Thêm hàng trăm khách hàng tố Công ty Đại Việt muốn cướp trắng tài sản

13/04/2018 - 08:20

PNO - Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài Mua đất bằng giấy tay, 230 khách hàng có nguy cơ mất trắng (ngày 9/3),hàng trăm khách hàng tại nhiều dự án khác tiếp tục tố cáo Công ty Đại Việt có dấu hiệu lừa đảo

Theo các khách hàng, Công ty Đại Việt đã thu tiền của họ nhưng không giao nền hoặc mang nền đã bán đi thế chấp ngân hàng. 

Vừa bán, vừa thế chấp ngân hàng 

Nếu như hơn 230 khách hàng mua nền tại dự án Nam Sài Gòn Riverside (xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè, TP.HCM) vẫn còn bán tín bán nghi việc chủ đầu tư có thế chấp nhà đất của họ vào ngân hàng hay không thì tại dự án khu nhà ở Bách Khoa - chợ Phú Lạc và Đại Việt House (H.Bình Chánh, TP.HCM), thông tin này đã rõ.     

Them hang tram khach hang to Cong ty Dai Viet muon cuop trang tai san
Người dân bức xúc tố cáo Công ty Đại Việt lừa đảo

Trong đơn gửi đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, anh Phạm Thái Hòa (mua nền số 41 dự án Bách Khoa - chợ Phú Lạc) phản ánh, khoảng năm 2012, thấy Công ty Đại Việt quảng cáo bán đất nền dự án với giá vừa phải, anh tìm đến mua. Sau khi ký hợp đồng, khoảng một năm sau thì công ty giao nền và anh đóng khoảng 98% giá trị lô đất.

Khoảng đầu năm 2015, anh khởi công xây dựng nhà ở. Khoảng sáu tháng sau, khi công trình hoàn thành, anh bắt đầu làm các thủ tục hoàn công nhà thì phát hiện lô đất này chưa được chủ đầu tư tách thửa.

Bất ngờ hơn, lúc này, phía Ngân hàng Eximbank thông báo đất của anh đã bị thế chấp. Trong lúc đang loay hoay khiếu nại chủ đầu tư, anh Hòa nhận tiếp giấy mời của Tòa án nhân dân Q.10 liên quan đến việc kê biên tài sản trong vụ kiện của ngân hàng đối với chủ đầu tư.

Tương tự, theo chị V., khoảng cuối năm 2011, chị ký hợp đồng mua nền đất dự án Đại Việt House với diện tích 63,23m2, giá hơn 518 triệu đồng. Chị nhận nền và xây nhà ở vào khoảng giữa năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền. Thậm chí đến nay, Công ty Đại Việt vẫn chưa làm thủ tục công chứng sang tên cho chị.

“Tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến công ty nhưng đều chỉ nhận được lời hứa. Thậm chí gần đây, công ty không thèm trả lời, thật vô trách nhiệm” - chị V. bức xúc. Điều đáng nói, vừa qua chị tìm hiểu thì phát hiện lô đất của mình đã bị chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng. 

Rất nhiều khách hàng khác như anh Võ Ngọc Vinh, chị Võ Thị Ngọc Thảo, chị Võ Thị Ngọc Hạnh (mua lô đất số 30); anh Phạm Minh Luân và chị Lương Thị Kim Oanh (mua lô đất số 22); ông Nguyễn Phan Vinh (mua lô đất số 29)… thuộc khu dân cư Đại Việt House đều cho biết, đã bị chủ đầu tư mang đất thế chấp ngân hàng. 

Them hang tram khach hang to Cong ty Dai Viet muon cuop trang tai san
Theo người dân, hiện nhà của họ đã bị chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng

Theo luật sư Đoàn Việt Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận), một dự án vừa bán, vừa mang thế chấp ngân hàng là có dấu hiệu lừa đảo. Trường hợp thửa đất đã thế chấp ngân hàng trước khi bán thì phải có sự đồng ý của ngân hàng, nếu chủ đầu tư tự ý mang đi bán là lừa đảo, vì một tài sản mà giao dịch hai lần. Trường hợp thửa đất thế chấp ngân hàng sau khi đã bán cho khách hàng, vẫn có dấu hiệu lừa đảo của chủ đầu tư, nhưng cần xét thêm trách nhiệm của ngân hàng trong việc thẩm định tài sản cho vay.  

Âm mưu chiếm đoạt tài sản của dân?

Bên cạnh các hộ dân đã nhận nền, xây nhà và bị chủ đầu tư thế chấp đất cho ngân hàng, nhiều người khác nhận nền xong nhưng không thể xây nhà, phải ở thuê, ở nhờ.

Chị Nguyễn Thị Thiêm (mua lô đất số A12, dự án Bách Khoa - chợ Phú Lạc) cho biết: “Tôi đã trả 80% giá trị lô đất và được chủ đầu tư giao đất từ khoảng cuối năm 2016. Nhưng khi nhận đất, tôi mới phát hiện lô đất chưa tách thửa, chủ đầu tư còn nợ thuế nên không xây nhà được. Hiện gia đình tôi phải ở nhờ nhà người quen”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (mua lô đất A11, dự án Bách Khoa - chợ Phú Lạc) từ năm 2012, được chủ đầu tư giao nền vào năm 2013 nhưng phải để cỏ mọc hoang vì không xây dựng nhà được.

“Chồng tôi làm phụ hồ. Tôi bán bánh. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. Hơn tám năm qua bao nhiều tiền tiết kiệm được bỏ vào hết lô đất. Giờ đất không có, hàng tháng vợ chồng tôi còn mất 3 triệu đồng tiền thuê nhà rất khổ sở”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù người dân cho rằng, mình mua đất nền của Công ty Đại Việt nhưng thực tế, trong các hợp đồng giao dịch, Công ty Đại Việt chỉ đứng vai trò trung gian.

Tại dự án Đại Việt House, hầu hết người dân đều ký hợp đồng hứa chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và nhà ở với một cá nhân và Công ty Đại Việt chỉ đóng vai trò là... đơn vị làm chứng.

Cá biệt, có một số hợp đồng giao dịch tại dự án Bách Khoa - Chợ Phú Lạc, một số người ký hợp đồng hứa chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và nhà ở với một cá nhân, nhưng đơn vị đứng ra làm chứng là Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và đào tạo nghề Bách Khoa (Công ty Bách Khoa). Theo người dân, trước đây, khi ký hợp đồng, đại diện Công ty Đại Việt cho biết, Công ty Bách Khoa là công ty con của mình. 

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), các đơn vị trên chỉ đóng vai trò làm chứng nên tên đơn vị là không quan trọng. Mấu chốt vấn đề ở chỗ, đây chỉ là giao dịch giữa hai cá nhân không qua công chứng theo quy định của Luật Đất đai, nên nó chỉ là hợp đồng mua bán “giấy tay”. Khi ra tòa, các công ty không có trách nhiệm. Nếu ngân hàng khởi kiện, khách hàng có nguy cơ mất trắng. 

Đáng lưu ý, theo người dân, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Đại Việt (Công ty Đại Việt) có dấu hiệu muốn chiếm toàn bộ tài sản của họ, vì vừa qua, phía công ty mời người dân đến đề nghị thanh lý hợp đồng. Công ty sẽ đền bù 20% giá trị nền đất và lãi suất theo tỷ suất ngân hàng cho người mua. Trường hợp người dân muốn giữ lô đất của mình, Công ty Đại Việt sẽ hoàn thiện cho khách hàng giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, giấy phép xây dựng cho từng lô. Khách hàng đồng ý đồng hành với công ty thì chờ tiếp, nhưng công ty chưa xác định thời gian khi nào làm xong. 

Nhiều người dân cho biết, sau nhiều năm đóng tiền mua đất, hiện các lô đất của họ đã tăng giá gấp 4 - 5 lần, trong khi theo phương án đền bù của Công ty Đại Việt, người dân chỉ nhận được khoảng 50% giá trị thực của lô đất. Tuy nhiên, trước tình thế này, nhiều người dân đồng ý nhận nền. Lúc này, phía Công ty Đại Việt lại yêu cầu họ ký thanh lý hợp đồng.

“Chúng tôi không đồng ý thì họ đóng cửa luôn công ty. Phải chăng, Công ty Đại Việt muốn cướp trắng tài sản của chúng tôi?” - một hộ dân bức xúc. 

Để làm rõ vụ việc, ngày 12/4, chúng tôi nhiều lần đến trụ sở Công ty Đại Việt (12-14 đường 9A, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) nhưng không thể liên hệ được với đại diện công ty này vì cổng công ty luôn khóa trái. 

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI