Lê Văn Nghĩa - một kiểu người Sài Gòn?

25/02/2015 - 08:17

PNO - PN - Trong đời, có những bạn văn lúc thoáng gặp, ta khó có thể dành cho họ nhiều tình cảm.

edf40wrjww2tblPage:Content

1.

Con người ấy, nhìn ai cứ tỉnh rụi, chẳng vồn vã, chẳng xã giao, thậm chí cũng không thèm gật đầu chào, nói một câu cho ra hồn. Rồi, lúc đứng dậy chia tay, có thể sẽ ghé tai nói nhỏ một, hai người: “Bạn mình, hẹn gặp lại”. Tính cách này rất gần với nhà văn Lê Văn Nghĩa. Nghĩa là anh chọn bạn, chia sẻ với bạn không bừa phứa, ồn ào, nói lấy lòng lúc sơ ngộ mà chỉ khi nào thật sự tin cậy, anh mới mở lòng. Do đó, dù đã làm việc cùng anh gần 30 năm trước, biết thì biết thế, nhưng gần đây mới thân và hiểu nhau.

Le Van Nghia - mot kieu nguoi Sai Gon?

Lúc tôi về báo Tuổi Trẻ, anh Lê Văn Nghĩa trực tiếp phụ trách, giao đề tài viết mảng văn hóa văn nghệ mà trước đó là “sếp” Nguyễn Đông Thức. Nhớ lại, chính anh Nghĩa lúc đó có sáng kiến mở chuyên mục Chuyện như đùa, in các tiểu phẩm vào số báo thứ Năm hàng tuần. Nếu tôi nhớ không lầm, tiểu phẩm hài hước, châm biếm trước nhất của anh, đại khái, tổ dân phố kia, ngày nọ quyết tâm phải bầu lại cán bộ. Dân đã chịu hết xiết quan tham này rồi. Bầu bán xong, nhưng quan tham đó vẫn yên vị, không gì thay đổi. Vũ như cẩn. Vẫn như cũ. Sao kỳ cục vậy? Hỏi ra, người dân đồng loạt cho biết, cứ để quan chức đó ngồi đó vì đã “ăn” nhiều rồi, “ăn” no rồi; nếu bầu người khác lên, nó lại bắt đầu “ăn” thì dân chịu làm sao xiết?

Ngẫm nghĩ lại, thâm trầm quá đi chứ. Cũng từ dạo đó, Lê Văn Nghĩa chuyên tâm “chơi” một thể loại trào phúng. Nhắc đến anh, không thể quên được hai nhân vật “điển hình” tương đối có hồn có vía, có xương có da là đại gia phì nộn Đại Văn Mỗ và chàng điệp viên ốm tong ốm teo mang tên Điệp viên Không Không Thấy. Hai nhân vật này tung hoành ngang dọc trên trang viết của anh, nổi tiếng không thua gì Hoa hậu phường Cây Mít. “Người Sài Gòn thích cười những vấn đề gắn với thời sự. Cười cợt đó, châm biếm đó nhưng không ghét cay ghét đắng đối tượng đang châm chích. Với vai trò nhà báo, tiếp cận với nhiều thông tin, thấy cái gì đáng cười thì tôi “lẩy” ra, viết chơi”.

Tưởng “viết chơi”, nhưng rồi anh đã có trên mười đầu sách về thể loại này, trở thành một cây bút tiêu biểu “chung chiếu” với các “cao thủ võ lâm” như Hoàng Thiếu Phủ, A.S.T, Đồ Bì, Phì Tiểu Tử, Lê Thị Liên Hoan… Những tưởng anh sẽ mãi mãi làm kép hài mua vui cho bạn đọc, nhưng không, vào một ngày cảm thấy đẹp trời và nhất là lúc các cô nàng xinh đẹp mơn mởn đã bắt đầu gọi mình bằng “chú”, Lê Văn Nghĩa giật mình mà rằng: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”. Lời than thở thốt ra là lúc con người ta đã… già.

Le Van Nghia - mot kieu nguoi Sai Gon?

Biểu hiện của người già là gì? Tôi không biết, vì tôi vẫn còn… trẻ (?!) nhưng đoán chắc rằng lúc ấy, người ta thường nhớ về thời tuổi nhỏ, thời cởi truồng tắm mưa. Lê Văn Nghĩa cũng thế. “Có những buổi chiều lang thang một mình, ngồi một góc vắng, tôi luôn mường tượng về con đường đi học thời thơ ấu. Đó là con đường Phạm Văn Chí, lúc học trường tiểu học Bình Tây. Trên đường đi học mỗi ngày, tôi đã từng xem chiếu bóng thùng, sơn đông mãi võ mà thích nhất là… lúc uống rau má ở gần bến xe Chợ Lớn.

Lớn lên, vào trung học, tôi học trường Petrus Ký, nhớ nhất quán cà phê Năm Dưỡng, cạnh đường Nguyễn Thiện Thuật. Lớn một chút nữa, tôi hay lui tới trụ sở Tổng hội Sinh viên, Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn số 207 Hồng Bàng. Rồi lớn hơn một chút nữa, éo le thay, tôi lại làm quen với… khám Chí Hòa, nhà tù Côn Đảo”.

Những lời tâm sự ngắn gọn này, có thể khái quát cuộc đời của nhà văn Lê Văn Nghĩa.

2.

Dạo gần đây, Lê Văn Nghĩa nổi đình nổi đám với hai tập sách Mùa hè năm PetrusChú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy. Bạn đọc ngạc nhiên khi thấy anh đủ sức tái hiện Sài Gòn của thập niên 1960 và khen ngợi. Anh cười khì khì: “Tôi chỉ viết lại những gì đã trải qua thời đi học”. Nói nghe nhẹ nhàng như ném một sợi tơ giữa trời mây trắng bay, chứ ít ai biết, để viết hàng trăm trang sách ấy anh đã dồn hết nỗ lực ròng rã mấy năm.

Le Van Nghia - mot kieu nguoi Sai Gon?

Giây lát sau, anh tâm sự: “Tôi không phải là nhà 'Sài Gòn học' hoặc đã sưu tập hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh về Sài Gòn xưa. Muốn biết hình ảnh hãy tìm xem những quyển sách ấy. Trong hai quyển truyện mới đây của tôi có đề cập đến Sài Gòn vì, qua những bức ảnh người ta chỉ “thấy” chứ không cảm nhận được không khí, ngôn ngữ và khí chất con người Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước - không phải là những người Sài Gòn của tầng lớp giàu sang mà là Sài Gòn của những người nghèo, những người sống lang bạt kỳ hồ nhưng đầy tình nghĩa thủy chung.

Dù nghèo nhưng họ sẵn sàng làm việc nghĩa. Tôi từng tham gia những sinh hoạt văn nghệ thời học trò, kiếm tiền giúp đồng bào lũ lụt miền Trung. Nhiều người cho rằng, tinh thần nghĩa hiệp ấy ít nhiều đã mất đi. Tôi không tin, tôi vẫn thấy có người còn đặt thùng nước trà đá lạnh ngay trước ngã tư đường, khách đi qua nếu khát, cứ tự nhiên uống; có những người nấu cháo từ thiện nuôi bệnh nhân nghèo ở nhiều bệnh viện; có những người xe ôm vẫn sẵn lòng chở bà con lối xóm ốm đau dù đêm hôm khuya khoắt…”.

Tôi gật gù lắng nghe rồi hỏi thêm: “Tính cách nào của người Sài Gòn mà anh thích nhất?”. Đột nhiên, anh la toáng lên: “Ối! Câu hỏi này chắc phải cỡ các nhà 'Sài Gòn học' trả lời mới nổi”. “Chẳng phải đâu, mỗi người có một góc nhìn là lẽ thường tình”, nghe tôi nói thế, anh vẫn im lặng, giây lát sau anh nói chậm rãi như đã suy nghĩ kỹ: “Ăn chơi tới bến, làm việc tới bến. Làm việc nghĩa bất vụ lợi”. “Còn gì nữa không anh?”. Phải mất chừng năm phút sau, anh mới thốt ra: “Người Sài Gòn hiếu học. Tôi từng thấy nhiều tay xe ôm lúc đợi khách, vẫn tranh thủ học tiếng Anh qua quyển từ điển dày cộm”.

Le Van Nghia - mot kieu nguoi Sai Gon?

Về sự hiếu học của người Sài Gòn, Lê Văn Nghĩa đã “thiên biến vạn hóa” trong hai tập sách vừa kể trên. Không phải ngẫu nhiên, khi đọc Mùa hè năm Petrus, nhà văn Nỗi buồn chiến tranh thốt lên: “Không đến nỗi phải ngã ngửa ra vì sửng sốt, song tôi thấy ngạc nhiên vô cùng trước thực cảnh của Sài Gòn, nhất là của các trường học ở Sài Gòn thuở xưa hiện lên trong những trang sách. Thôi thì không nói rằng sự học hành của cái lớp tứ 7 ấy tốt hơn của tôi, mà là ngang bằng, nhưng ngay cả thế cũng đâu có thể. Phải kém xa tôi chứ, làm sao mà nhà văn Lê Văn Nghĩa và các bạn đồng niên lại có thể được hưởng một môi trường giáo dục học ra học, chơi ra chơi, trò ra trò, thầy ra thầy như vậy”.

Không chỉ ham học, Lê Văn Nghĩa còn quả quyết như đinh đóng cột: “Người Sài Gòn mê đọc sách. Trước năm 1975, dọc con phố Lê Lợi từ góc đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đến Pasteur, bên hông Bộ Công chánh (cũ) là con đường bán sách báo cũ mới, Tây ta lẫn lộn. Phía bên kia con đường này là nhà sách Vĩnh Bảo, rồi tiếp đến là nhà sách Khai Trí. Sau năm 1975, Ðặng Thị Nhu là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết”.

Hầu như ký ức về những con đường sách Sài Gòn thuở ấy chỉ còn là hoài niệm: “Nói đến Sài Gòn, nếu không nói đến giáo dục, sách vở của người Sài Gòn, tôi nghĩ, chỉ mới nhìn Sài Gòn ở phần xác hơn phần hồn” Lê Văn Nghĩa nói thêm.

3.

Chơi với một nhà văn, không gì lý thú hơn nếu biết thêm một chút riêng tư của họ.

Le Van Nghia - mot kieu nguoi Sai Gon?

Với nhà văn Nô Tế Bồ, Tào Lao Xịt Bộp tôi có thể có một vài “gạch đầu dòng” như: Thời trung học từng đi phụ việc cho một họa sĩ, được thầy tận tâm trao truyền “bí kíp”, nhưng anh không trở thành họa sĩ; từng là kịch sinh khoa Thoại kịch của trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ (chung lớp với Mai Trần trước năm 1975) nhưng không thành… Thành Lộc; từng đi học thanh nhạc, nhưng anh không trở thành ca sĩ; từng theo học ảo thuật, nhưng anh không… trở thành Mạc Can; từng sưu tập tranh ảnh, sách cũ, băng đĩa nhạc 33 vòng, 45 vòng, 78 vòng ghi giọng ca vàng cỡ Bạch Tuyết, Bạch Yến (anh đã cho tôi xem những đĩa nhạc của ca sĩ Bạch Yến thu tại Pháp trước năm 1975), Út Trà Ôn, Bà Năm Sa Đéc… sưu tầm để giữ lại những gì mà theo anh đó là phần hồn của Sài Gòn cũ nhưng anh không trở thành nhà sưu tập chính hiệu hay xuất hiện trên các báo; từng đi học võ thuật, nhưng anh chưa một lần vinh hạnh được bước lên võ đài; từng đi làm cách mạng, vào khu, tù đày, đi học trường Tuyên huấn Trung ương năm 1975 đến năm 1978 nhưng anh lại không phải là người của giới chính trị…

Tất cả - theo anh, chỉ là để chơi, để cảm thụ, để có vốn sống mà đưa vào tác phẩm. Vì vậy, anh đã trở thành nhà báo và nhà văn một cách rất… triệt để. Anh đã có thâm niên gần 40 năm tại báo Tuổi Trẻ TP.HCM - từ những ngày đầu khi tờ báo này... chưa thành hình. Là hội viên sáng lập của hai hội: Hội Nhà văn và Hội Sân khấu TP.HCM từ năm 1981 mà - đôi lúc anh nói: “Cũng quên mất tiêu mình là hội viên. Ừ, mà có sao đâu. Hội chỉ để là “hè” thôi mà, có gì quan trọng đâu. Đối với người viết chỉ là tác phẩm chứ hội viên hội này, hội nọ mà không có tác phẩm thì cũng chỉ là “huề tiền” thôi”.

Le Van Nghia - mot kieu nguoi Sai Gon?

Nhà văn Lê Văn Nghĩa có gì khác với bạn bè văn chương cùng trang lứa?

Nghe câu hỏi “hoành tráng” ấy, anh chẳng nói chẳng rằng mà ngửa mặt nhìn lên trời rồi ư ử ca cải lương mùi mẫn: “Thân già gạo chợ nước sông/ Khỏe thì đưa khách mệt nằm xả hơi/ Sang giàu mặc kẻ đua bơi/Công danh như thể bèo trôi giữa dòng/ Đời này có cũng như không/ Sớm còn tối mất bận lòng mà chi” (Ông lão chèo đò của soạn giả Viễn Châu).

Lúc ấy, nắng chiều đã sẫm úa chỗ chúng tôi ngồi, trên một sân thượng đầy gió…

LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI