Đi lên cùng... ốc

31/08/2015 - 16:18

PNO - Khi tôi mời ba lên cúng động thổ xây nhà mới, ba tôi lặng ngường, không ngờ con gái ông tạo dựng được một cơ ngơi bề thế như vậy...

Năm 1990, tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi lên Sài Gòn thi đại học, ngành y. Đó là lần đầu tiên tôi biết Sài Gòn. Thời đó, ngành y là ngành “thời thượng”, tôi chỉ biết đi thi chứ không nghĩ gì về cái gọi là “định hướng nghề nghiệp”, rằng năng lực mình đến đâu, mình thích hợp với nghề gì.

Thi năm đầu, trượt. Luyện thi một năm, lại trượt. Tôi bèn trở về quê nhà (thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), phụ ba má buôn bán. Bấy giờ, ba má tôi có một sạp bánh kẹo trong chợ thị trấn, nhưng ngày một ế ẩm nên ông bà chuyển sang thu mua hải sản, giao sạp lại cho tôi. Tôi kinh doanh được một năm thì… dẹp tiệm.

Tôi bèn phụ ba má thu mua hải sản, theo xe lên Sài Gòn bán cho các vựa ở đường Bến Vân Đồn, Q.4. Lúc đó, tôi chợt nghĩ: “Mấy vựa này sẽ phân phối hàng ra chợ, đến các quán ăn, nhà hàng”.

Thế là thay vì chỉ bỏ mối ở vựa, tôi lân la đi chào hàng và bắt được vài mối giao cho nhà hàng, quán ốc, từ đó cũng có được số tiền riêng cho mình. Lúc đó, tôi quen ông xã tôi bây giờ, nhưng khi đưa về ra mắt, ba tôi không thuận.

Chúng tôi bèn đưa nhau về lại Sài Gòn, đi kiếm một mặt bằng giá rẻ ở quận ven để bắt đầu lập nghiệp, tự nuôi nhau.

Chở nhau chạy lòng vòng nhiều ngày, cuối cùng, chúng tôi thấy một quán cà phê trên đường Bình Giã (P.13, Q.Tân Bình) treo bảng “sang quán”. Bấy giờ, quán sang lại với giá 10 triệu đồng, nhưng tôi không đủ tiền, phải mượn của ông chủ vựa ốc (nơi tôi bỏ mối hàng) ba triệu đồng.

Tôi chính thức làm “bà chủ” từ đầu năm 1999. Tôi tự pha cà phê, tự bưng bê, còn chồng tôi trông coi xe, phụ dọn dẹp. Thấy chỉ bán cà phê thì uổng phí, tôi bèn bán thêm cơm tấm vào buổi sáng, cũng tự mình nấu nướng, bưng bê.

Vẫn thấy tiếc “công suất” của mặt bằng, tôi bèn quyết định vừa bán cơm tấm, cà phê, vừa bán thêm ốc từ chiều cho đến 2-3 giờ sáng hôm sau. Thời điểm đó, các chủ hộ kinh doanh kế cận hết sức kinh ngạc: “Lúc tụi tao đi ngủ, vợ chồng bây còn thức, lúc tụi tao dậy, đã thấy tụi bây dậy trước rồi”. Bấy giờ, mỗi ngày, tôi chỉ ngủ được hai-ba tiếng.

Lúc này, tôi tự đặt ra quy định mỗi ngày phải bỏ vô ống heo 100.000đ. Nếu cuối tháng, trả được tiền thuê nhà (hai triệu đồng), lo được đủ gạo mắm cho tháng tới thì giữ nguyên ống heo, không đập.

Vậy nên vào cuối năm 2000, khi sinh đứa con đầu lòng, tôi mới đủ tiền lo cho chuyện sinh nở. Cũng vì chuyện bầu bì, sinh con, tôi đã quyết định bỏ bớt “hạng mục” cà phê, cơm tấm, chỉ chuyên bán ốc, để còn có thì giờ ngủ nghỉ.

Di len cung... oc
Chị Chi cùng chồng con

 Quán ốc của tôi “phất” lên từ năm 2001. Thời đó, thấy các quán nghỉ Tết dài ngày, tôi liền tận dụng khoảng thời gian này để thu hút khách. Tôi bán đến 30 Tết và mở lại vào mồng 4 Tết, trong khi các quán đóng cửa từ 23 tháng Chạp và khai trương sau mồng 10 tháng Giêng.

Trong khoảng thời gian đó, khách vô đông nườm nượp, nhưng quán chỉ có hai người em họ phụ việc; vẫn là tôi tự nấu nướng, bưng bê, còn chồng tôi trông coi xe. Sau đợt Tết, một lượng khách hàng lớn đã trở thành khách ruột của quán tôi. Tôi bắt đầu có dư. Năm 2003, chúng tôi mua được một căn nhà ở Q.Tân Phú.

Khách ngày càng đông, tôi liền thuê thêm mặt bằng của hai căn kế cận để mở rộng quán. Năm 2005, nhà đối diện quán tôi treo bảng “bán nhà”, tôi liền bán rẻ căn nhà ở Q.Tân Phú để mua ngay, vì căn nhà mới rất thuận tiện cho việc trông coi quán.

Không lâu sau, chủ căn nhà liền kề cũng rao bán nhà, tôi liền dùng căn nhà vừa tậu được thế chấp vay ngân hàng, mua thêm căn nhà này. Mua xong, tôi lại đem giấy tờ căn nhà mới đi thế chấp, lấy tiền xây hai căn thành một căn nhà lầu, vừa để ở, vừa làm nhà hàng hải sản.

Sau khi chúng tôi có nhà hàng khang trang, sạch sẽ mà giá cả vẫn như cũ, lượng khách càng tăng nhanh. Năm 2007, chủ căn nhà kế cận bán nhà, tôi lại mua thêm để mở rộng quán.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI