Thu xếp những trái nghịch một cách... hài hòa

26/06/2016 - 07:16

PNO - Những gì tôi có được hôm nay đều nhờ một nửa công sức của chồng. Đáp lại, tôi luôn biết vị trí của mình, cố gắng thu xếp những riêng chung.

Nhiều người quen biết vẫn đùa, cuộc hôn nhân của doanh nhân Nguyễn Thị Mỹ Châu - Giám đốc Công ty kỹ thuật Hưng Việt M.E - có vô vàn trái nghịch, khiến người khác phải đặt dấu hỏi về “bí quyết” gìn giữ hạnh phúc của chị. Những lúc ấy chị chỉ cười: “Đó là sự thu xếp những trái nghịch một cách rất… hài hòa”.

Thu xep nhung trai nghich mot cach... hai hoa
Chị Châu trong một buổi trao học bổng học sinh nghèo hiếu học

Biết tận dụng mọi ủng hộ

Phóng viên: Cụ thể đó là những trái nghịch nào, thưa chị?

Doanh nhân Nguyễn Thị Mỹ Châu: Chiếc máy may là một ví dụ. Nhiều người đến nhà tôi, gặp trước cửa có một chiếc máy may, cứ tưởng tôi là chủ nhân của nó, nhưng không, nó thuộc về chồng tôi. Từ đó, người ta tiếp tục nhận ra thêm một đối nghịch khác: chồng làm việc trong mát, còn vợ bon bon ngoài đường. Hơn thế, công việc của tôi lại chẳng… phụ nữ chút nào, môi trường làm việc đa phần là nam giới.

* Được biết, anh chị đến với nhau từ tình cảm đồng hương. Đó có phải là “điểm chung” đầu tiên và là nền tảng của sự gắn kết sau này?

- Khi đó, tôi là sinh viên hệ cao đẳng Trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, anh ấy đang làm việc cho một cửa hàng gần chợ Thủ Đức. Thời ấy tôi rất nghèo, mỗi lần đi chợ, 200 đồng tiền gửi chiếc xe đạp cũng nằm trong cân nhắc chi tiêu. Biết anh là đồng hương, tôi “bắt quàng” rồi nhờ giữ xe giúp. Rồi tình cảm nảy sinh và cứ thế phát triển (cười).

* Mười ba năm hôn nhân, đi lên từ khó nghèo; anh trở thành chủ nhân một xưởng may sô- pha, chị “cất cánh” thành giám đốc một công ty khá lớn, lại đang bảo vệ luận văn thạc sĩ. Quá trình đó, hẳn không tránh khỏi sự “tranh thủ” của chị đối với anh?

- Tôi vào công ty ở vị trí nhân viên, rồi được đề bạt dần lên. Thành công của một người không phải lúc nào cũng do cá nhân quyết định; với phụ nữ, càng không đơn giản chỉ bằng nỗ lực tự thân. Nó phải là sự kết hợp, tận dụng nhiều cơ hội và sự hỗ trợ của mọi người chung quanh. Đặc biệt, người vợ sẽ rất khó thành công nếu không được chồng ủng hộ và biết tận dụng nền tảng từ chồng. Trước ngày kết hôn, tôi tâm sự với chồng là mình rất ham học, hỏi anh việc kết hôn có cản trở điều đó không?

Anh nhìn tôi, thẳng thừng: “Cưới thì cưới, học thì học chớ!”. Anh là người luôn biết giữ lời hứa của mình. Đi làm được vài năm, tôi đăng ký chương trình liên thông đại học. Tốt nghiệp đại học, tôi lại tiếp tục theo đuổi bằng thạc sĩ. Học hành với tôi là một niềm yêu thích. Tôi nghĩ, dù bạn là ai, ở vị trí nào thì cũng không thể phủ nhận lợi ích của việc tiếp nạp kiến thức không ngừng. Nó giúp bạn “cất cánh” bay lên.

Thu xep nhung trai nghich mot cach... hai hoa
Chị Châu và hai con

* Chị đã kết hợp, tận dụng cơ hội và sự ủng hộ của chồng bằng cách nào?

- Ví dụ, ngày tôi đăng ký học liên thông cũng là lúc phát hiện mình có thai. Đắn đo giữa việc đi học hay dừng lại, cứ đi làm rồi chờ ngày sinh con được dẹp bỏ khi anh ấy động viên: “Nếu học được em cứ học”.

Cũng câu nói đó, con chào đời được… tám ngày, tôi thấy mình đủ sức khỏe nên không ngại tham gia các kỳ thi. Thử tưởng tượng, nếu không có anh ấy chia bớt trách nhiệm quán xuyến gia đình và chăm sóc con, tôi có an tâm, thảnh thơi làm được vậy? Tôi rất may mắn là được chồng luôn lắng nghe, thương yêu, chia sẻ; từ việc nhà đến những áp lực riêng.

* Sự thương yêu, chia sẻ, luôn sát cánh bên vợ đơn thuần chỉ được xây dựng bởi một mình anh?

- Những gì tôi có được hôm nay đều nhờ một nửa công sức của chồng. Đáp lại, tôi luôn biết vị trí của mình, cố gắng thu xếp những riêng chung. Có làm sếp ở đâu thì về nhà, tôi vẫn chu toàn trách nhiệm người phụ nữ trong gia đình, lo cơm nước, kèm các con học… Bữa cơm gia đình rất quan trọng với tôi vì tính gắn kết tình cảm các thành viên của nó. Tôi không thuê người giúp việc.

Ai cũng biết có người giúp việc thì mình được đỡ đần rất nhiều, nhưng ngoài mặt tốt ấy, thì tiêu cực là quan hệ gia đình rời rạc, cha mẹ khó dạy con. Sự an tâm khi có người giúp việc khiến chúng ta mải miết lo hoàn thành công việc, mà công việc thì làm biết bao giờ cho xong? Mỗi ngày, cứ đến giờ là tôi ngưng việc, về nhà, tất bật lo chợ búa, cơm nước… Ngoài sự giúp đỡ của chồng, tôi kéo các con cùng tham gia, vừa làm vừa trò chuyện, thăm hỏi nhau. Cực một chút mà được vui, đầm ấm.

Cả hai "làm sếp"?

* Nhiều phụ nữ thường nhầm lẫn, đánh đồng giữa năng lực kinh tế với trụ cột gia đình, chị có là người quyết định mọi vấn đề trong cuộc sống hôn nhân?

- Tôi là người quyết định cũng được (cười). Nhưng, nếu ở công ty chỉ một người đứng đầu thì trong một gia đình, hạnh phúc được xây dựng bởi hai người, cho nên, hoặc không ai làm “sếp” hoặc cả hai đều làm “sếp” với vai trò, vị thế, trách nhiệm ngang nhau. Dù vậy, tôi quan niệm phụ nữ nên nhường quyền quyết định cho chồng, dựa trên đối thoại để tham khảo, tìm ra ưu/ khuyết trong lý lẽ, nhận định của mỗi người.

Có những lúc kết quả ở mức 50/50. Đơn cử như hè này, tôi muốn các con tham gia một số khóa năng khiếu như học võ, vẽ, đàn… chồng tôi thì quan niệm con đã học cả năm, giờ là lúc phải nghỉ ngơi, thoải mái vui chơi. Thống nhất cuối cùng là… một nửa thời gian hè chúng tôi cho con chơi, sau đó sẽ đi học.

* Như chị nói, công việc của anh là “ngồi mát”, trong khi chị “bon bon ngoài đường”. Một giám đốc với rất nhiều mối quan hệ bên ngoài, môi trường làm việc lại hầu hết nam giới; chị xây dựng lòng tin nơi anh bằng cách nào để không phát sinh mâu thuẫn, ghen tuông, bất an?

- Trải qua quá trình tìm hiểu, chung sống, tạo được lòng tin ngay từ đầu hay không là do cách đối đãi với nhau. Điều kiện để đối phương nảy lòng ghen là do những biểu hiện khác lạ của mình. Cũng như nhiều phụ nữ và với vị trí của mình, mỗi sáng bước ra đường tôi phải thật tươm tất. Anh rất ủng hộ, cho rằng đó là điều cần thiết để thể hiện sự tôn trọng người khác như đối tác, khách hàng.

* Công ty của chị chuyên về thầu xây lắp hệ thống điện. Chị cũng khẳng định môi trường đó chẳng có gì… dù chị là phụ nữ và hơn thế, còn là “thủ lĩnh” của phần lớn nam giới trong công ty. Là “hoa lạc giữa rừng gươm”, chị có bị cản trở hay khó khăn gì trong công việc?

- Nếu mình thấy khó thì nó khó và ngược lại. Tôi vẫn cho rằng phụ nữ làm lãnh đạo có nhiều thuận lợi hơn khó khăn. Bản chất phụ nữ vốn khéo léo, mềm mỏng, biết uyển chuyển giải quyết các vướng mắc. Đặc thù công việc của chúng tôi luôn chịu áp lực cao, mà nam giới lại thường rất nóng tính. Hoàn thành công trình theo tiến độ với chúng tôi nhiều khi thật khó khăn.

Tôi luôn có mặt cùng anh em để chắc chắn về sự an toàn, chỉn chu của công trình và luôn chọn sự an toàn, uy tín với khách hàng. Sự có mặt của tôi còn nhằm kịp thời động viên anh em không việc gì lo lắng, khi mọi trách nhiệm chính tôi sẽ gánh lấy. Riêng việc ứng xử, tôi quan niệm làm lãnh đạo phải biết tạo đồng thuận trong nhân viên, để họ coi công ty là nhà của mình, thì sẽ tự nhiên hết lòng cho ngôi nhà chung ấy.

* Ở Câu lạc bộ Doanh nhân Phú Yên tại TP.HCM, tên của chị được nhắc rất nhiều thông qua những đóng góp cho các chương trình học bổng hướng về quê nhà và chị thật sự là một tấm gương rất nỗ lực vượt khó, vươn lên...

- 18 tuổi, tôi vào Sài Gòn khi biết mình… trượt đại học. Đó là chuyến đi nhiều nỗi buồn bởi hành trang mang theo là lời tôi nói dối gia đình, rằng con đậu đại học. Thời gian đó gia đình tôi rất khó khăn, ba má muốn tôi nghỉ học, ở nhà phụ mưu sinh và chăm sóc các em, nên nếu tôi thành thật là đã rớt đại học, có khi ba má tôi thấy… mừng. Gia đình cố gom góp cho tôi đúng số tiền để đặt chân đến Sài Gòn.

Tôi dự định sẽ tìm việc làm thêm rồi năm sau thi lại. May mắn, không lâu sau tôi biết điểm thi của mình dư vào hệ cao đẳng. Vậy là theo học! Để trang trải học phí và sinh hoạt cá nhân, tôi đã làm nhiều nghề như phát tờ rơi, phụ quán cơm, xếp vàng mã… Nhiều lần tôi nhập viện vì lao lực, đuối sức. Thấm thía những khổ sở, gập ghềnh đó, tôi tìm cách hỗ trợ các em trong khả năng có thể.

* Xin cảm ơn chị!

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI