Đôi chân thứ hai kỳ diệu

18/04/2014 - 21:31

PNO - PN - Sốt bại liệt cướp đôi chân từ năm lên bốn tuổi, Nguyễn Thị Từ An đã nỗ lực học tập, trở thành thạc sĩ ngành xã hội học, giảng viên Trường ĐH Bình Dương. Chị vừa nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc,...

edf40wrjww2tblPage:Content

* Gia đình đã chia sẻ thế nào để giúp chị vượt qua mặc cảm, sống tự tin, hòa nhập?

Thạc sĩ Từ An: Mặc cảm của người khuyết tật rất thường trực và ám ảnh dai dẳng. Hồi nhỏ, lúc nào tôi cũng có cảm giác mình nằm trong tầm ngắm của những ánh mắt chế giễu, cợt đùa. Nghe ai cười khúc khích, tôi cũng nghĩ họ cười mình và buồn cả ngày. Có lúc tôi bưng mặt khóc vì trời ào ào đổ mưa mà tôi không thể cùng ba má hốt lúa đang phơi ngoài sân. “Mình vô dụng thật!” - suy nghĩ này xâm chiếm đầu óc tôi, ảnh hưởng khá nhiều đến học tập và cuộc sống. Nhiều lúc tôi lâm vào trạng thái suy sụp, muốn buông bỏ tất cả, rất may là còn có điểm tựa gia đình.

Ông Võ Từ Hy: Là cha mẹ, thương con hết lòng, có thể cho con tất cả nhưng nhiều lúc tôi bất lực, khó xử trước nỗi đau của con. Cầm trang nhật ký với những tâm sự nặng nề của con, tôi có cảm giác nghèn nghẹn. Mỗi khi con bị những đứa trẻ ngỗ nghịch trêu ghẹo, tôi không biết làm sao để con bỏ ngoài tai những lời đó. Tôi chỉ bảo con hãy xem như chúng thiếu hiểu biết, không đáng bận tâm. Tôi thắt lòng khi nhớ thời bé, có lần An mếu máo: “Mấy em đòi ba lại, không cho con mượn ba nữa!”. Từ An là con của người chị ruột của tôi chứ không phải là con ruột của vợ chồng tôi. Ba An mất tích trong một lần vào rừng tìm trầm hương khi An chỉ hơn một tháng tuổi. Sau đó, khi An khoảng hai tuổi thì mẹ bỏ đi. Tôi giật mình, các con ruột của tôi chỉ vì tranh đồ chơi mà khơi gợi hoàn cảnh khiến An tự ái, đau lòng. Tôi nói với các con: “An bất hạnh, không có mẹ cha thì ba phải lo choàng, cậu cũng như cha. An mồ côi lại khuyết tật, các con phải thương chị nhiều, không được ăn hiếp hay xa lánh”. Trò chuyện với An, tôi biết dù cháu mặc cảm, bị tổn thương trong giao tiếp với người bên ngoài nhưng điều ấy không nặng nề bằng khi bị người trong gia đình ghẻ lạnh, ruồng rẫy. Vì vậy, tôi đặc biệt cẩn trọng trong dạy dỗ An, luôn nói lời dịu dàng, nhẹ nhàng, không cau có, gay gắt khiến con tủi thân, nghĩ quẫn.

Doi chan thu hai ky dieu

Niềm vui của Từ An trong ngày tốt nghiệp thạc sĩ

* Cánh cửa nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa rộng mở với người khuyết tật. Niềm tin nào đã giúp chị dồn hết tâm sức cho việc học?

Thạc sĩ Từ An: Từ bé, tôi đã thuộc lòng lời động viên của ba mẹ: “Con bị chân yếu, phải ráng học lấy chữ nuôi thân”. Khi xưa, tôi chỉ nghĩ rằng mình học càng giỏi thì ba má càng vui. Để lo sáu đứa con ăn học, ba má đã tất tả mưu sinh bằng nghề nông, mua bán trái cây. Chân tôi yếu, ba má phải chạy chữa thuốc thang khắp nơi, tốn kém rất nhiều. Túng thiếu quá, chị Hai của tôi đã phải bỏ dở việc học ở lớp 5. Tôi nghĩ, mình học để sau này có thể tự lo cho bản thân, đỡ phiền người khác. Động lực kế tiếp để học chính là do tôi… thất nghiệp. Cầm tấm bằng trung cấp, tôi làm 10 bộ hồ sơ xin việc ở quê nhà Khánh Hòa. Thật bẽ bàng, nhiều nơi lập tức trả lại hồ sơ khi nhìn thấy dáng đi của tôi. Nhiều lần, tôi rời nơi nộp hồ sơ xin việc trong nước mắt. Tôi buồn, giận nhưng giờ tôi cảm ơn họ, nhờ họ không nhận vào làm mà tôi cố gắng nắm bắt những cơ hội khác.

Ông Võ Từ Hy: Tôi luôn ủng hộ các con học, với đứa yếu đuối khuyết tật như An, tôi càng quan tâm nhiều hơn. Ngày An tốt nghiệp Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, vợ chồng tôi vào với con. Trong tiếng nhạc giòn giã, thúc giục, con chân thấp chân cao bước lên bục nhận bằng, tôi mừng rơi nước mắt. Tôi tự hào khi con là sinh viên xuất sắc, đỗ thủ khoa được xướng danh đầu tiên. Trước đây, An học xong trung cấp, xin việc nhiều nơi không được. “Học nữa hay thôi?”, tôi nát óc tìm cách giúp con. Cuối cùng tôi nghĩ nếu không học thì chắc chắn là bế tắc, còn học là còn hy vọng. Khi An nộp hồ sơ để làm giảng viên, tôi nghe một người quen vốn là giáo viên nói rằng người khuyết tật thì không ai cho làm giảng viên. Trước mặt người ấy, tôi phản ứng, nhưng khi ngồi một mình, tôi lại hoang mang, rối bời: không biết có quy định ấy không, sợ con hy vọng rồi lại thất vọng, nhụt chí…

* Sự bù đắp của gia đình có phải là động lực chính để chị có được như hiện nay?

Thạc sĩ Từ An: Nếu bù đắp bằng sự chiều chuộng, cung phụng, chăm sóc “đến tận răng” thì đứa con đã yếu ớt lại mất thêm cái quyền được lao động, sáng tạo, phát triển và tự lập. Trước đây, ba má và chị Hai thường xuyên đi làm đồng, tôi ở nhà tự lo việc cơm nước, trông em, chăm sóc đàn heo. Cha mẹ làm thay con càng khiến con ỷ lại, phụ thuộc, yếu đuối. Mặt khác, đứa con luôn được chăm chút kỹ lưỡng sẽ cho mình là người quan trọng, không biết mình là ai, có thể sống vị kỷ, vô trách nhiệm và thờ ơ, vô tâm với người khác. Môi trường bình đẳng, không phân biệt là tốt nhất. Sự ưu tiên vô tình khiến con càng mặc cảm. Nếu bù đắp, cha mẹ nên bù bằng tình yêu thương, tạo điều kiện để con theo đuổi ước mơ của mình với một niềm tin “con sẽ làm được!”. Số phận tôi có nhiều điều không may nhưng tôi diễm phúc có được ba má hiểu và thương con đúng cách, dù hai người chỉ là nông dân.

Ông Võ Từ Hy: Đứa con nào yếu đuối, thiệt thòi, cha mẹ thường nặng lòng về nó nhiều hơn nhưng phải cân nhắc trong đối xử. Nếu cho con thật nhiều tiền có khi đẩy con vào đường hư hỏng. Tạo cho con vận động tay chân hợp lý sẽ giúp luyện sức bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sảng khoái và cảm thấy bản thân không phải người thừa. Ở nhà, tôi không giao việc tắm heo nặng nhọc và nguy hiểm cho An. Khi biết An tự tắm heo, tôi đã “chuyển công tác” sang những việc phù hợp, vừa sức: giặt đồ, rửa chén, quét nhà... Trong việc học, tôi động viên, khuyến khích con nhưng không đặt kỳ vọng, tránh cho con phải chịu nhiều áp lực. Giờ An và các con tôi đều có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng tôi rất vui, mãn nguyện.

 TÔ DIỆU HIỀN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI