Bao giờ trả rạp hát lại cho sân khấu?

31/07/2019 - 07:34

PNO - TP.HCM từng là thủ phủ của sân khấu cải lương với vài chục rạp hát, nhưng theo thời gian, các rạp hát dần trở thành cao ốc, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… hoặc bỏ trống do xuống cấp, xập xệ.

Trong sự nhộn nhịp trở lại của cải lương xã hội hóa, rạp hát là vấn đề được đặc biệt quan tâm. TP.HCM từng là thủ phủ của sân khấu cải lương với vài chục rạp hát, nhưng theo thời gian, các rạp hát dần trở thành cao ốc, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… hoặc bỏ trống do xuống cấp, xập  xệ. Trong khi đó, hàng chục năm nay, các sân khấu xã hội hóa vẫn phải long đong chạy tìm nơi diễn.

Sân khấu và nỗi lo rạp hát

Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, thành phố có trên dưới 50 rạp hát lớn, nhỏ để các đoàn hát của Sài Gòn và gánh hát tỉnh luân phiên biểu diễn. Cùng với sự thăng trầm của sân khấu, nhiều rạp hát dần chuyển đổi công năng thành rạp chiếu phim.

Bao gio tra rap hat lai cho san khau?
Rạp Olympic - thủ phủ cải lương một thời - hiện đã có dự án xây dựng mới

Cho đến thập niên 1980-1990, khán giả cải lương, kịch nói vẫn còn những điểm đến quen thuộc: Nhà hát Thành phố, Hòa Bình, Bến Thành, rạp Hưng Đạo, Công Nhân, Cao Đồng Hưng, Đại Đồng, Quốc Thanh, Nhân Dân, Lao Động B, Thủ Đô, Vinh Quang, Kim Châu… Giờ thì, ngoài 3 nhà hát, chỉ còn rạp Hưng Đạo (đã được xây dựng mới), Công Nhân và Đại Đồng còn sáng đèn. Rạp Thủ Đô được giao về cho Nhà hát Hát bội TP.HCM, chủ yếu chỉ để tập luyện, phúc khảo vở mới, ít có các suất diễn tại đây.

Đại Đồng nhiều năm nay là “đại bản doanh” của kịch Sài Gòn với thể loại kịch ma, kịch kinh dị. Các nhóm cải lương xã hội hóa (XHH) giờ diễn ở rạp Công Nhân (trực thuộc Nhà hát Kịch TP.HCM) và Nhà hát Hưng Đạo (trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).

Các nhóm cải lương XHH luôn mơ được diễn ở Nhà hát Thành phố, Hòa Bình hay Bến Thành, nhưng chỉ tính riêng chi phí thuê rạp đã 60-70 triệu đồng/đêm; phí tập luyện từ 10-15 triệu đồng/ngày. Mức phí này đẩy giá vé lên rất cao, phổ biến từ 400.000 đến 1,5 triệu đồng/vé. Nhà hát Thành phố, do có chủ trương hỗ trợ các đơn vị XHH, nên giá thuê không cao. Có điều, lịch biểu diễn của nơi này gần như kín quanh năm, trong khi việc lên lịch biểu diễn cho một tác phẩm cải lương trước cả năm là “điều không tưởng”.

Những ngày trống của Nhà hát Thành phố đa phần không rơi vào cuối tuần, nên việc bán vé cũng khó khăn. NSƯT Kim Tử Long từng đặt được lịch diễn 3 suất tại Nhà hát Thành phố vào tháng 4/2019. Mọi việc đã sẵn sàng, nhưng đến giờ chót, cả 3 suất diễn đều không thực hiện được, do nhà hát có kế hoạch đột xuất.

Rạp hát ngày xưa nay ở đâu?

Cải lương dồn về Hưng Đạo và Công Nhân. Sân khấu kịch phải tập trung tại các trung tâm văn hóa. Idecaf đóng quân ở Viện Trao đổi văn hóa với Pháp, Kịch Hồng Vân ở Trung tâm Văn hóa Q.Phú Nhuận, Hoàng Thái Thanh ở Nhà Thiếu nhi Q.10, Thế Giới Trẻ đóng ở nhà hát thuộc Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM…

Bao gio tra rap hat lai cho san khau?
Rạp Văn Hoa nay là IMC Tower với cụm rạp chiếu phim hiện đại, phim trường, studio, văn phòng cho thuê…

Hai trong số 3 nhà hát lớn của thành phố là Nhà hát Bến Thành (Q.1) và Nhà hát Hòa Bình (Q.10) đều thuộc quyền quản lý của quận. Nhà hát Thành phố trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) và hiện được giao cho Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM quản lý. Những cụm rạp trước đây đa phần thuộc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn.

Hầu hết những rạp có vị trí đẹp đã được xây dựng mới và chuyển đổi công năng thành nhà hàng, khách sạn, khu dịch vụ cao cấp. Rạp Quốc Thanh giờ thành rạp chiếu phim, Vinh Quang thành Liberty Central, Văn Hoa nay là Trung tâm Văn hóa đa năng IMC Tower, Gia Định thành nhà sách Fahasa lớn nhất nước. Minh Châu, Kim Đô đã có dự án xây dựng thành khu phức hợp thương mại, giải trí, khách sạn… Các rạp Minh Phụng, Cao Đồng Hưng hiện cũng là nhà sách Fahasa…

Việc xây dựng những rạp hát cũ thành trung tâm thương mại, giải trí, dịch vụ, theo sự phát triển của xã hội cũng là chuyện bình thường, nhất là khi các rạp hát đều đã được xây dựng từ vài chục năm trước, nên cũng đã xuống cấp. Tuy nhiên, điều gây thắc mắc lớn là vì sao hoạt động sân khấu lại bị đặt ngoài lề các hoạt động giải trí của thành phố. Vì sao ta chỉ có cụm rạp chiếu phim, trung tâm giải trí, dịch vụ… mà không có sân khấu, nhà hát cho nghệ thuật biểu diễn?

Hầu hết rạp hát do Sở VH-TT TP.HCM quản lý đều đã rất cũ kỹ, xập xệ. Trừ Nhà hát Thành phố thường xuyên được bảo dưỡng, do là một trong những địa chỉ văn hóa của thành phố, đến nay chỉ mới có rạp Hưng Đạo được xây dựng mới, nhưng hiệu quả, công năng lại không như mong đợi.

Rạp Công Nhân, dù đã được nâng cấp, sửa chữa, vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là vị trí ngồi của khán giả, điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất… quá lạc hậu. Rạp Long Vân thuộc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, Kim Châu của Nhà hát Bông Sen, Nhân Dân của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Lệ Thanh B là nơi tập luyện của một số nhóm múa, Lao Động A-B xuống cấp, đóng cửa chờ xây dựng lại.

Bao gio tra rap hat lai cho san khau?
Rạp Aristo (Trung ương hí viện) xưa nay là khách sạn New World

Không thể chờ lâu hơn

Tháng 5/2016, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cải tạo, xây dựng mới công trình văn hóa tại rạp Công Nhân và Lao Động A-B theo hình thức đối tác công tư với Tập đoàn C.T Group. Tháng 5/2017 UBND TP.HCM cũng đã duyệt dự án. Nhưng cho đến nay, cả hai dự án vẫn chưa khởi công. Mới đây, khi chấp thuận chủ trương dời sân khấu Sen Hồng về rạp Công Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã yêu cầu Sở VH-TT khẩn trương xây dựng phương án sửa chữa, chỉnh trang rạp Công Nhân.

Ngoài hai dự án trên, rạp Kim Châu cũng đã có nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Sài Gòn và Trung tâm Văn hóa Thành phố (rạp Olympic cũ) có đối tác là Công ty cổ phần Dịch vụ Điện tử Việt. Ba dự án khác đang được Sở VH-TT kêu gọi đầu tư xây dựng mới là rạp Thủ Đô, rạp Thanh Vân và Nhân Dân.

Dù vậy, các dự án vẫn chưa “chuyển động”, các đơn vị XHH lại tiếp tục chạy quanh tìm điểm diễn. Nhiều vở diễn đầu tư tốn kém, tập luyện công phu, nhưng sau 1-2 suất diễn đành xếp lại, vừa lãng phí tiền của, công sức nghệ sĩ, vừa thiệt thòi cho khán giả và ít nhiều làm thui chột đam mê, nhiệt huyết của nghệ sĩ. Cải lương đang sôi động trở lại sau nhiều năm yên ắng. Không nỗi buồn nào bằng việc nghệ sĩ cứ phải loay hoay đi tìm sàn diễn.

Một trong những mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là tới năm 2020, ngành nghệ thuật biểu diễn đạt doanh thu trên 30% cả nước. Trong đó, nghệ thuật truyền thống tập trung cho loại hình hát bội, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại.

Liệu điều này có khả thi khi doanh thu của nghệ thuật biểu diễn ở TP.HCM phần lớn là từ các đơn vị sân khấu XHH, mà họ lại không có điểm diễn. Dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, với mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, dự kiến phải đến đầu quý I/2020 mới khởi công. Liệu các sân khấu XHH và khán giả có thể cầm cự đến lúc rạp hoàn thành?

Bao gio tra rap hat lai cho san khau?
Nhà hát Thành phố luôn luôn kín lịch

“Chúng tôi sẵn sàng đầu tư xây dựng tác phẩm và tự quảng bá, tìm khán giả, tổ chức biểu diễn… Chúng tôi chỉ xin được hỗ trợ một rạp hát, với chi phí thuê mướn hợp lý và ổn định, để giới thiệu tác phẩm đến công chúng”. Nguyện vọng chính đáng của nghệ sĩ vẫn đang chờ thành phố có những quyết sách quyết liệt hơn. 

Tháng 10/2019, chúng tôi sẽ lên lịch biểu diễn năm 2020 ở Nhà hát Thành phố. Dự kiến mỗi tháng sẽ có một suất diễn cố định dành cho cải lương. Nhà hát cũng ưu tiên cho các đơn vị sân khấu XHH (kịch nói, cải lương) đăng ký các suất diễn cố định với giá thuê ưu đãi. Những tác phẩm đăng ký biểu diễn tại Nhà hát Thành phố phải có chất lượng, được đánh giá tốt, đơn vị sản xuất cũng phải đảm bảo đúng hợp đồng tổ chức biểu diễn và sẽ phải bồi thường theo quy định nếu tự ý hủy diễn. Nhà hát cũng cam kết đảm bảo các suất diễn cho các đơn vị, trừ trường hợp đột xuất - khi phải thực hiện các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Ông Nguyễn Hữu Luân 
(Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM)

Trong khi các sân khấu tư nhân phải đối mặt với trăm ngàn khó khăn, nỗ lực giữ cho sân khấu sáng đèn thì suốt một thời gian dài, các rạp hát không hề được sửa chữa, tu bổ hoặc nâng cấp. Khi có dự án sửa chữa, xây dựng lại vướng cơ chế, chính sách… và lại tiếp tục chờ. Đã đến lúc thành phố cần có những chủ trương, chính sách năng động, cởi mở hơn, để sớm trả nhà hát lại cho sân khấu.

Ông Huỳnh Anh Tuấn 
(Giám đốc Công ty Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương)

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI