Nỗi khổ…đám cưới vàng!

01/04/2015 - 06:54

PNO - PN - Ba mẹ giận các con đã mấy ngày nay. Em trai và em gái út có lẽ ít bị ảnh hưởng, không bị “văng miểng” vì ở riêng. Còn con, phận anh hai, ở chung với ba mẹ nên lãnh đủ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ba dùng chiêu “chiến tranh lạnh”, lầm lầm lì lì, con cháu hỏi không thèm trả lời câu nào. Còn mẹ thì lúc cằn nhằn, khi than thở suốt ngày. Mới sáng dắt xe ra đi làm, đã nghe mẹ thở dài: “Hai ông bà già gần xuống lỗ, có cái ước muốn nhỏ nhoi mà cũng không thực hiện được!”.

Chiều đi làm về, vừa ngồi vào mâm cơm, đã nghe mẹ nói móc: “Nuôi ba đứa con lớn tướng, rồi cả đám cháu nội cháu ngoại, đứa nào cũng làm ăn thành đạt, vậy mà còn tính toán với ba mẹ!”. Con biết, ba mẹ tỏ thái độ như vậy, vì chúng con không đồng ý với kế hoạch tổ chức đám cưới vàng.

Ba mẹ đều đã qua tuổi 75, tháng sau là đúng 50 năm ngày cưới. Chẳng biết nghe ai gợi ý về đám cưới bạc, đám cưới vàng mà khi đại gia đình tề tựu, ba mẹ tuyên bố muốn tổ chức đám cưới vàng. Lúc ba mẹ mới đề nghị, con cháu ai cũng tán thành. Chúng con thấy ba mẹ đã lớn tuổi, tổ chức đám cưới vàng là cách để ba mẹ có thêm niềm vui lúc tuổi già, con cháu có dịp quây quần, không khí gia đình thêm đầm ấm.

Đám cưới vàng cũng mang ý nghĩa ghi dấu một cột mốc đáng tự hào của cuộc hôn nhân hạnh phúc, thủy chung và bền vững của ba mẹ, nêu gương cho con cháu. Lúc ấy, chúng con chỉ nghĩ đơn giản, đám cưới vàng chắc chỉ là vài bàn tiệc, mời một ít bà con thân hữu, vậy là xong. Em trai còn nói: “Ba mẹ cứ làm đi, để con cháu tụi con hùn tiền cho”…

Noi kho…dam cuoi vang!

Nhưng đến lúc ba mẹ nói chi tiết kế hoạch tổ chức, chúng con… đổ mồ hôi hột. Ba nói: “Mời đông một chút cho vui”. Con cháu hồ hởi, vì nghĩ tối đa khoảng năm chục người. Ai ngờ, ba nói tiếp với giọng tỉnh queo: “Ba tính mời bà con trong gia đình đông đủ. Rồi mời bạn bè, đồng nghiệp của thằng Hai, thằng Ba, con Út. Mời luôn bạn bè, đồng nghiệp của mấy đứa cháu nội, ngoại nữa. Ba tính đâu chừng khoảng ba trăm người”.

Nghe vậy, chúng con bắt đầu hoảng. Út rụt rè hỏi: “Đông vậy rồi ba tính đãi ở đâu?”. Ba lấy ra một tờ bướm giới thiệu, trả lời gọn bưng: “Ba mẹ có coi mấy chỗ rồi, thấy chỗ này được nè”. Vừa nhìn thấy tên nhà hàng là đám con cháu xanh mặt. Đó là một trung tâm tiệc cưới tên tuổi, nổi tiếng đắt đỏ. Đặt tiệc ở đó thì ít nhất cũng phải năm triệu đồng mỗi bàn, chưa kể nước uống…

Chưa kịp bàn xong vụ đãi tiệc với ba thì mẹ đã xen vào. Mẹ hào hứng vạch kế hoạch chuẩn bị đám cưới hoành tráng. Mẹ bảo phải thuê thợ chụp ảnh… Rồi như một cô dâu, mẹ bàn việc may áo dài khăn đóng, mua nữ trang, in thiệp…

Sau khi nhẩm tính, chúng con thấy kinh phí tổ chức tiệc có thể hàng trăm triệu đồng. Ba anh em ra sức khuyên can, nhưng ba mẹ cứ khăng khăng theo ý mình. Mẹ trách móc: “Tụi bây đứa nào cũng làm có tiền, vừa con vừa cháu hùn vào, tính ra mỗi người mất có bao nhiêu.

Ba mẹ biết còn sống được 10 năm nữa mà làm đám cưới kim cương như người ta hay không?”. Còn ba thì nói: “Mấy đứa cứ thấy tốn là bàn ra, sao không tính đến chuyện khách người ta đi phong bì nữa chứ”. Rồi ba mẹ giận đến tận hôm nay. Ông bà cứ trách con cháu keo kiệt…

Chúng con đều có công ăn việc làm ổn định, được chút ít tiền của để dành. Chúng con rất sẵn lòng báo hiếu, lo lắng cho ba mẹ. Đó là nghĩa vụ của con cháu, và chúng con đã thực hiện nghĩa vụ này từ rất lâu rồi. Nhưng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tổ chức tiệc như vậy liệu có cần thiết? Mong ba mẹ hiểu cho.

 NGUYỄN LONG

Chỉ nên tổ chức gọn nhẹ, vui vẻ

Gần đây, nhiều gia đình tổ chức kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm có ý nghĩa này. Đây là cách hay nhằm tạo niềm vui cho bậc sinh thành, thắt chặt tình thân, con cái có dịp tỏ lòng hiếu thảo và học hỏi cách xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, việc tổ chức cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình. Tôi nghĩ, đám cưới vàng, bạc không nhất thiết phải “rình rang” như đám cưới bình thường, chỉ nên là một bữa tiệc gọn nhẹ, vui vẻ, ấm cúng với các thành viên trong gia đình.

Chị Lê Thanh Thủy (33 tuổi, Q.3)

Tránh phô trương quá mức

Theo tôi biết, việc tổ chức đám cưới kim cương, vàng, bạc… là tập tục của phương Tây. Có lần các con tôi cũng đề cập chuyện này nhưng vợ chồng tôi không hưởng ứng. Cá nhân tôi thấy đây là một sự phô trương không cần thiết.

Tuy nhiên, tôi cũng không phản đối việc tổ chức đám cưới vàng, bạc… vì đây là chuyện cá nhân, tùy vào ý muốn riêng của từng người. Tôi biết, có nhiều cặp vợ chồng già muốn tổ chức đám cưới vàng, bạc… và xem đó là niềm vui nho nhỏ lúc xế chiều. Vấn đề là việc tổ chức đám cưới phải biết tính toán sao cho vừa phải, tiết kiệm, tránh sự xa hoa và phô trương quá mức.

Bà Trần Thị Út (67 tuổi, Q.12)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI