Hội chọi trâu, ở đâu ra mà lắm thế?

13/03/2015 - 08:47

PNO - PN - Tổ chức lễ hội chọi trâu tràn lan, giết mổ trâu chọi rồi bán với giá cao là việc làm phản cảm. Liệu có chuyện vụ lợi kinh tế ở đây hay không?

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoi choi trau, o dau ra ma lam the?

Bán thịt trâu sau hội chọi trâu Phú Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Thúy Nguyễn.

Ngày 14 và 15/3 tới đây, lễ hội chọi trâu Phúc Thọ, thành phố Hà Nội do báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức sẽ diễn ra lần thứ hai tại sân vận động trung tâm huyện.

Trước đó, hồi đầu tháng 3/2015, báo này cũng đứng ra tổ chức hội chọi trâu Phú Sơn, Bắc Ninh lần thứ nhất.

Đại diện đơn vị tổ chức hội chọi trâu Phú Sơn, Bắc Ninh và hội chọi trâu Phúc Thọ, Hà Nội, ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay cho biết, BTC mong muốn sẽ tạo dựng thương hiệu hội chọi trâu của báo này.

Còn ông Phan Huy Hà, Phó tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội chọi trâu tạo sân chơi vui vẻ cho những người nông dân vì không phải ai cũng có điều kiện về tận Đồ Sơn, Hải Phòng để xem hội chọi trâu. Vé vào cửa tại những hội chọi trâu này chỉ khoảng 100.000 đồng.

Hoi choi trau, o dau ra ma lam the?

Như vậy là sau những hội chọi trâu truyền thống lâu đời ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Hàm Yên (Tuyên Quang), bây giờ hội chọi trâu đã phủ sóng ra nhiều địa phương.

Mới đây, ngày 2 và 3/3, hội chọi trâu Phú Sơn, TP. Bắc Ninh lần đầu tiên diễn ra.

Ngày 28/2, hội chọi trâu huyện Bảo Thắng, Lào Cai cũng lần đầu tiên được tổ chức tại địa phương này.

Sáng 7/3, tại sân vận động trung tâm TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cũng tưng bừng mở hội chọi trâu đầu tiên trong lịch sử tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho rằng các hội chọi trâu được Hội nông dân Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ vì tạo sân chơi vui cho người nông dân.

Theo ông, con trâu bây giờ không phải phục vụ chính mục đích cày, bừa nữa nên cần nghiên cứu các phương thức để phát triển kinh tế từ con trâu. Có thể từ các hội chọi trâu, sẽ nghiên cứu để tạo ra một nghề mới cho người nông dân, như nghề cung cấp trâu chọi, nghề huấn luyện trâu chọi…

Nhưng có một thực tế đang diễn ra tại tất cả các hội chọi trâu, các con trâu thắng, thua đều bị đem ra giết thịt rồi bán với giá rất cao, có khi đến 5 - 7 triệu đồng một kg (trừ hội chọi trâu Phú Sơn, Bắc Ninh, ông trâu thắng cuộc được giữ lại).

Hoi choi trau, o dau ra ma lam the?

Xẻ thịt trâu bán sau hội chọi trâu Phú Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Thúy Nguyễn.

Để “chuyên nghiệp hóa” việc bán thịt trâu chọi, hội chọi trâu Phú Sơn và Phúc Thọ năm nay còn có ban thú y, quản lý thị trường, công an cùng quản lý việc giết mổ trâu chọi sạch sẽ, an toàn, không phản cảm, không có giá trên trời…

Nhưng nhiều người đến hội chọi trâu Phú Sơn vừa qua cho biết, họ phải mất đến 200.000 đồng để gửi một ô tô để vào xem hội chọi trâu, thịt trâu bán ra trung bình nửa triệu đồng mỗi ký, cảnh xẻ thịt bán sau lễ hội rất nhếch nhác, phản cảm.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam thốt lên: “Sao mà nhiều hội chọi trâu như thế?”.

GS Thịnh cho biết rất ngạc nhiên khi nghe chuyện Bắc Ninh có hội chọi trâu, và đây là năm thứ hai Hà Nội có hội chọi trâu.

Theo GS Thịnh, nếu tổ chức không cẩn thận, lễ hội sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người xem. Về chuyện ăn thịt trâu chọi thắng cuộc để mang lại may mắn, GS Thịnh cho rằng đó là niềm tin của người dân, nhưng đó là ở những lễ hội chọi trâu đã có truyền thống lâu đời trong lịch sử, chứ không phải ở những hội chọi trâu mới diễn ra lần 1, lần 2.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, tổ chức lễ hội chọi trâu tràn lan, giết mổ trâu chọi rồi bán với giá cao là việc làm phản cảm, cần xem xét có chuyện vụ lợi kinh tế ở đây hay không.

THÚY NGUYỄN (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI