Nhật Bản duy tân 30 năm

22/06/2015 - 10:32

PNO - PN - Nhật Bản duy tân 30 năm (NXB Thế Giới ) là tập sách nghiên cứu của nhà văn Đào Trinh Nhất (1900 - 1951).

Nhat Ban duy tan 30 nam

Với 30 năm cầm bút, ông đã để lại nhiều tác phẩm, tiêu biểu: Thế lực khách trú và vấn đề di dân Nam Kỳ (1920), Việt sử giai thoại (1934), Phan Đình Phùng - một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời (1936), Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Đông Kinh nghĩa thục (1938)...

Cuốn sách Nhật Bản duy tân 30 năm,ông viết năm 1936, góp phần giải đáp một cách đầy đủ câu hỏi tại sao trong rất nhiều quốc gia khu vực có chung hoàn cảnh lịch sử, điều kiện xã hội như Nhật Bản lại không có được bước phát triển thần kỳ như Nhật Bản? Đâu là công cuộc duy  tân ở Nhật Bản? Sự lột xác thần kỳ của Nhật Bản phải chăng là do may mắn? Nhật Bản đã làm những gì để có những thay đổi ngoạn mục, trở thành biểu tượng cho cả thế giới? Liệu rằng chúng ta có học hỏi được gì từ bài học duy tân của Nhật Bản hay không?

Cuộc Cải cách Minh Trị ở Nhật Bản năm 1868 là sự kiện có tính bước ngoặt cho việc xây dựng một nhà nước Nhật Bản hiện đại và là chủ đề hấp dẫn đối với giới nghiên cứu Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu sự mở đầu cho một tiến trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa kéo dài 30 năm, đưa Nhật Bản từng bước trở thành một quốc gia phát triển độc lập, hiện đại và hùng cường trong khu vực.

Bằng ngòi bút phê bình sắc sảo pha chất ký sự lịch sử và cách làm việc nghiêm túc, thận trọng, Đào Trinh Nhất đã thu thập được những thông tin chính xác, hệ thống về điều kiện địa lý tự nhiên, đặc điểm chủng tộc, các sự kiện lịch sử cùng những nhân vật quan trọng trong giai đoạn này của Nhật Bản; phân tích rõ lý do tại sao Nhật Bản có thể bắt kịp các nước phương Tây chỉ trong vòng 30 năm?

Theo Đào Trinh Nhất, dân tộc Nhật Bản có nhiều đức tính tốt: tự tôn, coi trọng danh dự, thượng võ, coi cái chết như không và đặc biệt là biết dung hòa tốt v.v… Chẳng hạn, “Về văn hóa tuy là họ cũng làm đệ tử nho giáo và văn tự Trung Quốc, nhưng họ biết lựa chọn để dựng lên một nền văn hóa riêng. Ai nhắm mắt theo càn, cả từ văn tự, khoa cử, từ chương, chế độ, thì họ biết rút lấy tinh hoa, biết dung hiệp, để lập ra một nền giáo dục thiết thực riêng, tự đặt lấy một lối văn-tự riêng, chớ không chịu bắt bóng theo đuôi, người sao ta vậy. Ai say mê thờ kinh mãi học thuyết Tống nho, thì họ biết châm chước tùy thời và đón rước những cái học “Tri hành hiệp nhứt” và “Minh tâm kiến trị” của Vương Dương Minh. Ngay hồi Âu-hoá chưa sang Đông, chỉ có năm ba thương gia giáo-sĩ Tây dương phiêu lưu mạo hiểm qua đây, người Nhựt đã biết lần mò dọ hỏi về tình thế thiên hạ và học mót những thuật làm thuốc, thuật đúc súng luyện quân của người ta, chớ không cố chấp tự kiêu như ai, một lúc có phước đã được người Tây dương qua tận nhà mình cứu giúp và bày tài nghề ra trước mắt mình mà không biết mở mắt bắt chước”.

Cuốn sách Nhật bản duy tân 30 năm không chỉ cho thấy công cuộc duy tân thần kỳ của Nhật Bản là một hiện tượng hấp dẫn mà còn thể hiện lòng thiết tha mong muốn dân tộc Việt Nam biết học tập theo tấm gương Nhật Bản để xây dựng quốc kế dân sinh, đến gần hơn với cuộc sống văn minh.

Phan Quân
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI