Mẹ là cô giáo

20/11/2017 - 11:30

PNO - “Nếu mẹ làm cô giáo thì thế nào? Sẽ có nhiều thời gian cho con, dạy dỗ con tốt hơn, con sẽ hạnh phúc hơn?”. Nhiều lần tôi tự hỏi mình...

Con trai tôi nhiều lần than thở: "Sao mẹ không làm cô giáo, để tới hè và tết, mẹ nghỉ cùng con. Khi con nghỉ học, mẹ gửi con hết chỗ này chỗ khác, rồi lại tới cơ quan mẹ, phải ngồi im một chỗ, không được chạy nhảy, chán quá!”.

Me la co giao
Ảnh mang tính minh họa - Ảnh: Võ Ngọc Toàn

“Nếu mẹ làm cô giáo thì thế nào? Sẽ có nhiều thời gian cho con, dạy dỗ con tốt hơn, con sẽ hạnh phúc hơn?”. Nhiều lần tôi tự hỏi mình, rồi khi có dịp, tôi hỏi các cô giáo của con về chuyện nuôi dạy con cái của họ.

Cô Thủy dạy trường mầm non 15 năm, có hai đứa con, đứa tuổi tiểu học, đứa cấp II, nhưng chưa khi nào cô có thể đưa đón con đi học. Sáng, cô sấp ngửa chạy xe 7km để 6g có mặt tại trường. Chiều, 5g cô mới được rời trường sau khi dọn dẹp lớp. Chưa kể những ngày ba mẹ các bé kẹt xe, mưa gió hay đơn giản là… quên nên đón trễ. Vậy ai đưa đón con cô? Tất cả dồn vào ba các cháu nếu anh ấy làm việc ở thành phố.

Khi ba chúng đi công tác, cô Thủy đành thuê người chạy xe ôm cùng khu phố đưa đón. "Ba chúng theo công trình đi biền biệt nên lương mình đổ hết vào tiền thuê đưa đón trẻ. Sáng mình dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho tụi nhỏ, chúng tự gọi nhau dậy, tự ăn, rồi ra đầu hẻm chờ bác xe ôm. Bao năm nay như thế, cả mùa hè hay những ngày giáp tết", cô Thủy chia sẻ.

Không phải làm giáo viên thì hè hay tết được "ở nhà chơi xơi nước mà vẫn có lương" như phụ huynh, học sinh vẫn nghĩ. Mỗi kỳ nghỉ hè, hầu như họ chỉ thoải mái tuần đầu tiên, cũng là dịp các trường tổ chức đi nghỉ mát.

Sau đó là vô vàn các hoạt động nghiệp vụ, công đoàn, trang trí sửa sang trường lớp, rồi vào kỳ học hè. Đầu hè như vậy, cuối hè cũng thế. Giáp tết hay sau tết cũng chẳng khác gì, dày đặc các công việc liên quan phải tới trường, dù không lên lớp. 

Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy phải cập nhật liên tục, với một số môn còn cập nhật theo tháng, theo học kỳ; hằng năm giáo viên còn phải học bổ sung kiến thức, chương trình mới. Nhiều cô buổi tối còn thu xếp đi học để có bằng cấp cao hơn, cho phù hợp với... chuẩn hóa.

Giáo viên phổ thông ít phải dọn dẹp trang trí lớp học, nhưng lại phải mang bài về nhà chấm, phải soạn giáo án, tất nhiên họ làm vào buổi tối, cắt xén thời gian đáng lẽ dành cho chồng con và bản thân. “Chăm con người ta thế chứ con mình có được chăm đâu”, cô Thu cùng phụ trách lớp với cô Thủy thở dài. Cô là giáo viên trẻ, sinh hai bé gái liên tiếp.

Vì trẻ đẹp, hát hay múa giỏi nên ngoài giờ lên lớp cô thường phải tham gia tập văn nghệ để dự các đợt lễ, hội thi văn nghệ của nhà giáo. Ở trường cô bón cơm, dọn ói cho 40 đứa trẻ, nhưng con của cô thì phải giao cho người giúp việc, nhờ ông bà nội.

“Mẹ là cô giáo, con có học giỏi không?”. Phương pháp sư phạm thì có, nhưng điều quan trọng nhất với trẻ vẫn là ở bên con để hiểu chúng. Chỉ khi công việc không quá áp lực, không phải lo nghĩ nhiều về thu nhập, mẹ mới không trút bực bội, đòn roi lên con. Nhưng lương và cuộc sống chật vật của nghề giáo khiến nhiều cô hết giờ phải “chạy sô” dạy thêm, dạy kèm tại các trung tâm, tại nhà riêng. Thời gian bên con đã bị đánh cắp. Tôi biết rất nhiều bé là con giáo viên nhưng học kém, dù chúng không thuộc nhóm trẻ chậm chạp. 

“Con đừng tị nạnh với bạn có mẹ làm giáo viên nữa. Ba bạn Giang là giảng viên đại học nhưng cuối tuần hay hè cũng không được nghỉ ở nhà với bạn. Chú ấy phải đi giảng ở các tỉnh mới có tiền lo cho gia đình”, tôi nói với con trai mà băn khoăn tự hỏi, nếu là giáo viên tiểu học, không biết cuộc đời mình có vất vả như các cô không?

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI