Thòng lọng siết chặt giấc mơ đến 'xứ cờ hoa' - Bài 1: Dính bẫy tư vấn khi tìm đường sang Mỹ

09/07/2018 - 08:00

PNO - Sau một cuộc điện thoại, dưới vỏ bọc là người thân của một chủ doanh nghiệp lớn tại miền Trung, phóng viên dễ dàng được nhân viên của Công ty TNHH SG VISA hẹn đến trụ sở ở số 36 Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM.

Lao động định cư được xem là một con đường nhanh chóng, ít tốn kém nhất đưa người dân ở các nước đang phát triển đến với nước Mỹ. Tại TP.HCM, xuất hiện không ít công ty tư vấn đưa người dân đi Mỹ theo diện lao động định cư. Nhiều người chấp nhận bán nhà, bán công ty để hiện thực hóa giấc mơ đến “xứ cờ hoa” mà không biết rằng, đang có những chiếc thòng lọng vô hình chờ sẵn qua các bản hợp đồng được ký ngay tại TP.HCM nhưng pháp nhân là những công ty cách xa cả nửa vòng trái đất. 

Trong khoảng hơn 30 phút, phóng viên được nhân viên ở đây vẽ ra một bối cảnh đi Mỹ rất dễ dàng. Theo đó, nếu bỏ ra 50.000 USD trong vòng 3 năm, khách hàng sẽ được đi Mỹ lao động định cư.

Thong long siet chat giac mo den 'xu co hoa' - Bai 1: Dinh bay tu van khi tim duong sang My
Trụ sở Công ty SG Visa

Chỉ cần sức khỏe và tài chính

Từ sáng sớm, phía trước tòa nhà số 36 Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, Q.1, nơi đóng trụ sở của Công ty TNHH SG VISA, đã có nhiều người tìm đến để “tìm đường đi Mỹ”. Theo lời hẹn, khoảng 9g sáng 25/6, chúng tôi có mặt tại đây để nghe nhân viên tư vấn về hành trình đi Mỹ lao động định cư. Hình thức “lao động định cư” được giới thiệu như là một giải pháp nhanh nhất để được đến nước Mỹ sinh sống.

Bước lên tầng lầu, chìa chiếc điện thoại có tin nhắn như một lịch hẹn, chúng tôi lập tức được nhân viên của Công ty SG VISA dắt vào một căn phòng nhỏ để chờ đến lượt gặp người tư vấn. Thủ tục đầu tiên chúng tôi phải thực hiện là điền rất nhiều thông tin cá nhân và gia đình vào mẫu “hồ sơ khách hàng EW” với cam kết hồ sơ này sẽ được bảo mật tuyệt đối. Sau đó, chúng tôi được phát cho hai tập thông tin quảng cáo về Công ty SG VISA và hình thức “lao động định cư” tại Mỹ.

Mười phút sau, một người tự giới thiệu tên Trang, là nhân viên của Công ty SG VISA vào tiếp cận chúng tôi để giới thiệu chương trình và hỏi thông tin. Trang giới thiệu: “Công ty em thành lập từ năm 2009, đến giờ cũng 10 năm rồi. Bên em làm tất cả các diện đi Mỹ, giám đốc là Tôn Thất Huy - cựu viên chức Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM nhiệm kỳ 2006-2009. Công ty này có một đội ngũ nhân viên với rất nhiều mảng, mỗi mảng có một chuyên viên, em là chuyên viên mảng làm việc định cư”.

Trang tư vấn, làm việc định cư hay lao động định cư ở Mỹ là dành cho cả gia đình. Để được định cư ở Mỹ rất khó. Từ trước đến nay, nếu muốn định cư, người ở Việt Nam phải có người thân ruột thịt bên Mỹ; không có người thân thì phải đi theo đường kết hôn giả hoặc du lịch, du học rồi ở lại, nhưng diện này rất rủi ro.

Nhiều người có tiền thì đầu tư theo diện EB5 là bỏ ra 500.000 USD, nhưng không phải ai cũng có nhiều tiền... Chương trình mà Công ty SG VISA tư vấn là EB3 (EW), là làm việc và định cư ở Mỹ cho cả gia đình, ra đời từ năm 1990. 

“Trước đây, Mỹ chỉ tuyển lao động Mexico, Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc vì họ giỏi tiếng Anh và sức khỏe tốt hơn mình. Năm 2005, Mỹ mới mở rộng cho Việt Nam, năm nay đã được 4 năm rồi. Chương trình này chính xác là EW - cho những người tay nghề thấp, không cần bằng cấp. Độ tuổi người lao động từ 18 - 50, chỉ cần một người đứng đơn làm việc cho công ty tuyển dụng thì cả gia đình sẽ được bảo lãnh qua đó” - nhân viên tên Trang nói.

Thong long siet chat giac mo den 'xu co hoa' - Bai 1: Dinh bay tu van khi tim duong sang My
Nhân viên tên Trang tư vấn cách đi Mỹ thông qua hình thức “lao động định cư” với phóng viên

Thấy chúng tôi có vẻ thích thú, Trang nói tiếp, phúc lợi của chương trình “lao động định cư” là gia đình người lao động sẽ được lấy thẻ xanh 10 năm. Tại Mỹ, các con của người lao động sẽ được học miễn phí từ lớp Một đến lớp 12. Rất nhiều người thích diện này vì muốn cho con cái đi du học phải tốn rất nhiều tiền nhưng chỉ được ở 2 - 3 năm, không được định cư, chi phí du học cũng không hề rẻ.

Trang nói: “Chương trình này thứ nhất là mình đi vì con, thứ hai là được thẻ xanh định cư. Chỉ cần có sức khỏe và tài chính là đi được”.

Dứt lời, Trang lấy trong tập hồ sơ ra một tờ giấy trắng, nhanh chóng phác họa cho chúng tôi một con đường đến với nước Mỹ ngay trên giấy. Theo đó, để đến với nước Mỹ qua đường “lao động định cư”, cần phải qua 4 bước: nộp hồ sơ cho Sở Lao động Mỹ (DoL); nộp hồ sơ cho Sở Di trú Mỹ (USCIS); nộp hồ sơ cho Trung tâm Thị thực quốc gia Mỹ (NVC); phỏng vấn tại Lãnh sự quán Mỹ.

“Các diện khác qua Sở Di trú Mỹ trước, nhưng diện này phải qua Sở Lao động Mỹ trước. Bây giờ, nếu có một công ty ở Mỹ bảo lãnh mình đi thì mình sẽ điền thông tin theo mẫu, đưa cho bên em để nộp cho luật sư bên Mỹ rồi họ điền thông tin của nhà tuyển dụng cũng như tên tuổi của anh qua Sở Lao động Mỹ. Bên Sở Lao động Mỹ đọc đơn của anh để xét duyệt rồi cấp cho anh chứng chỉ lao động. Xong khâu này thì nộp qua Sở Di trú Mỹ, rồi qua trung tâm thị thực, rồi qua lãnh sự quán” - Trang tư vấn.

Cam kết suông, đòi thu tiền tỷ

Nhận thấy khách gật gù, thích thú, nhân viên tên Trang tiếp tục lấy bút vạch mấy đường trên giấy để mô tả các khoản tiền mà chúng tôi phải đóng để được đến nước Mỹ. Theo Trang, để được lao động định cư tại nước Mỹ, người lao động phải mất 45.000 USD phí dịch vụ cho cả gia đình và 5.000 USD gọi là “phí chính phủ”.

Phần 45.000 USD phí dịch vụ sẽ được ký hợp đồng với luật sư, Công ty SG VISA và phí học Anh văn, kiến thức địa phương. Việc học Anh văn sẽ diễn ra tại Công ty SG VISA, nếu ở xa, có thể học qua mạng (online). Để giảm gánh nặng cho khách hàng, Công ty SG VISA sẽ chia tiền đóng theo từng đợt, hai đợt đầu sẽ mất gần 20.000 USD và hai đợt sau thêm hơn 25.000 USD.

“Chỉ đóng bấy nhiêu đó thôi và phải tốn vé máy bay nữa. Hiện đang có ba công việc gồm thợ phụ cơ khí (đàn ông), làm bánh, xử lý thức ăn nhanh. Nếu được, phải ký hợp đồng sớm. Lần đầu tiên, cứ vào tư vấn rồi hướng dẫn thủ tục, tạo tài khoản, chuyển tiền qua. Tí nữa, có một khách hàng của em đến ký hợp đồng với em nè” - nhân viên tên Trang nói với vẻ hối thúc.

Thong long siet chat giac mo den 'xu co hoa' - Bai 1: Dinh bay tu van khi tim duong sang My
Một trong các hợp đồng khách hàng ký với 4 công ty thông qua SG Visa

Tuy “con đường đi Mỹ” mà nhân viên Công ty SG VISA vẽ ra cho chúng tôi có vẻ dễ dàng, nhưng chính sự quá dễ dàng đó khiến chúng tôi đặt nghi vấn: “Nếu tôi đóng tiền rồi mà công ty tuyển dụng từ chối nhận thì sao?”.

Lúc này, nữ nhân viên của Công ty SG VISA tiếp tục trấn an rằng, với chương trình này, công ty tuyển dụng ở Mỹ không trực tiếp đến Việt Nam mà ủy quyền cho luật sư; luật sư đó đại diện cho nhà tuyển dụng tìm một đơn vị như Công ty SG VISA để tiếp xúc với người lao động. Chương trình “lao động định cư” tại Mỹ có 10.000 chỉ tiêu cho tất cả các nước. 

“Hình thức này là công ty tuyển dụng đứng ra bảo lãnh cho mình qua, nên họ phải chứng minh về tài chính. Cũng giống như gia đình có người thân bảo lãnh, phải chứng minh về tài chính, phải khai, đóng thuế cho chính phủ Mỹ. Như công ty tuyển dụng này cũng vậy, để bảo lãnh lao động nước ngoài, họ phải bảo đảm các yếu tố: có quy mô trên 100 nhân viên, khai thuế trong vòng 3 năm liên tục, năng lực tài chính phải đủ mạnh, phải có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 - 3 năm tới và phải chứng minh họ tuyển lao động địa phương rồi mà không tuyển được” - nhân viên tên Trang giải thích tiếp.

Theo Trang, cũng không loại trừ trường hợp khi nộp hồ sơ cho Sở Lao động Mỹ thì công ty phá sản. Thế nhưng, Công ty SG VISA sẽ tiếp tục nộp hồ sơ khách hàng cho một công ty tuyển dụng khác, nên khách hàng không lo bị công ty đánh rớt ngay từ đầu.

Trang cũng trấn an rằng, công ty ở Mỹ chứng minh tài chính được mới bảo lãnh cho người lao động sang, nên khi cơ quan chức năng bên Mỹ muốn đánh rớt hồ sơ thì phải có lý do. Phía Công ty SG VISA không thể thay chính phủ Mỹ quyết định hồ sơ của người lao động đậu hay rớt mà chỉ dựa trên luật.

“Bây giờ luật Mỹ chưa thay đổi, mình lưỡng lự, sau này luật nó thay đổi thì đi khó lắm. Bây giờ bắt đầu nộp hồ sơ thì ước chừng 3 năm sau sẽ đi được” - Trang thuyết phục.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu người lao động đóng đủ tiền nhưng không đi Mỹ được thì Công ty SG VISA xử lý thế nào, Trang chỉ cười và cam kết: “Bên em sẽ làm đến khi nào đi được thì thôi”.

Bất thường những bản hợp đồng

Chúng tôi vừa rời Công ty SG VISA thì lại có một vài người khác tìm đến với vẻ hối hả. Theo điều tra của phóng viên, có rất nhiều người tưởng chừng như đã ôm “giấc mơ Mỹ” trong tầm tay nhưng rồi phải ôm hận cùng Công ty SG VISA.

Anh T.H. (ngụ tại Q.10, TP.HCM) cho biết, ngay từ đầu, anh đã nhận thấy sự bất ổn trong quy trình làm việc của Công ty SG VISA nhưng vì nhu cầu được đi Mỹ nên anh không đủ thời gian và sự tỉnh táo để suy xét.

Thong long siet chat giac mo den 'xu co hoa' - Bai 1: Dinh bay tu van khi tim duong sang My
Tờ quảng cáo “đi Mỹ dễ” của SG VISA phát cho khách hàng

Năm 2016, anh T.H. đến Công ty SG VISA và ký lần lượt các hợp đồng gồm: hợp đồng tư vấn quản lý hồ sơ với Công ty Smaller Globe (Mỹ); hợp đồng tư vấn mở Công ty LLC, mua, quản lý nhà và hồ sơ EW với Công ty SGV Property Management Detroit LLC (Mỹ); hợp đồng dịch vụ với Công ty cổ phần Đào tạo NY - cơ sở ngoại ngữ Nữu Ước (Việt Nam); hợp đồng tư vấn quản lý hồ sơ với Công ty TNHH VISA Sài Gòn (trụ sở tại Việt Nam và Mỹ).

Tất cả hợp đồng trên đều nhằm mục đích tư vấn và thực hiện dịch vụ giúp anh T.H. và gia đình được đi Mỹ theo diện lao động định cư - MB3. Đáng nói, các công ty này đều ủy quyền cho một người tên N.H.N. Tất cả hợp đồng đều có nội dung rất dài, nhiều chỗ chồng chéo, tương tự nhau; khi ký hợp đồng, khách hàng không có thời gian xem và hiểu hết nội dung trong đó.

Tìm hiểu hồ sơ khách hàng, chúng tôi phát hiện, hợp đồng của anh T.H. với Công ty SG VISA có giá trị 230 triệu đồng nhưng công ty này lại đứng ra thu tiền của khách hàng lần lượt là 261.495.000 đồng, 20.578.500 đồng, 251.515.000 đồng, 282.327.500 đồng.

Như vậy, tuy khách hàng phải ký rất nhiều hợp đồng nhưng Công ty SG VISA là đơn vị đứng ra đại diện cho các công ty khác làm việc với khách hàng, thu tiền của khách hàng. Đáng nói, số tiền mà Công ty SG VISA thu của khách hàng (theo các hợp đồng) là rất lớn nhưng chỉ có phiếu thu mà không có hóa đơn theo quy định. Nhiều luật sư đặt vấn đề, việc ký hợp đồng như trên là không ổn và việc không xuất hóa đơn phải chăng là cách để trốn thuế?

Ngoài ra, theo hồ sơ mà nhiều khách hàng cung cấp cho phóng viên, trong bốn hợp đồng dịch vụ mà khách hàng ký, có hai hợp đồng được thực hiện với công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ. Giá trị hợp đồng thể hiện bằng tiền USD nhưng khách hàng lại đóng tiền Việt thông qua Công ty SG VISA.

Chị M.H. (khách hàng của Công ty SG VISA) cho biết, khi chị đến công ty để nghe tư vấn đi lao động định cư tại Mỹ, chị phải ký bốn hợp đồng, trong đó có hợp đồng với Công ty SGV Property với nội dung, công ty này sẽ giúp chị M.H. thiết lập một công ty trách nhiệm hữu hạn và đồng sở hữu công ty này cùng chị H. theo hình thức chị H. góp vốn 99%, còn Công ty SGV Property góp 1%.

Theo hợp đồng, tổng số tiền chị H. sẽ chuyển cho Công ty SGV Property là 50.000 USD. Đại diện công ty bên Mỹ sẽ mua và quản lý nhà giúp chị H. nhằm tạo nguồn tài chính chứng minh gia đình chị H. sẽ không trở thành gánh nặng của xã hội khi định cư tại Mỹ. Phía công ty không nói mua nhà ra sao mà chỉ bảo mình đóng tiền mua nhà, còn số tiền 50.000 USD họ xử lý ra sao tùy họ.

Theo các khách hàng của Công ty SG VISA, nhân viên tư vấn gợi ý họ mua nhà để hồ sơ đi lao động định cư “mạnh” hơn nhưng khi đi phỏng vấn, nhân viên tư vấn lại bảo phải cất hồ sơ đi. 

Phải mất một số tiền khá lớn cho bốn hợp đồng dịch vụ để được đi “lao động định cư” tại Mỹ, nhưng rất nhiều người lao động đã bị Sở Di trú Mỹ từ chối. Khi họ tìm đến Công ty SG VISA để đòi lại tiền thì không được đáp ứng mà chỉ nhận được lời hứa sẽ tìm nhà tuyển dụng mới. Theo các khách hàng của Công ty SG VISA, không dễ để được đi Mỹ lao động định cư. Phải chăng, nhân viên của công ty này đã tư vấn theo hướng “rất dễ đi” để dụ khách hàng đến làm hợp đồng, đóng tiền? 

***

Nghe theo lời tư vấn của các công ty dịch vụ, nhiều người đánh đổi cuộc sống sung túc hiện có ở Việt Nam để mong được sang Mỹ bằng con đường “lao động định cư”. Nhưng rồi, cánh cửa đi Mỹ vẫn khép chặt và họ phải lầm lũi trở về cuộc sống thực tại trong cảnh trắng tay. Những thông tin này sẽ được phản ánh trong bài viết tiếp theo.

Nhóm Phóng Viên

(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI