt với tầng nổi, tầng hầm được viết thêm chữ H, ví dụ: H1, H2, H3… 

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại Q.3, TP.HCM than: “Chúng tôi cũng rất khổ với quy định bất nhất của các cơ quan quản lý. Trước khi xây dựng chung cư, chúng tôi phải trình bản vẽ đến Bộ Xây dựng để thẩm định nên buộc phải thực hiện theo quy định cấp số nhà của bộ. Nhưng khi dự án xây xong, đến giai đoạn hoàn công, đánh số nhà, cấp giấy chủ quyền cho người dân, chúng tôi lại phải thực hiện theo cách đánh số tầng, số nhà của UBND TP.HCM thì mới làm được”.  

Ông Trần Khánh Quang - chuyên gia kinh tế - cho rằng, việc này đã tồn tại từ lâu. Người dân ở khu vực phía Nam thường gọi tầng trệt riêng, sau đó mới đến các lầu 1, 2, 3... còn người dân khu vực phía Bắc thường gọi tầng trệt là tầng 1, sau đó mới đến các tầng còn lại. Nhưng các cơ quan chức năng không thể để tồn tại sự bất nhất này trên các văn bản pháp lý như vậy được vì nó vừa làm khó dân, vừa làm khó doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương 

Không nên để xảy ra tình trạng đơn vị cấp phép quy định kiểu này, đơn vị quản lý quy định kiểu khác. Các cơ quan có trách nhiệm cần rà soát lại, đơn vị nào sai thì phải sửa. Đây có thể xem là một trong những điển hình của tình trạng chồng chéo trong thủ tục hành chính hiện nay. Việc chủ đầu tư các dự án tự ý giật tầng, bỏ tầng khi cấp số nhà là sai, các cơ quan chức năng cần xử lý để đảm bảo quyền lợi của người dân. 

Phan Trí 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI