Con đường tự trôi

04/05/2015 - 07:56

PNO - PN - Một buổi sáng mùa Hạ, trong bóng mát của những tán lá vùng ôn đới, hít những hơi thở lành lạnh từ từ luồn sâu vào huyết quản như những dòng nhỏ li ti, những dòng lạnh và những rễ lạnh từ bên trong cơ thể...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi đọc thơ tập thơ Con đường tự trôi (NXB Văn Học) của Nguyễn Đăng Khoa, một chàng trai Việt Nam trẻ tuổi ở một nơi xa xôi, nóng bức. Một bối cảnh tương phản về không gian, thời tiết, nhưng những câu thơ và mạch chữ lại bỗng trở nên thấm thía và đồng cảm: "Những con nước thở ra nghìn sông rạch... Những chồi hoang sinh hạ rừng già..." (Trích Từ vết răng, môi non, táo cấm - Nguyễn Đăng Khoa).

Tôi nhớ lại chính mình, những trăn trở hoài bão của gần hai mươi năm trước, cũng giống Khoa bây giờ, những ám ảnh về bóng tối và sương mù. Tại sao trong cơn lốc bụi của đô thị, ta cứ lạc lõng mãi với những câu hỏi thường trực về bản thể, về con đường, về những đường bay siêu hình trong trí tưởng tượng đầy màu sắc và đầy mê hoặc. Khoa đã diễn giải cảm giác ấy thật chính xác trong: "Tôi vừa đi vừa tối", diễn giải sự bứt phá của mỗi con người trong dòng người hỗn loạn: "Khuôn mặt mọc khu rừng... Càng giống nhau càng cỗi… ".

Con duong tu troi

Về bút pháp, Khoa không cách tân mạnh mẽ về thể loại, có vẻ nhà thơ trẻ tuổi này vẫn còn lưu luyến khá nhiều với lục bát, thơ năm chữ và bảy chữ. Thỉnh thoảng xuất hiện trong tập thơ của Khoa có những bài thơ ngắn theo thể tự do. Nhưng trong chính những thể loại tưởng chừng gò bó và cũ kỹ ấy, Khoa đã diễn giải được những ý tưởng rất mới mẻ, những cái nhìn nhận bằng trực cảm chính xác để mô tả cuộc sống và cảm xúc rất độc đáo có và chỉ có ở những thi nhân:

Hoa khế sực tỉnh sau nhà

Cơn đau sực nhớ, mình là cơn đau...

(Rót Đêm)

Thương con quốc bạc kêu đồng

Mang miền quê cũ về trồng mé sân...

(Thương trời bên ấy lập đông)

Những hình ảnh phi lý đã xuất hiện, và càng xuất hiện một cách bất ngờ trong thơ Khoa, nó càng trở nên hấp dẫn. Bằng một cảm nhận khá tinh tế, nhà thơ trẻ đã lần ra được những logic của những hình ảnh phi lý, từ logic đó, thường sinh ra những vùng không gian rộng lớn hơn trong Thơ, và trong những vùng không gian mới ấy, con người trở nên tự do và bao dung hơn (dù cho khi ấy cảm giác về thân thể và tâm hồn của chính mình lại trở nên đau đớn hơn):

Bỗng thương nỗi buồn vô chủ

Nằm thút thít dưới chân cầu...

(Những đèn đường ven bờ hồ)

Từ độ ấy, đỉnh mây ngàn

Những màu của nhớ, cứ bàng bạc bay...

(Mây)

Tôi thấy đèn đường ăn tôi

Bóng ta ơi, bóng đau rồi phải không?

(Hai mươi giờ)

Gió gieo chếch mái ngói thâm

Một người xưa trống chỗ nằm năm xưa...

(Nhà ba gian)

Tôi đã có lần chia xẻ với Khoa công thức Thơ của nhà thơ Ngô Tự Lập: 1 bài thơ hay + 100 bài thơ bình thường < 1 bài thơ hay - điều đó nói lên rằng, số lượng Thơ rất nhiều khi là kẻ thù của chất lượng thơ. Chúng ta sẽ vô cùng tiếc vị ngọt của một hạt đường nếu đánh rơi nó vào trong một cốc nước lớn. Những thi tứ tuôn trào luôn là điểm mạnh của những nhà thơ trẻ như Khoa, nhưng bên cạnh đó, sự trùng lặp của một số từ và thủ pháp thơ vẫn còn xuất hiện khiến cho sự tươi mới trở nên không trọn vẹn trong toàn tập.

Đọc thơ Nguyễn Đăng Khoa, tôi lại ước mình có thêm một tuổi hai mươi lần nữa, để được đắm say bay trong những cảm xúc của thơ, của những hình ảnh không biên giới, của những con đường hoàn toàn tự do trong tâm tưởng. Mọi nỗi đau vẫn đều đặn được sinh ra cùng thời với những niềm vui, thơ không phải để vui, cũng không phải để buồn, không giục chúng ta đi, cũng không làm ta đứng lại. Thơ vừa là bến đỗ nhưng vừa là sóng đẩy thuyền đi. Thơ là chuyển dịch, là vận động không ngừng với những hành trang chữ và nghĩa. Thơ sinh cả ra nhà thơ và trong những trang thơ của Khoa tôi đã thấy, Thơ đã chọn chàng trai này để tiếp tục những hành trình bất tận của những trường thi âm và thi ảnh...

Nguyễn Vĩnh Tiến
(Toulouse)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI