Khi đứa trẻ ra đời

16/01/2016 - 08:03

PNO - Khi một đứa trẻ ra đời, nó thay đổi cả không gian sống và nhìn nhận của mọi người.

Em gái bảo, em lo quá, cứ yêu nhau thế này, lỡ giờ em có con thì sao hả chị Ba? - Chứ bên kia nói gì? - Anh ấy nói có con thì nuôi, thế thôi, sao phải hỏi… Ơ, nghe đơn giản quá nhỉ.

Vậy là em gái chưa sẵn lòng để làm mẹ, cầu mong đứa trẻ của em đừng vội ra đời vào lúc này. Tôi từng nghe kể, ở một bộ lạc nào đó của châu Phi, người ta tính tuổi cho những đứa trẻ không phải bằng ngày giờ nó được sinh ra hay được thụ thai, mà tính từ khi đứa trẻ hình thành trong tâm trí và mong muốn của người mẹ. Nghe sâu xa thế đấy. Quan niệm của người ta thật rõ ràng: đứa trẻ chỉ ra đời khi người lớn đã toại ý - một sự ra đời hoàn mỹ, một món quà “của trời cho” đích thực vì người lớn đã yêu nhau và cần nhau thật sự.

Khi dua tre ra doi
Ảnh mang tính minh họa

Có người bạn đại học của tôi, lấy chồng ngót nghét sáu, bảy năm vẫn chưa có con. Chồng bạn là con một, sốt ruột làm đủ mọi phương pháp. Bạn buồn rầu, mong ngóng, khóc thầm. Nếu theo lối tính tuổi trẻ con nói trên, thì khi con của bạn tôi ra đời, tuổi của bé hẳn phải dài bằng những năm tháng bạn chờ đợi và hy vọng.

Thật kỳ diệu khi một đứa trẻ chào đời, sự ra đời được tự nhiên “thiết kế” sẵn, mới hoàn toàn, không thể đoán định gì. Tôi luôn có cảm giác rằng đứa trẻ chưa biết nói, chỉ biết cười hoặc khóc oe oe ấy có một sức mạnh lạ thường, tác động sâu sắc đến những người lớn chúng ta.

Khi chị gái tôi sinh con đầu lòng, từng thành viên trong nhà đều thay đổi. Bố mẹ lãng quên cuộc chiến mà ông bà gây ra với chị, một cách tự nhiên, lập tức. Khi xưa, bố mẹ nhất định cự tuyệt tổ chức đám cưới cho chị vì không chấp nhận anh rể tôi - một người mồ côi tương lai mờ mịt.

Bây giờ, ông bà tìm đến bệnh viện thăm chị, nhận cháu. Không cần nói một lời, đứa trẻ sinh ra đã thay anh chị tôi giải thích với tất cả mọi người về tình yêu thành thật của họ, điều mà trước đó dù anh chị đã bao lần thiết tha, bố mẹ cũng không nghe thấy. Cháu tôi sau này có khi không ngờ rằng sứ mệnh đầu tiên lúc nó sinh ra trên đời lại là để chứng minh cho người lớn thấy rằng người lớn đã sai, đã quá hẹp hòi và khắt khe…

Em trai út của tôi từ nhỏ đã khác lạ, quá tự lập và xa cách. Vừa mười lăm, vào cấp III, em xa gia đình lên thành phố làm và học, một năm về nhà hai lần, đủ để bố mẹ tôi không la rầy. Sự gắn kết giữa Út và chúng tôi lỏng lẻo mà không biết phải làm sao để kéo cho gần lại. Khi chị Hai sinh em bé, Út bỗng về nhà thường xuyên hơn, có tháng rảnh còn về tới hai lần, lần nào cũng lên nhà chị Hai để chơi với cháu. Đứa bé trở thành trung tâm gắn kết mọi người trong nhà, để mọi người bỏ qua chuyện nọ chuyện kia mà gần gũi, chia sẻ nhiều hơn. Ai có thể làm được điều đó tự nhiên hơn một đứa trẻ?

Tôi cũng thay đổi. Hình ảnh chị Hai xanh lét trên giường mổ nhắc tôi hình dung về mẹ, khi mẹ đau đớn để sinh mấy anh chị em; cũng nhắc tôi hình dung về mình sau này, khi sinh ra những đứa con. Một đứa trẻ ra đời là một bà mẹ ra đời: tôi chưa bao giờ thấy chị Hai dịu dàng đến vậy.

Và dù bây giờ đã nhìn thấy chị Hai làm mẹ thế nào, tôi cũng không thể chuẩn bị cho bản thân mình trong vai trò ấy. Vì đó không chỉ là một kiểu tâm thế, một trạng thái tinh thần, mà còn là một bản năng chỉ đứa trẻ sinh ra từ lòng mình mới có thể dạy mình biết được.

Một ngày có bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra, và bao nhiêu bà mẹ chuẩn bị đón chờ sự sinh nở? Như em gái tôi lòng lo âu sợ hãi, còn cô bạn đại học của tôi khắc khoải ngóng chờ, hành trình làm mẹ của người phụ nữ nào cũng đầy tâm trạng. Chỉ cần đứa trẻ sinh ra từ tâm ý của người mẹ, hành trình thiêng liêng mãi mãi là thiêng liêng. Và những kết nối mà đứa trẻ có thể tạo ra sau đó, đến người lớn cũng phải giật mình.

Khi một đứa trẻ ra đời, nó thay đổi cả không gian sống và nhìn nhận của mọi người. Chỉ riêng sự đổi thay ấy thôi cũng đủ khiến ta phải bình tâm mà đón nhận bằng cả ý chí và tình thương yêu.

Hồng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI