Đi đâu không? Mẹ nấu cơm

29/09/2013 - 08:00

PNO - PNCN - Thật đáng tiếc, khi không thể thỏa mãn lời mời khẩn thiết của người bạn đi cà phê sáng, ăn trưa hay lai rai tâm tình cho bõ những ngày không gặp mặt. Thứ Bảy và Chủ nhật là những “ngày vàng” của bất kỳ ai là công chức....

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày Chủ nhật, bao giờ mẹ cũng rụt rè bước lên gác, chỉ đứng phía sau đứa con trai đang cặm cụi đọc sách, hỏi khẽ: “Trưa ăn cơm không để mẹ nấu?”. Hỏi xong, nhón chân bước xuống, như thể sợ con trai mình xao nhãng một công việc cực kỳ quan trọng. Mà thật ra người con có làm gì ra hồn đâu, chỉ là viết dăm chữ kiếm cơm mỗi ngày. Vậy mà người mẹ không dám quấy rầy.

“Trưa ăn cơm không để mẹ nấu?”. Biết rằng, câu hỏi này, một ngày nào đó sẽ không còn được nghe nữa. Sẽ không còn vọng bên tai những lời trìu mến, ân cần, tha thiết vậy nữa. Người mẹ đã già rồi. Người con cũng chẳng còn trẻ. Sợ thời gian. Thời gian không đủ lao vào những cuộc vui thâu đêm với men say khật khưỡng, với âm nhạc và phấn son, hay chìm vào những nỗi khổ đau siêu hình. Ấy vậy nên có lúc người con vụt bỏ cuộc vui chạy về với mẹ, trước sự ngỡ ngàng của mọi người, cũng bởi: “Chẳng có gì níu kéo anh rời khỏi cơn mê/ Ngoài một điều duy nhất/ Mẹ/ Vâng, mẹ tựa cửa mẹ hiền lành mẹ nhẫn nại như đất/ Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất”.

Di dau khong? Me nau com

Ảnh: Khắc Hiếu

Có những lúc, đã khuya, người con về nhà trong cơn say rũ, người mềm oặt chỉ chực ngã vật ngã nhào, bỗng tỉnh như sáo khi nghe câu hỏi của mẹ: “Con về đó hả?”, lòng chất đầy ân hận, tự hứa ngày mai sẽ không còn nữa, ngày mai con sẽ “tử tế” hơn.

Từng ngày, người mẹ nấu cho ăn và chỉ cần nhìn qua mâm cơm là biết tâm sự buồn vui trong thâm tâm người con. Dù không hỏi, người mẹ không dám hỏi, nhưng lòng muôn vàn âu lo: “Vì sao lại bỏ cơm?”. Nếu được hỏi, người con sẽ trả lời ra sao? Chẳng thể. Do đó, có những lúc khốc liệt đớn đau: “Sầu tình cơm chẳng muốn ăn / đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm”, cũng phải cố nuốt, để an lòng mẹ. Đã có những cuộc liên hoan tràng giang đại hải những sơn hào hải vị nhưng cũng phải lặng lẽ tìm cách thoái lui để về nhà.

Về nhà ăn cơm mẹ nấu. Niềm vui của người đàn bà lúc về già, tưởng rằng, chỉ có thế. Khi chưa có chồng, thương cha mẹ, lo cho chị cho em; lúc có chồng lại lo cho chồng, cho con. Tấm lòng người mẹ là vậy. Nhưng đừng quên, với người mẹ, con là số một, chồng chỉ đứng vị trí thứ hai. Tình cờ hôm nọ đọc được câu tục ngữ, thấy lạ: “Mười mặt con chưa hẳn là chồng”. Ăn đời ở kiếp với nhau không hẳn do hai người đã có con. Nếu cần, họ chỉ giữ lại con mà quên phứt cái lão chồng cà chớn kia… Với con thì không bao giờ, dẫu nó hư hèn nhất.

Thật lạ, nếu chồng léng phéng có con rơi thì người đàn bà sẽ đem con về nuôi chăng? Vì ít ra đó là cũng giọt máu của chồng mình? Đừng hòng. Đa số là vậy. Nhưng nếu con mình “lỡ dại” làm chuyện “ngoài luồng” ấy, lập tức người mẹ sẽ dang rộng tay, bởi đó là cháu nội, giọt máu của con trai mình.

Và bây giờ, câu hỏi: “Có đi đâu không? Mẹ nấu cơm”, chắc sẽ không còn kéo dài nữa. Người mẹ đã già rồi. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI