Dưa, hành, xăng, điện làm nóng nghị trường

11/06/2015 - 22:07

PNO - PN - Ngày 11/6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII bắt đầu với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

edf40wrjww2tblPage:Content

Câu chuyện được mùa - mất giá, nông sản ế ẩm kéo dài, phải tiêu thụ nhờ tình thương, được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phản ánh tại nghị trường.

Dua, hanh, xang, dien lam nong nghi truong

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn: “Tình trạng được mùa - mất giá đang ngày lan rộng ở nhiều sản phẩm nông sản. Vậy mô hình liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) phải chăng không hiệu quả?”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi: “Nông dân trồng lúa phải bán ra với giá thấp, trồng cây ăn trái cũng khó bán, có khi đổ đống, trồng dưa hấu, hành tím không tiêu thụ được... Là người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng sẽ nói gì với bà con để họ yên tâm?”.

Cho rằng không phải tất cả nông sản đều ế ẩm như dưa hấu hay hành tím, Bộ trưởng Cao Đức Phát trấn an: “Tình hình không tới mức kém sáng sủa như vậy. Chúng ta phải bình tĩnh xử lý trong mọi tình huống. Giá dưa hấu thấp, một phần do thông quan gặp trục trặc. Hành tím Sóc Trăng rớt giá là do từ cuối năm 2014, Indonesia có chủ trương không nhập hành nữa nên mới xảy ra ứ đọng. Chúng tôi cũng đang làm việc với Indonesia để giải quyết tình trạng này”.

Không thừa nhận trách nhiệm cá nhân của mình trước thực trạng được mùa - mất giá song Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường có những biến động bất lợi. Nhấn mạnh nỗi lo lớn nhất của Bộ NN&PTNT là khâu tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cam kết một mặt giúp doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thuận lợi, mặt khác giúp bà con nông dân duy trì mức giá không giảm quá sâu.

Chiều 11/6, bước sang phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, phản ánh tình hình giá điện tăng vô tội vạ, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi thẳng: “Điện là mặt hàng rất kỳ lạ, chỉ biết tăng giá, tăng giá, rồi tăng giá, vì sao như vậy, thưa Bộ trưởng?".

Thừa nhận điện và xăng dầu là hai loại hàng hóa liên quan đến mật thiết đời sống người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy cho rằng, "mỗi khi điều chỉnh giá điện, chúng tôi hết sức băn khoăn" và cho rằng Bộ đã “tính toán rất cẩn trọng để đảm bảo điều chỉnh giá điện theo đúng lộ trình của thị trường đồng thời giảm ảnh hưởng tác động đến người dân”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần: "Lần điều chỉnh giá điện vừa rồi, cả 4 bộ đều có ý kiến đồng ý. Việc điều chỉnh là cần thiết vì từ năm 2014, giá bán điện mới bắt đầu cao hơn giá thành, nhưng vẫn chưa theo kịp được giá thị trường. Nguyên nhân là do trước đây ngành điện được bảo hộ nên giá bán còn thấp. Nhưng từ năm 2016 trở đi, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường".

Về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, cơ quan chức năng đã kết hợp hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

"Nghị định 83/NĐ-CP mới thực hiện được 6 tháng. Bên cạnh mặt tốt cũng có những nội dung cần điều chỉnh, nhất là phần liên quan đến chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH và sẽ cùng các ban ngành xem xét lại", Bộ trưởng cam kết.

PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI