Nằm liệt giường vì… cầu treo

01/11/2014 - 07:55

PNO - PN - Có chiếc cầu nối đôi bờ là mong ước nhiều năm nay của bà con ấp 5 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) và bà con ấp Lý Lịch 2 (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) thuộc tỉnh Đồng Nai. Chiếc cầu treo lắt lẻo tạm bợ bắc qua suối...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nằm liệt giường vì… cầu treo

Bà Lê Thị Vui (tổ 7, ấp Lý Lịch 2) là một trong những nạn nhân té cầu treo Samach. Bà kể, năm 2008, con trai chở bà từ nhà bên xã Phú Lý qua làm rẫy bên ấp 5, xã Thanh Sơn. Khi xe lên đầu cầu thì chiếc cầu chao mạnh bởi một chiếc xe máy chạy phía trước, khiến con bà lạc tay lái vướng vào thành cầu, hất bà rơi xuống suối sâu, gãy hai đốt sống, nằm liệt một chỗ cho đến nay. Thời gian qua, nhiều người đi qua cầu treo cũng đã bị trượt té xuống suối.

Nàm liẹt giuòng vì… cau treo

Chiếc cầu treo Samach nối liền hai xã Thanh Sơn và Phú Lý đã tồn tại 15 năm nay

Ông Nguyễn Văn Dứt (tổ 7, ấp 5, xã Phú Lý) cho biết, vào khoảng năm 1990, người dân khắp nơi tìm đến đây khai hoang, lập nghiệp. Từ đó, nhiều hộ dân ở Phú Lý đổ xô qua Thanh Sơn làm rẫy; sáng qua làm chiều tối lại quay về. Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng đời sống của bà con nơi đây vẫn không phát triển được, đơn giản vì hệ thống giao thông không được đầu tư. Lúc trước chưa có cầu treo, vào mùa nắng nước suối cạn, người dân lội qua suối, còn mùa mưa phải đi đò. Năm 1999, bà con vận động gom góp tiền để làm chiếc cầu treo đi tạm. Theo thời gian, chiếc cầu ngày một xuống cấp và không còn an toàn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cây cầu treo nối liền hai địa phương được thiết kế rất đơn giản, gồm mỗi bên đầu cầu là trụ bê tông, giữa suối cắm thêm hai trụ sắt, hai dây cáp được giăng để đỡ những tấm ván mặt cầu, và thêm hai dây cáp làm thành cầu.

Vì việc đi lại quá khó khăn nên người dân nơi đây như sống trong một “ốc đảo” bị cô lập với các vùng xung quanh. “Vì điều kiện đi lại khó khăn nên vào mùa thu hoạch, hàng hóa nông sản thường bị tiểu thương ép giá. Cứ tính, 1kg xoài bị ép giá 500đ thì 1hecta (khoảng 30 tấn) người dân sẽ bị mất 15 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm bà con ở Thanh Sơn chịu thiệt hàng tỷ đồng tiền bán nông sản, trong khi vì giao thông không thuận lợi nên chi phí đầu tư chăm sóc cây trồng lại rất cao. Điều đó khiến cho người dân chịu quá nhiều thiệt thòi”, ông Dứt bức xúc.

Dân bỏ tiền xây cầu cũng không được

Năm 2010, đại đức Thích Chơn Nguyên về định cư tại tổ 7, ấp 5, xã Thanh Sơn, trụ trì chùa Liên Sơn. Thấy đời sống của bà con nơi đây nghèo khổ vì giao thông cách trở, vị đại đức này đã vận động các nhà hảo tâm ở TP.HCM góp tiền làm cầu cho bà con. Đầu năm 2014, ông đến UBND xã Thanh Sơn và Phú Lý để xin chủ trương xây cầu theo hình thức dân đóng tiền. Tuy nhiên, đến nay ý tưởng tốt đẹp này vẫn chưa thể thực hiện được, vì gặp phải những khó khăn về thủ tục pháp lý và kinh phí… “Ban đầu xã Phú Lý đồng ý làm cầu theo hình thức xã hội hóa (dân 50%, nhà nước 50%) để xây dựng cầu với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, nhưng sau đó lại thông báo là không có kinh phí. Chúng tôi cũng chỉ vận động được khoảng 600 triệu đồng”- đại đức Thích Chơn Nguyên chia sẻ.

Ông Hoàng Xuân Thiên, cán bộ địa chính - xây dựng - nông nghiệp - môi trường xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), cho biết: mới đây, ban ấp Lý Lịch 2 kết hợp với UBND xã Phú Lý tổ chức cuộc họp với 45 hộ dân trong ấp có đất ở xã Thanh Sơn (H.Định Quán) để xin ý kiến về làm cầu Samach. Kết quả cuộc họp, người dân đồng tình ủng hộ. Trên cơ sở đó, xã đã gửi văn bản lên huyện xin chủ trương xây cầu. Sau đó, huyện về khảo sát, kiểm tra thực tế vị trí xây cầu mới và đã nhất trí. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - hạ tầng làm văn bản cụ thể trình để huyện xét duyệt. Nhưng, huyện lại cho rằng, chủ đầu tư dự án không phải là dân xã Phú Lý mà bên xã Thanh Sơn, nên huyện Vĩnh Cửu cho chủ trương xây dựng cầu là không đúng(!). Hơn nữa, thủ tục hồ sơ chưa hoàn chỉnh, bản vẽ thiết kế cầu chưa đủ cơ sở pháp lý.

“Vừa qua UBND xã Thanh Sơn đã gửi văn bản đến UBND xã Phú Lý với nội dung: chính quyền và nhân dân xã Thanh Sơn rất đồng tình ủng hộ việc xây dựng cầu Samach, xem đây là cơ hội để phát triển cho khu vực này. Phía xã Phú Lý cũng rất ủng hộ việc vị trụ trì chùa Liên Sơn đầu tư xây cầu cho dân đi và sẵn sàng hỗ trợ về mặt hồ sơ pháp lý. Còn nếu làm cầu theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm thì cần phải tính thêm, vì dự án này liên quan đến hai địa phương”, ông Thiên nói.

Vậy là có rất nhiều lý do để trì hoãn việc xây cầu phục vụ dân sinh. Không biết đến bao giờ bà con đôi bờ suối Samach ở xã Thanh Sơn (H.Định Quán) và xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) mới được nối bờ vui?

MAI HOA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI