Những cơn nghẹn của ngoại

02/06/2014 - 11:55

PNO - PNO - Tôi đã từng đọc biết bao kỷ niệm của mọi người về bà ngoại, câu chuyện nào cũng đầy xúc động, yêu thương. Thế nhưng với tôi, hình ảnh ngoại gắn liền với nỗi ray rứt, hối hận không còn cơ hội sửa chữa.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ngày đó, nhà tôi nghèo, lại đông con, ngày nào cha mẹ tôi cũng đạp xe đi cắt lúa mướn từ mờ sáng, đến khi trời tối mịt mới về nhà. Ở nhà với đám cháu lóc chóc đang tuổi ăn tuổi lớn, bà ngoại 80 tuổi chịu không ít nhọc nhằn, tủi cực. Khi chị em tôi trưởng thành, nhớ lại những lần đối xử hỗn hào, vô tâm với ngoại, chúng tôi không khỏi hối hận.

Nhũng con nghẹn của ngoại

Khi ấy tôi 12 tuổi, là chị lớn của ba đứa em nhỏ, sinh cách nhau năm một. Là chị lớn, nhưng tôi vẫn chẳng có khôn. Sau giờ học, tôi thường quăng cặp sách vào góc nhà và chạy tót sang nhà hàng xóm chơi u, bắn bi, đánh khăng, quay gụ…Mỗi lần nhác thấy bóng ngoại chống gậy đi sang, tôi ba chân bốn cẳng chạy trốn, mặc cho ngoại gọi đến khan cả cổ.

Mỗi lần trước khi đi làm xa, mẹ thường đưa cho tôi một ít tiền lẻ dặn đi chợ mua rau, tép về nấu canh cho ngoại ăn. Bữa ăn nào không có canh, ngoại sẽ bị nghẹn. Nghe mẹ, tôi vâng vâng, dạ dạ nhưng lại lấy hết tiền đi mua bánh, kẹo ăn. Để không phải nấu cơm nhiều bữa, tôi thường nấu một nồi cơm thật lớn, để dành ăn cả ngày. Múc chén cơm nguội khô khốc và một bát mắm trong ra cho ngoại xong, tôi chạy nhót đi chơi khi nghe tiếng bạn gọi í ới đầu ngõ.

Có hôm ăn cơm khô mắc nghẹn, hai hàng nước mắt ngoại trào ra. Mắt ngoại trợn trắng, giọng như khóc: “Lấy cho ngoại li nước”. Ngoại vừa uống hớp nước trắng vào, lưng chén cơm nguội chưa kịp xuống bao tử ọc hết ra ngoài. Tuổi nhỏ ham chơi, cha mẹ lại bận bịu công việc, không ai dạy bảo tôi phải biết đối xử tử tế với ngoại. Cứ vậy, tôi để ngoại ăn cơm nguội triền miên. Nhưng có một điều lạ là ngoại không bao giờ mách lại với cha mẹ tôi. Ngoại biết tính cha tôi nóng như lửa, chỉ cần ở nhà nghe hàng xóm nói tôi gây gổ, thó mó cái gì của ai là cha đánh cho mềm người. Không ít lần ngoại vào can ngăn cha đừng đánh tôi và ngoại ăn roi của con rể một cách bất đắc dĩ.

Nhũng con nghẹn của ngoại

Ngày đó, ở quê nhà nào cũng dùng nước giếng nhưng không có mô-tơ điện bơm nước như bây giờ. Giếng đào sâu hơn chục mét, mùa khô về nước cạn đáy, phải dùng dây cột vào thùng kéo lên dùng. Tôi và lũ em thường xuyên tị nạnh nhau việc múc nước. Quần áo, chén bát, soong chảo…cả một mớ đồ cần đến nước giặt dũ, tẩy rửa. Đến bữa ăn xong, ba chị em lớn kéo nhau đi chơi. Thằng Út mới 6 tuổi chưa biết làm việc nhà. Ngoại lại phải na từng thùng nước dưới giếng sâu lên rồi lọ mọ, hết rửa chén đến giặt đồ. Có hôm sàn nước trơn, ngoại trượt chân ngã, bị trật khớp, chân sưng đau nhức, cả tuần không đi đâu được. Tối về, ba tôi hỏi chuyện, ngoại lại lấp liếm, nói dối để cháu không phải bị đòn.

Một năm sau, người dì ở thành phố về thăm, chứng kiến nỗi nhọc nhằn của ngoại, dì vội đón ngoại lên nuôi. Nhà dì có điều kiện hơn, ngoại cũng không phải ăn những bữa cơm nguội khô khan và kéo những thùng nước nặng trĩu. Nhưng cuộc sống phố thị không quen, ngoại than buồn, nhớ các cháu và muốn về sống với cha mẹ tôi. Nhưng ước nguyện ấy không thành, khi một năm sau đó ngoại đổ bệnh và mất.

Sau này, lớn lên, nhớ lại ngày nhỏ ham chơi, tôi đã đối xử không tốt với ngoại mà lòng không ít ray rứt, hối hận. Hình ảnh lưng ngoại cong rạp đang nai lưng kéo từng thùng nước bên cái giếng cạn luôn ám ảnh trong trí nhớ của tôi. Tôi ước gì ngoại vẫn còn sống để có thể bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi cho ngoại. Nhưng tiếc thay thời gian không trở lại và những lỗi lầm của tuổi thơ cũng không còn cơ hội để sửa…

TIÊN NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI