Như trẻ mồ côi dù ba mẹ còn sống

24/10/2017 - 13:30

PNO - Tìm hiểu mới biết nhà em khá giả. Có điều, ba em bận với xưởng mộc, mẹ buôn bán ngược xuôi từ sáng đến tối. Em kể, cả tuần chỉ gặp mặt ba mẹ được vài lần.

Là giáo viên chủ nhiệm, không ít lần tôi rơi nước mắt cùng học sinh. Dù tận tâm đến đâu, tôi cũng khó hiểu hết hoàn cảnh từng em. Năm đầu đứng lớp, tôi loay hoay với chuyện thu tiền đầu năm - một học sinh mãi chưa nộp dù đã quá hạn. May là khi tôi chưa nhắc nhở em trước lớp đã nhận được tin nhắn: “Nhờ cô gọi điện cho mẹ em với, em xin hoài mà mẹ cứ quên”.

Nhu tre mo coi du ba me con song
 

Tìm hiểu mới biết nhà em khá giả. Có điều, ba em bận với xưởng mộc, mẹ buôn bán ngược xuôi từ sáng đến tối. Em kể, cả tuần chỉ gặp mặt ba mẹ được vài lần. Thời cấp I, quyển sổ báo bài của em hầu như không có chữ ký của ba mẹ. Mỗi lần họp phụ huynh, em lại bị cô mắng vì ba mẹ không đến. Em nói em như “trẻ mồ côi” dù ba mẹ vẫn sống.

Từ câu chuyện của em, tôi rút kinh nghiệm, phải tìm hiểu hoàn cảnh học trò để ứng xử cho phù hợp. Tuổi dậy thì, các em thường nhạy cảm, dễ tổn thương, thường nảy sinh những vấn đề tâm sinh lý cần được giúp đỡ, định hướng.

Có những chuyện với ta là “vớ vẩn”, nhưng lại khiến các em hoang mang như: cảm xúc yêu đương tuổi mới lớn, mặc cảm khuyết điểm bản thân như mập, thấp, nhiều mụn... Nếu không được quan tâm, các em sẽ phải bì bõm trong hàng loạt rắc rối. Nhiều em phản ứng bằng cách quậy phá để chứng tỏ cái “tôi”. Có em trầm cảm vì cô đơn.

Gần nhà tôi có một bé trai lớp Sáu. Hồi cấp I, em học rất giỏi, đoạt nhiều huy chương trong các kỳ thi. Ba mẹ rất tự hào về em. Hằng ngày, ba mẹ vẫn để em tự đạp xe đi học, bất kể nắng mưa. Theo lời mẹ em, cha mẹ bận việc nên hầu như việc học tập em tự lo. Chưa bao giờ ba mẹ xem sách vở, vở báo bài hay hỏi han giáo viên xem con học hành thế nào.

Vào năm mới hơn một tháng, em liên tục xin tiền mua bút mà mẹ không để ý. Rồi ba em tình cờ phát hiện một loạt bài kiểm tra điểm kém trong cặp con. Không cần hỏi, ông lôi em ra đánh. Rồi một ngày, em ngất trên đường đến lớp, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị méo miệng, liệt tay phải, thị lực giảm mạnh.

Em được chẩn đoán tổn thương não do căng thẳng tinh thần, áp lực dồn nén lâu ngày. Bệnh phát một thời gian khiến tay em cử động khó khăn, không thể viết bài, nhưng em cứ nghĩ là do bút hư. Các bạn, vì ganh đua với thành tích của em, không cho mượn vở chép bài. Cảm giác bị cô lập ở môi trường mới cộng diễn biến bệnh càng nặng khiến kết quả học tập của em sa sút… Em đã phải đối diện với những khó khăn đó một mình.

Thông thường, khi xảy ra một vụ bạo lực học đường hay con em gặp khó khăn trong học tập, phụ huynh thường đổ lỗi cho nhà trường. Song nhân cách con người hình thành đầu tiên ở chiếc nôi gia đình, sau đó mới được xã hội rèn giũa.

Nếu cha mẹ còn không biết con mình nghĩ gì, tại sao lại hành động như thế thì người khác làm sao hiểu. Muốn hiểu con, hãy dành thời gian cho con, bởi khi có sự giao tiếp, trò chuyện, ba mẹ mới có thể nắm bắt những vấn đề của con mà gỡ.

 Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI