Cho trẻ chơi 'bạo lực', tại sao không?

31/10/2017 - 09:19

PNO - Nhiều lần đưa hai con đến các phòng khám chuyên về trẻ tự kỷ, tăng động; được khẳng định “các con bình thường”, chị Thanh Hằng (kế toán, Q.3, TP.HCM) vẫn không an tâm.

Nhiều lần đưa hai con đến các phòng khám chuyên về trẻ tự kỷ, tăng động; được khẳng định “các con bình thường”, chị Thanh Hằng (kế toán, Q.3, TP.HCM) vẫn không an tâm.

Chị đưa con đi gặp chuyên viên tâm lý, câu trả lời vẫn là “bình thường”. Dẫu vậy, nỗi hoài nghi “con mắc chứng gì” vẫn không rời suy nghĩ chị. Chị rầu rĩ: “Chúng chơi bạo lực lắm, không lo sao được”.

Cho tre choi 'bao luc',  tai sao khong?
Ảnh minh họa

Theo chị Hằng, chuyện mồ hôi như tắm hay u đầu, trầy xước chân tay là hậu quả những cuộc đùa giỡn giữa Nhật (8 tuổi) và Tùng (10 tuổi) - hai cậu con trai chị. Nhật và Tùng thường chơi “đấu vật”. Chúng biến mọi ngõ ngách trong nhà thành“võ đài” và cứ thế lao vào nhau.

Nếu Nhật không bỗng dưng nhào đến cố quật ngã anh trai thì Tùng cũng núp sau cửa, canh “hù” em rồi cứ thế đuổi nhau khắp nhà, đồ đạc đổ tung tóe. Hè rồi, đưa con về quê, chị Hằng một phen thất kinh khi hai con ù chạy ra vườn, bẻ cây làm súng, đuổi nhau “pằng pằng”. Hôm khác, hậu quả của trò ném đĩa bằng nắp nồi là vỡ cái bình quý của ngoại.

Không riêng chị Hằng, rất nhiều phụ huynh quan ngại, cấm con chơi các trò quá mạnh. Ngoài ồn ào, thiếu an toàn hoặc ít nhiều gây thương tích, dăm món đồ rơi vỡ thì ý nghĩ con bị tăng động hay ảnh hưởng tương lai con là nỗi lo thường trực của các bậc sinh thành.

Cho tre choi 'bao luc',  tai sao khong?
Mẹ chơi rượt đuổi với con. Ảnh minh họa

Phụ huynh thường đánh đồng các trò chơi mạnh bạo với sự hiếu động, gây suy giảm tập trung, rối loạn nhân cách hay hình thành nơi con những ý nghĩ và hành vi bạo lực; lớn lên sẽ có những hành xử thô bạo, thích giải quyết vấn đề bằng… nắm đấm.

Thế nhưng, theo Anthony DeBenedet và Larry Cohen - hai tác giả của cuốn Nghệ thuật trò chơi mạnh bạo lại cho rằng, dẫu những quan ngại của phụ huynh đều chính đáng, nên biết rằng các trò chơi mạnh bạo mang lại cho trẻ em nhiều lợi ích bất ngờ.

Theo chỉ dẫn của cuốn sách, có thể phân tích, sau cú giật mình vì bị Tùng “hù dọa” rồi bỏ chạy, phản xạ từ nhiều lần chơi sẽ khiến Nhật nhận ra đó là trò chơi để bắt đầu rượt đuổi Tùng.

Cuộc rượt đuổi có thể dẫn đến sự “ẩu đả” bằng cách chọi gối vào nhau hoặc lao vào nhau “đấu vật” - những thay đổi tình huống đột ngột trong suốt cuộc vui chơi tạo cho trẻ khả năng thích nghi, biết đương đầu với áp lực, chướng ngại bất ngờ trên hành trình trưởng thành. Tương tự, thua cuộc trong trò chơi dạy cho trẻ hiểu rằng, thất bại chỉ là thử thách thay vì chìm đắm trong bi quan, dằn vặt.

Cho tre choi 'bao luc',  tai sao khong?
Ảnh minh họa

Các tác giả chỉ ra rằng, chính tâm lý sẵn sàng lao vào các trò chơi mạnh bạo sẽ dần biến trẻ thành những người vui vẻ, hòa đồng. Hơn thế, cuộc sống luôn tồn tại những “ám thị giao tiếp” - khi đùa, lúc thật và nhờ trải qua trò chơi mạnh bạo, trẻ học được cách phân định và hiểu đúng vấn đề: cái đập vai của bạn là gây chiến hay đùa giỡn, hoặc câu nói mang hàm ý xúc phạm hay chỉ là chọc ghẹo vui chơi.

Anh Thế Hoàng (Q.11, TP.HCM) - người cha thích chơi trò mạnh bạo với con, tự hào khoe: “Thi thoảng, tôi bồng con rồi quẳng mạnh xuống giường. Thằng bé lập tức bật dậy, loay hoay quật lại tôi. Có khi, chúng tôi vui vẻ chọi nhau bằng gối hoặc vài món đồ chơi của con như xe nhựa, viên bi… Nếu tôi không vừa lòng về hành vi, thái độ của con trong lúc chơi, như có sự gian xảo hoặc nảy sinh ý nghĩ không tốt bằng cách chọi mạnh hoặc tìm cách làm tôi bị thương, tôi coi đó là cơ hội dạy con.

Lâu dần, chỉ cần tôi khẽ nhíu mày thì con - đứa trẻ 5 tuổi - đã nhận ra “sự ác” của mình, lập tức dừng lại. Có lần tôi vờ trúng thương, đau đớn, con lập tức xin lỗi và tìm cách xoa dịu, cháu liên tục nói: “Con lỡ tay, ba có sao không?”. Tôi nghĩ những trò chơi thế này còn cho con bài học về trách nhiệm, lòng trắc ẩn, biết xử lý các vấn đề do mình gây ra. Trên hết, là chất đầy kho báu kỷ niệm, gắn kết tình cha con”.

Sau cùng, mọi trò chơi đều có giới hạn. Không cho con tiếp xúc với đồ chơi bạo lực, dễ sát thương như vật sắc nhọn, súng giả… và mức độ của trò chơi, thời điểm chơi đùa cùng sự bố trí không gian đảm bảo an toàn cho trẻ, là những điều phụ huynh phải lưu tâm. 

Ngoài rèn thể chất, trò chơi vận động mạnh còn khiến trẻ có được một số ưu điểm: thông minh hơn, dễ thích nghi, nhanh nhạy, hòa đồng và biết suy nghĩ, phân định được nhiều điều trong cuộc sống.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI