edf40wrjww2tblPage:Content
Ông và bà tranh luận gay gắt trong phiên xử phúc thẩm
“Sửa sai”?
Ông nói rằng mình muốn “sửa sai”, khi ý thức việc sống chung với người phụ nữ khác trong lúc đang có gia đình là phạm luật.
Ông và bà kết hôn năm 1986, có với nhau ba người con. Từ ấy đến nay, bà và các con vẫn sống trong ngôi nhà của cha mẹ chồng. Ông hành nghề thầy cúng, bà trông coi bãi giữ xe. Cuộc sống khá êm đềm nhưng đến năm 2003 thì mọi sự nghiêng ngả. Khi ấy, cha ông đổ bệnh, bà phận dâu con nhưng ham mê cờ bạc, bỏ mặc cha chồng. Ông buộc lòng đưa về một phụ nữ, nói rằng cô ấy là đệ tử, đến phụ giúp chuyện nhà và phụ việc cho ông. Bà không mảy may suy tư. Nghịch lý giữa hai người đàn bà - sự thờ ơ của vợ và sự hết lòng lo toan, chăm sóc cha mình của người đệ tử - khiến tình cảm ông dành cho bà vơi dần. Nhưng, nó không mất đi mà âm thầm “chảy” sang người phụ nữ lo cho cha ông từ miếng ăn giấc ngủ. Năm 2007, ông tuyên bố ly thân, công khai mối quan hệ. Bà nổi cơn ghen, thường xuyên mắng chửi, hai năm nay, ông và nhân tình bỏ về sống ở một tỉnh miền Trung.
Một ngày, ông bất ngờ quay về, bảo rằng muốn "sửa sai". Chìa lá đơn ly hôn cho bà, ông quả quyết việc sửa sai đầu tiên chính là chấm dứt cuộc hôn nhân, tiếp sau là hợp thức hóa mối quan hệ giữa ông cùng người phụ nữ kia. Ba tháng trước, TAND Q.Bình Thạnh tuyên bác đơn, ông kháng án.
Ngoài bài phản biện soạn sẵn, hôm nay ông còn mang đến tòa một bài báo, trong đó đề cập đến vụ án vợ hành hung chồng vì không được ly hôn. Ông lý giải: “Để đưa cho tòa xem. Tòa mà không cho ly hôn, cuộc sống vợ chồng tôi có gì bất ổn thì họ chịu trách nhiệm”.
Tình đã cạn
Ông liên tục nói trước hội đồng xét xử rằng cuộc hôn nhân đã “ung nhọt”, như địa ngục trần gian, thì việc tòa không cho ly hôn có thể dẫn đến những hiểm họa khó lường. Phần mình, bà nức nở trình bày: “Mọi sự đang yên ổn thì người phụ nữ kia xuất hiện. Tôi không muốn ly hôn vì vẫn còn tình cảm với ông”. Ông ngồi bên này, nở nụ cười giễu cợt. Các chị ông tìm kiếm sự đồng thuận nơi những người dự khán: “Nhỏ đó về chăm sóc cha tụi tôi chứ ai. Còn nó nói thương chồng là dối trá. Thương sao không phụ chồng chăm sóc cha”. Như để chứng minh, họ cho xem tấm ảnh chụp một phụ nữ đang đầu bù tóc rối chăm lo cho người bệnh: “Là nhỏ này nè!”.
Bức ảnh chụp người phụ nữ đang chăm sóc cha nhân tình
Bà thút thít trình bày: “Trong trường hợp buộc lòng phải ly hôn, tôi muốn ông hỗ trợ một lô đất để ổn định chỗ ở”. Bà cúi đầu, ngưng giây lát rồi giải thích: “Nếu ly hôn, thế nào tôi và các con cũng bị đuổi khỏi nhà. Sống chung bao nhiêu năm, chẳng lẽ ly hôn xong đến chỗ ở cũng không có”. Dường như chỉ đợi bà nói câu này, ông đột ngột đứng lên, mở bài phản biện bốn trang, dõng dạc đọc: “…Cử chỉ nào, hành động nào làm cơ sở bà còn tình cảm với tôi? Lẽ nào ly hôn mà có điều kiện? Bà trói buộc tôi suốt đời bằng giá trị một lô đất mà bảo đó là tình yêu? Lẽ nào ly hôn đường ai nấy đi, trở thành người xa lạ mà tôi còn phải đảm bảo cuộc sống tốt cho bà? Lẽ nào tôi phải đi mua sự tự do của mình khi cuộc hôn nhân đã trở thành địa ngục. Tôi vô cảm với bà - người chỉ biết vật chất…”.
Những “lẽ nào” của người cha khiến con trai ông cúi gằm mặt. Có lẽ cũng không chịu đựng được nữa, bà bất giác gào to: “Phải, tôi không còn tình cảm với ông”. Phiên tòa lặng phắc, không gian quánh đặc sau câu nói bất ngờ của bà. Có cảm tưởng, tất cả người dự khán đều ngỡ ngàng, như muốn nín thở trước cuộc hơn thua căng thẳng giữa hai con người từng rất yêu thương nhau. Cuộc ly hôn nào cũng vậy, những yêu thương, hạnh phúc một thời như chén nước hắt đi, bay biến đâu mất, để nhường chỗ cho những thói tật, sự xấu xa, tội lỗi đem “trưng” ra trước tòa. Bà nghẹn lời trút cạn: “Yêu thương gì nữa, khi ông từng chửi ông lấy tôi như lấy… súc vật; có lần tôi đau phải đi mổ gấp mà ông ngó lơ; con gái đầu đám cưới ông không về dự; cho người khác bao nhiêu cũng được, chứ ông không mua nổi cho con cái bánh; ông sống với người khác ngay bên cạnh tôi”.
Ông vẫn khăng khăng: “Tôi không cần biết. Nhưng không cho ly hôn, để ba chúng tôi sống với nhau như vậy thì tòa sai chứ tôi không sai; và lỡ có điều gì thì tòa chịu trách nhiệm”. Không ai ngăn được tiếng thở dài, kiểm sát viên cũng nêu quan điểm cuộc hôn nhân giữa họ đã vô phương cứu chữa, đề nghị chủ tọa tuyên cho ly hôn. Bà nghe vậy càng khóc to hơn. Con trai bà lần tìm tay mẹ bóp chặt; bên kia, ông và các chị nhìn nhau mỉm cười.
Phiên xử chưa kết thúc. Vụ việc phức tạp, tòa cho biết cần thời gian xem xét, nên sẽ tuyên án vào một ngày khác. Thắng, thua; hơn, thiệt rồi đây thuộc về ai thì phiên xử hôm nay vẫn để lại những dư vị đắng chát.
TUYẾT DÂN
Vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân - Gia Đình Hôn nhân có khởi đầu pháp lý bằng việc kết hôn, là sự ràng buộc giữa vợ chồng dựa trên nguyên tắc chung thủy, bình đẳng và tiến bộ. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng, tình cảm chỉ có thể giữ được trong tim chứ không thể giữ được bằng một sự níu kéo pháp lý. Do đó, khi giữa hai con người phát sinh mâu thuẫn đến mức không thể tiếp tục duy trì mối quan hệ hôn nhân thì nên được kết thúc bằng pháp lý ly hôn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ly hôn trong câu chuyện trên xuất phát từ bản thân người chồng đã chung sống như vợ chồng với người khác trong một thời gian dài. Đây là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân và Gia đình, người vợ có thể yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và xử lý hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Sau nhiều năm chung sống, nguyện vọng có được một chỗ ở ổn định của người vợ khi ly hôn là chính đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp giữa hai người không có tài sản chung, và người chồng đã kiên quyết không nhân nhượng chia sẻ tài sản riêng thì cũng đành chấp nhận. Trong trường hợp này, người chồng bỏ đi khi vẫn còn trong mối quan hệ hôn nhân, người vợ có thể yêu cầu cơ quan chức năng xác minh, làm rõ tài sản hiện có của chồng (nếu người chồng tự tạo được khối tài sản trong thời gian bỏ đi, thì đây vẫn được xem là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân). Biết được đâu là tài sản chung và riêng, khi ấy người vợ có thể yêu cầu tòa phân chia tài sản (nếu có) theo đúng pháp luật. Vụ án chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, thoát ra những căn cứ luật, việc nguyên đơn cho rằng “ly hôn xong trở thành người xa lạ” là một điều đáng buồn. Cuộc ly hôn nào cũng vậy, không chung sống với nhau là quyết định của cha mẹ; nhưng cha mẹ cần giữ được sự tôn trọng nhau để từ đó chung tay nuôi dạy con cái, để các con vẫn cảm nhận tình thương, sự ấm áp; không làm các con bị tổn thương... Luật gia Nguyễn Văn Hưng (Hội Luật gia TP.HCM) |