Thăm căn nhà cụ ông 81 tuổi làm bánh bò nổi tiếng tại Sài Gòn

29/10/2017 - 08:00

PNO - Như một thói quen, đều đặn mỗi ngày vợ chồng ông Đạo vẫn tỉ mẫn bên mớ bột, đóng khuôn, bếp lửa để kịp chuẩn bị 800 chiếc bánh bò cho khách. Nhưng khi được hỏi có ý định truyền nghề không? Câu trả lời là KHÔNG.

Vào một buổi sáng giữa tuần, PV báo có dịp thăm nhà ông Nguyễn Văn Đạo, 81 tuổi (mọi người hay gọi với cái tên thân thuộc ‘ông bánh bò’ hay ‘ông đạo bán bánh bò’), sống tại khu vực quận Thủ Đức, TP.HCM.

Căn nhà cũ kỹ nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ, chỉ vừa đủ một chiếc xe máy chạy vào. Cách đấy khoảng 4 căn nhà là đã nghe mùi bánh thơm nức cùng tiếng cười nói của vợ chồng ông và đứa cháu ngoại.

Không truyền nghề vì… lời hứa

Ông Đạo cho biết, thời son trẻ do cuộc sống khó khăn nên ông làm đủ thứ nghề tay chân để kiếm tiền mưu sinh, trong một lần bạo bệnh ông Đạo không thể làm việc nặng được nữa.

Tình cờ đến nhà một người anh vợ của ông để mượn tiền chạy chữa, người anh thấy hoàn cảnh vợ chồng ông khó khăn nên đã truyền lại cho nghề làm bánh bò gia truyền nhưng với yêu cầu giữ bí quyết làm bánh không truyền lại cho người ngoài.

“Truyền nghề là chỉ có người trong nhà thôi, với người ngoài tôi không truyền vì đã hứa với ân nhân của mình. Đưa nhiều người công thức làm bánh, người này làm như thế này, người kia làm khác rồi nó không giống một thứ bánh nào cả. Cũng sẽ mất đi công thức truyền thống của gia đình”, ông Nguyễn Văn Đạo nói.

Tham can nha cu ong 81 tuoi lam banh bo noi tieng tai Sai Gon
Ông lão làm xiêu lòng biết bao người vì món bánh ngon khỏi chê tại Sài Gòn. Ảnh: Thái Nguyễn

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông và vợ là bà Lưu Thị Chừng (65 tuổi) vẫn ngày qua ngày gắn với căn bếp nhỏ. Ông kể: làm nghề bánh bò được gần 35 năm tại Sài Gòn. Trước đây còn trẻ, ông chạy nhiều khu vực khác tại quận Thủ Đức để bán, nhưng về già hạn chế di chuyển nên hiện tại ông chỉ đứng tại điểm bán duy nhất là trước cổng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (đường Đoàn Kết, quận Thủ Đức).

“Ông vui nhất là khi có những đứa cháu đã ăn bánh bò của ông từ hồi học mầm non, tiểu học đến khi có vợ, có chồng, có con hết rồi mà vẫn lại ăn. Còn rỉ rả bên tai ‘tôi nhớ bánh bò của ông quá ông Đạo ơi!’. Điều đó chắc là điều làm ông vui nhất khi làm cái nghề bán bánh này”, ông Đạo cười nói.

Tham can nha cu ong 81 tuoi lam banh bo noi tieng tai Sai Gon
Chiếc máy xay bột cổ lỗ xỉ vẫn hoạt động rất tốt tại gian bếp nhỏ của ông Đạo. Ảnh: Thái Nguyễn

Bên trong căn bếp nhỏ gọn gàng được chia làm hai gian, một gian làm bột và gian hấp bánh. Gian làm bột chỉ có một chiếc máy xay bột trông cũ kỹ, thô sơ nằm lặng lẽ ở góc cửa ra vào.

Nhìn giản dị thế thôi chứ tuổi của chiếc máy này cũng xêm xêm tuổi nghề làm bánh bò của hai vợ chồng ông Đạo. Mặc dù có nhiều người ngỏ ý muốn mua cho máy làm bột đời mới nhưng ông bà nhất quyết không chịu vì ‘nai lưng suốt đời người với nghề, chỉ có chiếc máy này bầu bạn’.

Hằng ngày, ông Đạo rảo ra đường với một tủ bánh bò được gắn chắc trên một chiếc xe gắn máy hiệu Chaly. Xe tuy yếu, nhưng chạy cứ ra rả khắp xóm. Đến đâu mà nghe tiếng xe cọc cạch cùng mùi bánh bò thơm “nức mũi” thì chắc chắc là ông Đạo chứ chẳng ai!

Tham can nha cu ong 81 tuoi lam banh bo noi tieng tai Sai Gon
Chiếc xe máy gắn chiếc tủ bé xíu này được cho là 'đôi chân' thứ hai để ông buôn bán. Ảnh: Thái Nguyễn

Từ công đoạn xay, ép, ủ bột đều được làm bằng đôi bàn tay yếu ớt và đôi mắt nhòe của cặp vợ chồng già. Hơn 30 năm, cặp vợ chồng già luôn tỉ mẫn thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị cho mẻ hàng bán vào sáng sớm, cũng như kịp hàng cho các bạn sinh viên nghèo đặt bánh của ông bà bán lại kiếm thêm thu nhập.

“Nhiều khi mệt lắm cũng không dám nghỉ, vì mình nghỉ làm nhưng cái bao tử của mình đâu có nghỉ ngơi đâu, cũng phải làm mặc dù ông bà ai cũng bệnh, tuổi già hết”, ông Đạo cho hay.

“Sao còn những bất hạnh mà ông bà không kể?”

Vừa nói chuyện với PV, ông bà liên tục làm việc, vì thời gian hấp bánh và đổ bánh đều theo một khung giờ nhất định và được ông Đạo chép trong một mẩu giấy nhỏ đặt ở chỗ dễ thấy. Ông nói, loại bánh này phải canh đúng từng phút để bột vừa ‘đến’ và bánh chín vừa đủ.

“Nhiều khi ông bà làm đã nhiều năm rồi mà sơ suất vẫn hư hoài, có ngày hư cả một mẻ bột phải mang cả bao ra vứt ở đầu hẻm”, ông Đạo nói.

Tham can nha cu ong 81 tuoi lam banh bo noi tieng tai Sai Gon
Đôi chân yếu ớt của ông lão đã ngoài 80 nhưng vẫn nặng nhọc mưu sinh. Ảnh: Thái Nguyễn

Bà Lưu Thị Chừng tính giống chồng, rất hiếu khách. Bà chia sẻ, hồi trước khổ lắm vì từ khi đứa con trai út trong nhà (ông bà có hai cô con gái và một cậu con trai) mất lúc 20 tuổi bởi bệnh tim, thời điểm đấy bà cũng bệnh liên miên. Dù nỗi đau, mất mát quá lớn nhưng vì những người con còn lại mà hai vợ chồng vẫn cố gắng với cái nghề buôn gánh bán bưng này.

“Bà còn nhớ rõ ngày con trai út mất, nó mất đúng vào cái tháng sinh của nó vì bệnh tim, sau ngày nó mất bà cũng bị bệnh suốt…”, mắt bà Chừng xa xăm khi nhớ lại về một kí ức đẫm tâm sự.

Tham can nha cu ong 81 tuoi lam banh bo noi tieng tai Sai Gon
Ông Đạo và vợ phải làm việc liên tục, bà chia sẻ không có thời gian dọn cơm chỉ có việc đói là mỗi người tự lấy cơm ăn rồi tiếp tục làm bánh. Ảnh: Thái Nguyễn

Nhưng hình như số phận một lần nữa không công bằng với vợ chồng bà khi cả hai cô con gái đều không gặp may mắn trong hôn nhân. Một trong hai cô đang chạy thận nên luôn túng thiếu. Phận làm cha mẹ, vợ chồng bà không thể khoanh tay đứng nhìn. Ngoài ra, vợ chồng già phải nuôi thêm một đứa cháu ngoại (con của cô con gái út) từ hồi 5 tháng tuổi đến bây giờ.

“Con bà có đứa phải chạy thận, mà nó nghèo rồi chồng chết. Đứa còn lại thì sinh hai đứa con nhưng bị chồng bỏ. Nhìn con bệnh, ông bà làm bánh thì cũng có đồng ra đồng vào phụ nó chữa chạy. Dù con nó không dám mở miệng xin, chỉ nói mượn mà bà biết nó khó khăn thì đâu có khả năng trả. Nên thôi, cố gắng vì con, cháu”, bà Chừng nói.

Tham can nha cu ong 81 tuoi lam banh bo noi tieng tai Sai Gon
Bánh bò của ông bà có giá 2.500 đồng một cái. Ảnh: Thái Nguyễn

Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, con cháu chăm bẵm phụng dưỡng thì cả ông và bà vẫn phải nai lưng ra kiếm miếng cơm. Cố gắng và cố gắng là những từ mà cả ông và bà đều nhắc đi nhắc lại, như một động lực nhỏ bé giúp họ vượt qua cuộc sống vốn dĩ thiếu thốn trăm bề.

Điều đắng cay hơn, thế hệ sau cũng chưa có một người sẵn sàng đứng ra học nghề vì e sợ việc chân tay cơ cực, phải thức khuya, dậy sớm.

Rời căn nhà nhỏ trở về, hình ảnh ông lão lúi cúi trong gian bếp với những mẻ bánh thơm lừng; rồi hình ảnh bà lão ngồi chăm chút, gỡ từng chiếc bánh ra khỏi khuôn như in sâu vào tâm trí.

Trên áo quần là những vệt bột, ám mùi bánh dẻo thơm vừa ra lò… Tất cả hương vị ấy như nhắc nhớ về những phận người ứng với câu ‘nước tới đâu tát tới đó’, còn sức thì còn làm vì không phải vì mình mà vì những người ruột thịt xung quanh mình…

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI