Bột phụ gia bánh mì có chất gây ung thư

27/11/2015 - 11:10

PNO - Chất kali bromat đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm nhưng vẫn cótrong thành phần bột phụ gia bánh mì được bán rộng rãi trên thị trường.

Bot phu gia banh mi co chat gay ung thu
Bột phụ gia bánh mì Baker 999 được bán khá nhiều tại Hà Nội

Mặc dù chất kali bromat (E924) đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm nhưng vẫn có trong thành phần bột phụ gia bánh mì hiệu baker 999. Sản phầm này đang có mặt rộng rãi trên thị trường!

Phụ gia bánh mì Baker 999 là sản phẩm do Công ty TNHH SX TM G.B.C.O (số 20, đường 14, P.Bình An, Q.2, TP.HCM) sản xuất. Loại phụ gia này, theo quảng cáo là có tác dụng làm bánh mì nở lớn, kết cấu đẹp.

Tại một cơ sở chuyên cung cấp bột và phụ gia bánh mì ở Hà Đông (Hà Nội), khi hỏi về phụ gia để làm bánh mì nở đẹp, lập tức chúng tôi được nhân viên chỉ vào những thùng bột Baker 999 chất cao gần tới nóc nhà: “Bột này bán rất chạy. Các cơ sở làm bánh mì mỗi lần nhập cả chục thùng”.

Tại một số cửa hàng khác trên địa bàn, Baker 999 cũng là mặt hàng phổ biến và được các cơ sở sản xuất bánh mì ưa chuộng. Giá mặt hàng này dao động từ 23.000 - 40.000đ/gói. Không chỉ các cơ sở sản xuất mà nhiều bà nội trợ cũng sử dụng phụ gia này để làm bánh mì tại nhà.

Trên bao bì của sản phẩm, ngoài thành phần tinh bột, bột mì, muối khoáng, chất nhũ hóa, enzym, phụ gia bánh mì Baker 999 còn có thành phần E924. Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, E924 là ký hiệu của chất ôxy hóa mạnh kali bromat.

Loại phụ gia này không có mặt trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, ban hành kèm theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012.

“Ngoài tên gọi theo danh pháp quốc tế là kali bromat, chất này còn có tên tiếng Anh là Potassium Bromat. Về bản chất, kali bromat là chất ôxy hóa mạnh gây hại cho sức khỏe con người”, TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết. Cũng theo công bố của Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC), kali bromat là chất có thể gây ung thư tuyến giáp và ung thư thận cho con người.

Dù không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng ban hành năm 2012, nhưng không hiểu sao đến năm 2013, sản phẩm phụ gia bánh mì Baker 999 vẫn được Bộ Y tế cấp đăng ký chứng nhận sản phẩm. Trên bao bì của sản phẩm có ghi rõ: Số CBTC: 9797/2013/ATTP.

Tại hệ thống tra cứu đăng ký chứng nhận sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) , chúng tôi cũng dễ dàng tìm thấy sản phẩm phụ gia bánh mì Baker 999 của Công ty TNHH SX TM G.B.C.O đã được cấp số chứng nhận 9797/2013/ YT-CNTC, do ông Lê Văn Giang – Phó cục trưởng Cục ATTP ký ngày 31/5/2013.

“Cần phải làm rõ tại sao một chất không nằm trong danh mục sử dụng, không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng lại được Cục ATTP cho phép sử dụng?”, PGS Nguyễn Duy Thịnh đặt vấn đề.

Theo ông Thịnh, Bộ Y tế có quy định, đối với một phụ gia không nằm trong danh mục được phép sử dụng ở trong nước, nếu nhà sản xuất muốn đưa vào sản phẩm thì cần phải làm rõ các tiêu chí: Đó là chất gì? Có công thức hóa học như thế nào? Dùng để làm gì? Phương pháp phân tích ra sao và đặc biệt là chất đó có độc hại hay không? Chỉ khi chứng minh được chất đó không độc hại và đáp ứng đủ các thông tin trên mới có thể đưa vào sản xuất.

Trong khi đó, tại công văn số 62/ATTP-SP của Cục ATTP do ông Lê Văn Giang ký, gửi các địa phương ngày 13/1/2015, Cục ATTP đã thông báo một số nội dung liên quan tới việc “cấm sử dụng chất kali bromat trong sản phẩm thực phẩm”.

Công văn khẳng định: “Chất kali bromat là chất không thuộc danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm, ban hành kèm theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế”, đồng thời Cục yêu cầu các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm lập đoàn kiểm tra để kiểm tra, rà soát các đơn vị sử dụng hóa chất này.

Bot phu gia banh mi co chat gay ung thu

Trao đổi với phóng viên (PV), ông Lê Văn Giang - Phó cục trưởng Cục ATTP nói ngắn gọn: “Thế giới cứ hai, ba năm, thậm chí một năm lại sửa (hệ thống chất phụ gia thực phẩm - PV), Việt Nam không có điều kiện làm được như thế nên chúng ta phải có quy định mở rằng, những cái mà trong danh mục Việt Nam không có, hay nói đúng là chưa có, thì nếu nước ngoài có cho phép sử dụng, Bộ Y tế sẽ xem xét. Lúc đó, bên công bố sẽ cung cấp tài liệu cho Cục, Cục thấy đúng theo quy định thì sẽ cấp”. Ông Giang cũng cho rằng, danh mục hệ thống phụ gia thực phẩm của Việt Nam hiện chỉ “tương đối” để cho 63 tỉnh, thành cùng các trung tâm kiểm tra Nhà nước sử dụng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI