Kẻ “hận đời” thành công nhờ được tôn trọng

17/02/2017 - 10:56

PNO - Tới giờ, Quỳnh vẫn không muốn nhắc nhiều về quá khứ vì sợ những người trong cuộc bị tổn thương, đặc biệt là không muốn làm mẹ buồn.

Trúc Quỳnh của những năm mới lớn đã thường xuyên tự viết lên tay mình hai chữ “hận đời” như những tay anh chị hầm hố. Cô bé ấy ngày hôm nay lại là bà chủ của nhà hàng Bonjour Vietnam nổi tiếng ở Đan Mạch, sống mãn nguyện với tình yêu không biên giới mà mình lựa chọn.

Ke “han doi” thanh cong nho duoc ton trong
Trúc Quỳnh

Đã từng oán trách số phận

Quỳnh được sinh ra trong một gia đình khá giả. Năm sáu tuổi, cô chứng kiến sự thay đổi của gia đình và mọi thứ rơi xuống vực thẳm từ đó cho đến khi cô vào cấp III. Suốt khoảng chục năm sống trong cảnh khó khăn, cô đơn, gia đình ly tán, Quỳnh đã luôn khóc và oán trách số phận. Trong những năm tháng đó, đã nhiều lúc con bé chỉ gần 10 tuổi đầu cứ ngồi viết dòng chữ “hận đời’’ trên những tờ giấy trắng rồi lại phải giấu đi bởi sợ người khác đọc được. 

Bây giờ, Quỳnh vẫn còn nhớ hình ảnh “bát cơm chan nước mắt’’ đầy cay đắng. Điều duy nhất an ủi Quỳnh là cô học giỏi và có nhiều bạn bè tốt, luôn sẵn sàng chia sẻ, động viên. Trong những hoàn cảnh éo le nhất, Quỳnh vẫn có những người bạn luôn dành tình cảm yêu mến hoàn toàn vô điều kiện.

Tới giờ, Quỳnh vẫn không muốn nhắc nhiều về quá khứ vì sợ những người trong cuộc bị tổn thương, đặc biệt là không muốn làm mẹ buồn. Bởi Quỳnh hiểu, mẹ còn phải cố gắng hơn mình nhiều để vượt qua những tháng ngày chông chênh ấy, để tìm lại hạnh phúc cho mẹ và con. Cô cũng không còn oán trách những gì liên quan đến quá khứ nữa. Bởi “sông có khúc, người có lúc”.

Nếu không từng nếm mùi cay đắng, sao cảm nhận được hạnh phúc? Nếu chưa từng trải qua nỗi đau, sao biết được ngày hôm nay có ý nghĩa đến mức nào?  “Em cảm ơn cuộc sống đã ban cho mình những trải nghiệm đau thương quý báu. Nhờ có nó, em giờ đây mới có thể hiểu trọn vẹn được mọi cung bậc cảm xúc trong thế giới con người” - Trúc Quỳnh chia sẻ.

Sau             

Sự thành công đến với Trúc Quỳnh khá sớm so với bạn bè cùng lứa. Ở tuổi 30, Quỳnh hiện là quản lý nhà hàng Bonjour Vietnam tại Đan Mạch. Sau thành công ấy là một câu chuyện dài.

Trước đây, công việc của mẹ Quỳnh ở Việt Nam có liên quan nhiều đến các công ty nước ngoài. Quỳnh vẫn thường cùng mẹ giao thiệp với khách. Trong những lần đó, cô có quen biết người trở thành ông xã bây giờ. Ban đầu, cả hai chỉ coi nhau như đối tác. Mãi sau này, khi sang Đan Mạch tham dự một khóa học, Quỳnh mới có dịp gặp lại “đối tác” và cả hai có thời gian trò chuyện, tìm hiểu nhau nhiều hơn để đi đến hôn nhân.

Có được những thành công đáng mơ ước, với đa số phụ nữ tuổi 30, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Quỳnh kể, khi sang Đan Mạch, cô kinh doanh hàng thời trang và nội thất được khoảng hai năm. Đầu tư hàng triệu USD nhưng cô đã làm tan tành số tiền đó. Năm 2011, với sự động viên của ông xã và sự giúp đỡ của mẹ - người có bàn tay nấu nướng tài hoa, cô đã quyết định đóng cửa công ty thời trang, nội thất để mở nhà hàng.

Đến nay, nhà hàng đã đi vào hoạt động được sáu năm và đạt được nhiều thành công lớn. Nhà hàng thường xuyên đông khách, đặc biệt những ngày cuối tuần, rất hiếm khi có bàn trống nếu không đặt trước từ nhiều ngày. Nhà hàng thường xuyên tiếp những vị khách nổi tiếng, bao gồm nhiều nguyên thủ quốc gia và chính khách. Mới đây, nhà hàng cũng vừa lọt vào danh sách đề cử cho vị trí nhà hàng châu Á tốt nhất Đan Mạch năm 2017. Ngoài ra, Quỳnh hiện còn làm phiên dịch cho Tổ chức giúp đỡ người tị nạn của Liên hiệp quốc và đang học nâng cao để lấy bằng phiên dịch quốc gia.

Dù là chủ nhưng Quỳnh luôn tay làm mọi việc. Cô chủ nhỏ mặc đồng phục giống nhân viên, đeo tạp dề vào bếp, bưng bê mời khách. Quỳnh tự nhận mình là người “không thích nghi được với việc ngồi yên một chỗ”. Ngoài ra, việc nấu nướng, bưng bê giúp Quỳnh nắm rõ được chất lượng món ăn. Quỳnh luôn dành thời gian nói chuyện với khách. “Nhiều khách coi mình như người thân vậy. Cứ đến là ôm hôn, hỏi han đủ thứ” - cô chia sẻ.

Một ngày của Quỳnh bắt đầu từ 6 giờ sáng. Đánh thức hai con trai dậy, cho con ăn sáng rồi cả ba mẹ con cùng đi học. Trong thời gian ở lớp, thầy cô cũng thông cảm nên cho phép Quỳnh thỉnh thoảng chạy ra ngoài nghe điện thoại, trao đổi với khách hàng. Buổi trưa, cả lớp ngồi ăn trưa, Quỳnh vừa ngồi ăn vừa tranh thủ làm việc. Buổi học ở trường đến 3 giờ chiều kết thúc, Quỳnh đến nhà hàng và bắt đầu làm việc luôn, tất bật cho đến khoảng 10 giờ đêm, khi về đến nhà lại tiếp tục ngồi gửi mail, lên thực đơn, thiết kế các chiến lược marketing mới, có khi 2 hoặc 3 giờ sáng mới ngủ. Với Quỳnh, mỗi ngày chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ là chuyện thường. Cuối tuần là khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi cô dành để dẫn con đi học ngoại khóa, đi dạo trong rừng, đến các khu vui chơi.

Không ai sống được với hào quang quá khứ

Hỏi Quỳnh có nuối tiếc những gì mình từng gây dựng, đạt được khi ở Việt Nam không? (Ngay từ khi còn rất nhỏ, Quỳnh đã là một trong những cây bút thiếu nhi nổi bật của báo Thiếu Niên Tiền Phong - tờ báo dành cho tuổi học trò có lượng phát hành lớn nhất nước, và giờ hầu như Quỳnh không đụng tới việc viết lách). Cô không giấu giếm: “Có chứ. Nhiều lúc mình cũng có tiếc nuối những gì mình đã đạt được. Ngay tháng đầu ra trường, tôi đi phỏng vấn và trúng tuyển vào hai tập đoàn lớn với mức lương hấp dẫn. Nhưng với tính cách thích bay nhảy, khám phá, tôi đã quyết định đi tiếp chứ không dừng lại. Tôi chọn Đan Mạch như một con đường để dẫn mình đến với châu Âu. Đó là lần đầu tiên tôi đi máy bay. Cảm giác rất đặc biệt”.

Quả thực, tuy có chút tiếc nuối, nhưng Quỳnh chưa bao giờ ân hận. Quá khứ vẫn là quá khứ, mình có quyền tự hào về nó nhưng không thể để nó ám ảnh vào cuộc sống hiện tại. Những ai cứ mãi tiếc nuối quá khứ thì lại chính là những người chẳng bao giờ tiến xa được. 

Quỳnh nói, cô thích viết, thích nhìn các con chữ nhảy múa, biến hóa dưới ngòi bút của mình. Khi sinh sống ở châu Âu, điều Quỳnh tiếc nuối nhất là khả năng văn chương của mình không còn có ý nghĩa nhiều. Cô biết ngòi bút của mình sẽ chẳng bao giờ có thể thăng hoa, uốn lượn, bay bổng trong một ngôn ngữ mới. Dù có giỏi ngoại ngữ đến đâu, khi viết văn, không thể hay như khi viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Quỳnh đang ấp ủ dự định viết sách. Cô có mối quan tâm đặc biệt đến những đứa trẻ nhạy cảm, nhóm đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương trong xã hội, cô đã tham dự một vài khóa học và bỏ công tìm hiểu rất nhiều về vấn đề này. Nếu viết, thì đó sẽ là một cuốn sách về nhóm đối tượng trẻ em này.

Ở Đan Mạch, cuộc sống gia đình như thế nào? Điều gì khiến Quỳnh yêu thích và thấy nên học hỏi?

Trúc Quỳnh: Tôi rất ngưỡng mộ phong cách giáo dục bên này, bao gồm cả trong trường lớp và trong chính mỗi gia đình. Vốn là gốc Do Thái nên như bao người Do Thái khác, gia đình chồng rất coi trọng tri thức. Điều này đã trở thành động lực cho tôi trong việc liên tục theo đuổi việc học. Tôi có bằng MBA và bây giờ đang chuẩn bị tốt nghiệp ngành phiên dịch với chứng nhận Phiên dịch quốc gia (chuyên về phiên dịch y khoa và tòa án).

Các mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, vợ - chồng… ở Đan Mạch có được xem là phức tạp không nhỉ?

Mẹ chồng tôi là một trong những người phụ nữ tuyệt vời. Ngày đầu tiên, mẹ chồng mời con dâu Việt sang nhà ăn cơm. Mẹ cẩn thận đặt một đôi đũa lên chỗ đĩa ăn của tôi và nói: “Hôm qua mẹ mới đi mua cho con một đôi đũa và một chai nước mắm. Mẹ sợ con không thích dùng dao nĩa và phải có nước mắm mới ăn được”. Có hôm xem bộ phim Sex and the city, mẹ chồng thức trắng tận hai đêm đan cho tôi hai cái mũ len có bông hoa to. Bà âu yếm tặng tôi và nói: “Mẹ thấy cô gái trong phim đội mũ này đẹp quá. Mẹ nghĩ con cũng hợp nên mẹ quyết định đan tặng con hai chiếc”.

Mẹ chồng còn bảo: “Hôm nào hai vợ chồng giận nhau thì con sang bên mẹ mà ngồi cho bớt tức nhé. Mẹ sẽ làm gì đó cho con ăn”. Hồi đầu, tôi hay đứng ngắm mẹ chồng làm bánh đủ các kiểu, rồi xuýt xoa ao ước bao giờ mình mới làm được như vậy. Mẹ bảo: “Ôi dào, quan trọng gì đâu con. Để mẹ làm cho, con ăn là mẹ vui rồi. Ngày xưa lấy chồng, mẹ cũng chỉ biết luộc trứng thôi mà”...

Tôi ngày càng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân Tây - ta không hề có màu hồng. Đan Mạch là nước rất coi trọng vấn đề bình đẳng giới. Nếu phụ nữ yêu cầu đàn ông phải chia sẻ việc nhà, chăm con, nấu nướng, thì phụ nữ cũng phải chia sẻ với đàn ông về kinh tế hay những công việc nặng nhọc. Nhiều cặp vợ chồng Tây mặc quần áo bảo hộ, cả hai cùng tươi cười bắc thang lên sửa nóc nhà; cặp vợ chồng khác thì người xách thùng vữa, người vác thùng sơn, cùng nhau sơn nhà, quét tường; hay những cặp vợ chồng, vợ thì quỳ sửa ô tô, chồng thì bò lăn ra sàn mà lau xe.

Những điều ấy đều bình thường nhưng với người Việt Nam, điều này thường được nhìn theo khía cạnh tiêu cực nhiều hơn, bởi quan niệm đàn ông phải nộp lương hết cho vợ, đàn ông là trụ cột gia đình, đàn ông làm việc đàn ông, đàn bà làm việc đàn bà. Bên này không có ranh giới rõ ràng cho cái gọi là “việc đàn ông” và “việc đàn bà” như vậy.

Bù lại, đàn ông Đan Mạch rất tôn trọng phụ nữ. Họ không mặc định phụ nữ phải nấu nướng, chăm sóc nhà cửa. Ra siêu thị mua đồ, thấy đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Đàn ông Đan Mạch nấu nướng, giặt giũ, lau chùi trong khi vợ ngồi sơn móng tay, xem ti vi là điều không lạ.

Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI