Ngõ chiều bóng xế

13/08/2016 - 16:55

PNO - Ông Hai mệt mỏi ngả lưng trên chiếc võng rách, trong đầu le lói một chút hy vọng về người em trai. Niềm hy vọng tưởng đã phai lạt, đã chôn sâu xuống ba thước đất ngày ba má ông lìa đời, nay chợt bùng dậy.

Ông Hai mơ màng trên chiếc ghế nhựa trước ngõ, bỗng giật choàng mở mắt thao láo. Có bóng người vừa thoáng qua trước mặt. “Thằng Ba mầy về đó hả?”. “Hông phải. Là tui. Trời gì nắng nực muốn xỉu. Tui để thùng trà đá ở đây nghen anh Hai!”.

Phù! À, thì ra là mẹ Mười Ú. Bữa nay kiếm chuyện mang thùng nước từ thiện để trước nhà mình. Con mẻ cái miệng bô lô ba la nhưng tốt bụng. Ngày nào cũng mang một thùng trà đá thiệt bự cho khách thập phương hay ai lỡ kẹt tiền có nước uống. Thường ngày thùng trà đá để bên kia đường, cắm cây cọc có tấm bảng cạc-tông nguệch ngoạc hàng chữ “trà đá miễn phí”. Sao nay nổi hứng đem qua đây chi cà?

Xáp vô nhà, con mẻ bắt đầu tía lia: “Sao anh không vô nhà ngồi cho đỡ bụi anh Hai! Dù gì, thằng Ba cũng mất tăm, mất tích ba chục năm rồi, chờ gì mà chờ. Mà nói thiệt, chắc nó chết rồi. Còn sống nó phải mò về với ba má chớ!”. Ông Hai giơ tay đập chát vô mặt mình, xòe tay, con muỗi chết xẹp lép giữa giọt máu bầm đỏ, lầm lì : “Ba má tui chờ nó không được, trước khi lên trời, ông bà một mực dặn phải ráng tìm cho được thằng Ba. Không cần chế độ thương binh, liệt sĩ chi hết. Chỉ cần kêu nó về thắp nén nhang cho ba má yên lòng”.

Ngo chieu bong xe
Ảnh mang tính minh họa

Thiệt lòng, hai chục năm tìm kiếm, ông chẳng còn hy vọng nào, mà có hy vọng cũng chẳng biết đâu mà tìm. Trời xui đất khiến làm sao mà gần nửa tháng nay, có một cô nhà báo tìm đến nhà, tình cờ hỏi về thằng Ba và hứa tìm giúp. Niềm hy vọng lại lóe lên trong đầu ông già. Ngày nào ông cũng bắc ghế ngồi dưới bóng mát cây si xanh trước cổng, có khi ngủ gục không hay.

Ông Hai năm nay mới tròn sáu mươi mà răng cỏ rụng hết trơn, chỉ chừa lại hai thằng tiền vệ hàm trên và một thằng trung vệ hàm dưới. Ông thường tếu táo. “Tao nhậu nhiều hơn ăn, cần chi răng”. Ai trách ông ham nhậu ông đành chịu, chớ đời buồn quá, không nhậu sao được. Nhà ông, ba anh em ruột chẳng ai nên sự nghiệp gì. Vợ chồng ông sinh bốn đứa con gái, gả chồng hết về xứ người, bả cũng bỏ đi còn trơ lại thân già ông lao đao với bảy công đất vườn.

Cô em Út thì mười dây thần kinh còn có chín, không biết ở với thằng nào, sinh được đứa con trai lại thất học, giờ hai má con tối ngày đi bán vé số nuôi nhau.

* * *

Con mẹ Mười Ú khệ nệ rinh thùng nước trà đá qua trước nhà, dặn ông Hai. “Anh Hai canh chừng khi nào cạn chế giùm tui nha. Can nước tui để trước hàng hiên nè”. Ông Hai khoác thêm chiếc áo dài tay, chùi rửa đôi dép Lào sạch bóng. “Bữa nay tui mắc công chuyện, hổng có nhà! Cứ để đại đó đi!”.

Ông dợm bước ra, vô trước sân, ngóng đợi.

Mới bảy giờ sáng, còn sớm nhưng ông nôn quá. Tới rồi, cô nhà báo đến trước mười lăm phút, con nhỏ coi cũng được đó chớ, ông nghĩ thầm. “Cháu chạy xe hay để tui…?”. “Dạ để cháu”. Chiếc xe quẹo vô lộ đất băng qua rừng cao su. Hai hàng cây ven đường ngả ngọn giao nhau tạo thành vòm tháp thẳng tắp, mát mẻ. Những vệt nắng loang lổ khiến quãng đường trở thành con trăn đốm hoa khổng lồ, nuốt chửng chiếc xe máy và hai con người bé nhỏ. Tiếng xe máy hình như cũng dịu đi, chỉ còn nghe lạo xạo, thúc giục.

Xóm Con Trăn lô nhô những ngọn thốt nốt vươn lên trời xanh. Suối Con Trăn đã gần cạn kiệt, chỉ còn thoi thóp dòng nước nhỏ bò trên sỏi đá. Cây cao su đang phủ kín vùng đất khô cằn biên giới, dang cành lá ngăn cản ánh nắng mặt trời đốt lửa xuống đất. Sáu thợ hồ đang sửa cái chuồng heo cho hàng xóm, thấy có người tới kiếm chỉ nghếch mặt nhìn lên. Ông nói: “Tui là anh trai Ba Lợi nè chú Sáu! Còn nhớ hông?”. “Ba Lợi nào ta?”. “Trời đất! Ba Lợi bên xóm Cây Cầy, nhập ngũ một lượt cùng chú mầy đó”. Sáu thợ hồ buông cái bay, chùi hai tay vô mông đít quần, đứng dậy phắt. “Trời, anh Hai Có hả? Sao giờ ngó anh như ông lão vậy? Thằng Ba Lợi sao rồi anh?”.

Sáu thợ hồ nhắc lại những ngày huấn luyện tân binh ở Tân Biên. Ông Hai thở dài. “Tao đi hỏi cùng khắp các đơn vị cũ, không nơi nào có tên thằng Ba Lợi mới rầu chớ”.

Sáu thợ hồ ngẫm nghĩ một hồi. “Chỉ có tiểu đoàn 12 bộ đội địa phương chốt phía ấy thôi. Quân đoàn Ba ở mãi trên Xa Mát”. Cô nhà báo cười thật dễ thương. “Vậy ta cứ tìm mấy chú cựu chiến binh tiểu đoàn 12 mà hỏi, thế nào cũng ra chú Ba Lợi”. Vậy cho nhau số điện thoại, khi nào có tin thì a lô. Ông Hai lắc đầu. “Tao hổng xài điện thoại. Có ai gọi bao giờ đâu”. Cô nhà báo dễ thương hứa sẽ cho ông Hai chiếc điện thoại “ngu” giá hai trăm ngàn. “Điện thoại ngu làm sao gọi hả cháu?”. Ông Hai thắc mắc. Cô gái cười lỏn lẻn. “Từ ngày có điện thoại thông mình, tụi cháu gọi mấy cái máy cũ là điện thoại ngu, cho vui ấy mà, chứ còn nghe gọi tốt lắm”.

* * *

Ông Hai mệt mỏi ngả lưng trên chiếc võng rách, trong đầu le lói một chút hy vọng về người em trai. Niềm hy vọng tưởng đã phai lạt, đã chôn sâu xuống ba thước đất ngày ba má ông lìa đời, nay chợt bùng dậy.

Chưa kịp chợp mắt đã nghe giọng mẹ Mười Ú léo nhéo: “Đi đâu tối ngày vậy ông? Già rồi mà ham vui quá ha! Có mì luộc quết dừa ngon lắm nè. Ăn đi! Đàn ông độc thân, khổ!”. Thì mụ cũng đàn bà góa, rảnh nên lo chuyện bao đồng chớ khác chi. Ông Hai cười méo xẹo. “Tui già ngắc, sắp xuống lỗ rồi, có ham vui gì đâu, biết kiếm ai cho qua khỏi đoạn đời độc thân đây cô Mười?”.

Con mẻ cười hắc hắc. “Tại ông kén quá, kế bên có sẵn mà có ai ngó ngàng đâu!”. Mấy củ mì ngon thiệt, vừa mềm, vừa béo. Thứ mì này luộc hay đồ lên, nạo dừa rám quết vô, ăn ngon cải số. “Ý là cô Mười phải hôn?”. Con mẻ bạo dạn nhéo lỗ tai ông Hai, híc híc. “Cuối cùng ông cũng thấy tui còn ngon lành mà ai kia không dòm tới hả”. Ông Hai bữa nay hứng chí, cao giọng. “Thiệt với cô, nếu tôi tìm thấy thằng Ba rồi, về thế nào cũng qua nhà cô nói chuyện…”. “Chuyện gì?”. “Chuyện gì biết rồi, còn hỏi!”.

Chiếc điện thoại “ngu” bỗng cất lên bài Lan và Điệp. Màn hình xanh lè cà chớp, cà chớp. Ông Hai cầm nó lên, săm soi. “Ai đó?”. “Phải anh Hai hôn?”. “Chớ ai vô đây!”. “Tui Sáu thợ hồ nè! Có tin mới về Ba Lợi đó anh!”. “Hả?!”. Con mẹ Mười Ú tò mò ghé sát tai gần điện thoại, bị ông Hai phũ phàng đẩy ra. “Hừ! Có bồ rồi chớ gì! Vậy mà bày đặt hứa này, hứa kia…”. Giọng con mẻ ấm ức. Ông Hai đã bật dậy khỏi võng, thở dốc. “Vậy hả! Thôi, thôi! Mày điện thẳng cô nhà báo giùm tao đi. Nói láp dáp vậy tao hổng nhớ nổi”.

Chiều đó cô nhà báo chạy tới liền. “Mình đi Bến Củi chú Hai! Có ông cán bộ huyện đội nghỉ hưu bên ấy biết về chú Ba Lợi”. Từ đây qua Bến Củi gần tám chục cây số, ngồi xe máy sẽ rêm mình mẩy mất mấy ngày đây. Cũng nhất định phải đi, miễn là có tin về Ba Lợi. Ông Hai tự nhủ rồi ngoắc Mười Ú vô nhà, rỉ tai. “Cho mượn đỡ mấy trăm đi Bến Củi đi, tuần tới bán heo tui trả liền”. Mười Ú nguýt dài một cái, rồi le te chạy qua đường, lát sau mang sang một xấp tiền. “Anh Hai cầm đỡ đi, còn bi nhiêu hà. Mai mốt tui hốt hụi có nữa”.

Nhà ông Hồ Đức ở Bến Củi, nằm trong khu vườn rộng có tường rào quây kín, cổng sắt im ỉm. Dừng chiếc kéo đang lách tách tỉa lá chậu kiểng, người đàn ông mập trắng mặc chiếc áo lưới ba lỗ vội bước ra khi nghe tiếng khách gọi tên. Lại là cô nhà báo lên tiếng. “Thưa chú! Cháu đang đi tìm một quân nhân mất tích tên là Phan Văn Lợi, nhập ngũ tháng Ba năm bảy tám, người lùn, đen, tóc húi cua. Trước ở đại đội 9 tiểu đoàn 12 tỉnh đội”.

Ông thiếu tá nhíu mày, vỗ trán “Hình như năm bảy chín, huyện đội có nhận một đồng chí về làm anh nuôi có dáng người như vậy. Lợi! Đúng rồi, da đen nhẻm, cậu ấy nấu ăn khá lắm, lại có tài bắt cá”. Ông Hai mừng quá. Ngay chóc thằng Ba Lợi rồi. Nó mà lội xuống suối, không ít thì nhiều cũng có cá ăn. “Sau đó tôi đi học trường quân chính, không biết rồi cậu ấy phục viên hay đi đơn vị khác. Hồi ấy, tình hình biên giới phức tạp, điều quân liên miên”. Ông quay sang tìm chiếc điện thoại. “Để tôi hỏi cậu Thanh huyện đội phó cũ xem sao”.

Điện thoại reo chuông hồi lâu mới có người bắt máy. “Tư Thanh hả! Hồ Đức đây! Hà hà! Thì về hưu rồi nên làm biếng gặp anh em chớ sao. Nè! Ông có biết cậu Lợi làm anh nuôi của đơn vị năm bảy chín, sau đó nó đi đâu không? Ờ, ờ! Hỏi mấy đứa đơn vị cũ coi, có tin gì cho tôi hay nha!”.

* * *

Cô nhà báo điện thoại kêu, một người lính cũ của tiểu đoàn 12 nói có đánh trận cùng với Ba Lợi bên tỉnh Soài Riêng, Campuchia. “Chờ cháu xin hộ chiếu xong, mình qua bên ấy tìm người nghe chú?”. Trời Phật ơi! Sao người dưng mà tốt với mình vậy cà? Vậy là chuẩn bị đi nữa, mình cũng xin làm “bát-bo” đi là vừa.

Ông Hai ngồi lơ mơ về người em trai mất tích. “Ôi ông già nầy! Vô trong nhà mà nghỉ đi, nắng tới rồi. Ngồi ven đường hít bụi không hà”. Lại là tiếng con mẹ Mười Ú. “Mặc xác tui đi cô Mười!”. Ông Hai cằn nhằn. “Đâu có được! Anh khỏe mới đi tìm chú Ba được chớ. Nói nghe nè! Cho tui đi với được hôn?”. “Đi đâu?”. “Đi tìm chú Ba đó. Tui còn mười mấy triệu đồng, hay tụi mình mướn xe qua biên giới, nhờ người tìm mộ chú Ba coi! Thấy người ta đi tìm mộ hà rầm đó”. Ông Hai mở to mắt, gằn giọng. “Nói bậy nà! Thằng Ba chết hồi nào mà tìm mộ! Sợ nó lạc đâu đó quên đường về”. “Ờ! Thì mình đi kiếm nó về! Anh Hai cho tui cùng đi với. Đi hai người gặp hên hơn!”.

Ủa! Mà cả cô Mười Ú cũng đòi đi hả? Ông Hai ngúc ngắc cái đầu, ra chiều ưng thuận. “Ừ, không chừng đi hai người hên hơn đó!”.

Phùng Phương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI