100 năm cải lương: Những gánh hát nổi tiếng thời kỳ đầu của sân khấu cải lương

11/04/2018 - 19:00

PNO - Những gánh hát từ cách đây một thế kỷ đã tìm cách chinh phục công chúng không chỉ bằng phục trang, sân khấu đẹp mà còn bằng cách “chiêu mộ” nhân tài từ thầy tuồng đến nghệ sĩ, tay đờn….

Vừa định hình bộ môn nghệ thuật cải lương, loại hình nghệ thuật mới mẻ này nhanh chóng chinh phục khán giả bằng sự ra đời của những gánh hát nổi tiếng. Những gánh hát từ cách đây một thế kỷ đã tìm cách chinh phục công chúng không chỉ bằng phục trang, sân khấu đẹp mà còn bằng cách “chiêu mộ” nhân tài từ thầy tuồng đến nghệ sĩ, tay đờn…

Đồng Nữ Ban – gánh hát đặc biệt của lịch sử cải lương Việt Nam

Chỉ tồn tại trong khoảng 2 năm, ở thời điểm cuối thập niên 1920, nhưng Đồng Nữ Ban của bà Ba Viện được nhiều thế hệ nghệ sĩ nhắc đến bởi đó là gánh hát rất đặc biệt: chỉ có các nghệ sĩ nữ.

Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê từng nhắc đến Đồng Nữ Ban trong những buổi nói chuyện về sân khấu cải lương. Ông cho biết bà Ba Viện là cô của ông và gánh hát của bà được thành lập khi ông còn rất nhỏ. Ông kể, những thiếu nữ được chọn vào Đồng Nữ Ban sẽ phải học rất nhiều thứ: học chữ, học ca, học diễn, học võ, học cả chuyện bếp núc, nữ công, may vá, thêu thùa…

Những lần lưu diễn, tất cả nghệ sĩ cùng sống chung trong một chiếc ghe chài chứa được khoảng 50 - 60 người. Các diễn viên của Đồng Nữ Ban luôn luôn mặc đồng phục áo dài tím lúc từ ghe lên rạp hoặc từ rạp xuống ghe.

100 nam cai luong: Nhung ganh hat noi tieng thoi ky dau cua san khau cai luong

Bà Ba Viện (người thứ tư từ trái sang hàng đầu) và các nữ nghệ sĩ gánh hát Đồng Nữ Ban (ảnh tư liệu)

NSƯT Phương Hồng Thuỷ nói: “Chúng tôi được nghe kể lại rằng bà Ba Viện là người rất giỏi may vá. Không chỉ tự thiết kế sân khấu để nhờ người vẽ cảnh, bà Ba Viện đã tự mình may trang phục cho nhân vật Võ Đông Sơ. Không giống áo giáp của hát bội hay đồ lụa của hát quảng, hát tiều, bà Ba Viện thiết kế và may trang phục của Võ Đông Sơ đậm phong cách trang phục Việt Nam. Màu sắc được chọn lựa phù hợp với hình ảnh, trang trí sân khấu. Bà Ba Viện và những nghệ sĩ của Đồng Nữ Ban vừa khiến nghệ sĩ nữ chúng tôi vừa nể phục, vừa tự hào về những bậc tiền bối của mình”.

Đặc biệt ở những lớp đấu võ, diễn viên (DV) của Đồng Nữ Ban sẽ dùng gươm, giáo, kích, đoản đao, song kiếm, côn, gậy và lăn khiêng… được dùng trong giới võ thuật. Bà Ba Viện cũng hướng dẫn DV của Đồng Nữ Ban ca diễn theo cách của mình. Từ thời đó, bà đã biết yêu cầu DV khi diễn phải biết nhập tâm, diễn xuất theo cảm xúc và không cường điệu.

Tuồng Giọt lệ chung tình của soạn giả Nguyễn Tri Khương, được trình diễn ở Đồng Nữ Ban vẫn nổi tiếng đến tận ngày nay. Không chỉ nói về mối tình của Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà, tuồng hát còn có những lời thoại, câu ca khơi gợi lòng yêu nước, thương dân.

Trong một buổi nói chuyện về gánh Đồng Nữ Ban vào năm 2014, cố Giáo sư Trần Văn Khê khẳng định gánh hát Đồng Nữ Ban được lập ra không phải để kinh doanh. Toàn bộ tiền thu được từ các suất hát, sau khi trang trải mọi chi phí, bà Ba Viện dùng để giúp đỡ cho những nhà cách mạng.

100 nam cai luong: Nhung ganh hat noi tieng thoi ky dau cua san khau cai luong

NSƯT Tú Sương vai Lý Đạo Thành - lối diễn giả nam trang được cho là có ảnh hưởng từ gánh hát Đồng Nữ Ban

Theo những tài liệu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Tiền Giang, Đồng Nữ Ban được thành lập nhằm tập hợp, vận động quần chúng đấu tranh công khai và hợp pháp trên sân khấu chống lại chế độ thực dân Pháp. Đó cũng là nơi biểu thị tinh thần bất khuất và vận động tài chính cho cách mạng.

Gánh hát của bà Ba Viện lưu diễn khắp nơi, từ Mỹ Tho đến Thủ Đức, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Rạch Giá… Rất nhiều lần, gánh hát bị địch tìm cách ngăn cản, gây khó dễ không cho mở màn, nhưng hầu hết các suất hát đều được thực hiện thành công nhờ tài trí, sự can đảm của bà Ba Viện và các DV gánh hát, hoặc sự hỗ trợ kịp thời của quần chúng có cảm tình với cách mạng.

Năm 1929, Đồng Nữ Ban bị chính quyền thực dân ở Nam Kỳ quy kết tội làm chính trị, tuyên truyền xách động quần chúng phá rối trật tự trị an và tìm đủ mọi cách cảm trở các suất hát, thậm chí bắt bớ cả những người đi xem hát. Tình hình càng lúc càng khó khăn, Đồng Nữ Ban phải giải tán, đội ngũ DV cũng phân tán đề phòng bị địch bắt. 

Chỉ tồn tại trong 2 năm, nhưng Đồng Nữ Ban là một trong những gánh hát không thể thiếu mỗi khi nhắc lại cải lương thời kỳ đầu. Nhiều nữ nghệ sĩ cũng cho rằng, việc các nghệ sĩ nữ đóng giả nam trang ở cải lương có lẽ do chịu ảnh hưởng từ cách làm của gánh Đồng Nữ Ban.

Gánh hát Thầy Năm Tú – gánh cải lương đầu tiên của Việt Nam

Nhắc lại cột mốc 100 năm cải lương, hầu hết những nghệ sĩ cải lương được hỏi đều nhắc gánh hát Thầy Năm Tú. Không chỉ vì đây là gánh hát đầu tiên của sân khấu cải lương mà còn vì gánh hát này còn được xem là chiếc nôi của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng  như Sáu Nhiêu, Tám Danh, Phùng Há, Năm Châu, Ba Du, Bảy Thôn…

100 nam cai luong: Nhung ganh hat noi tieng thoi ky dau cua san khau cai luong
NSND Phùng Há - cô đào nổi tiếng của gánh hát Thầy Năm Tú ngày xưa (ảnh tư liệu)

NSƯT Kim Tử Long nói anh vẫn thường được nghe thế hệ nghệ sĩ đi trước kể lại những câu chuyện về gánh hát đầu tiên và thầy Năm Tú bằng sự ngưỡng mộ. 100 năm trước, thầy Năm Tú đã biết thu hút khán giả bằng tuồng tích hấp dẫn, đào kép tài năng, sân khấu, y trang sang trọng. Vừa sang gánh hát của Andre Thận, thầy Năm Tú đã mời ông Trương Duy Toản về làm thầy tuồng. Ông cũng cho xây rạp hát lớn khang trang, hiện đại nhất Nam Kỳ lúc bấy giờ và đặt tên là rạp hát Thầy Năm Tú.

Tuồng Kim Vân Kiều khai trương rạp hát Thầy Năm Tú và cũng là tuồng cải lương đầu tiên của sân khấu cải lương Việt Nam. Kim Vân Kiều mở màn ngày 15/3/1918, cũng là sinh nhật của thầy Năm Tú. Lúc đó cô Hai Cúc vai Vương Thuý Kiều, cô Ba Đắc vai Thuý Vân, cô Năm Thoàn vai Hoạn Thư…

Giới làm nghề vẫn thường kể rằng đây là một trong những giai đoạn hoàng kim của sân khấu cải lương. Ngay sau Kim Vân Kiều, rạp hát Thầy Năm Tú trở thành kinh đô cải lương của lục tỉnh Nam Kỳ, nơi lui tới thường xuyên của giới thượng lưu, tài tử giai nhân. Nhiều suất hát, khán giả phải đến xếp hàng trước phòng vé từ sáng sớm nhưng nhiều người vẫn không thể mua được vé. Suất hát mở màn, họ đành đứng trước rạp nghe hát cho đỡ ghiền.

100 nam cai luong: Nhung ganh hat noi tieng thoi ky dau cua san khau cai luong

Một vở cải lương xưa (ảnh tư liệu)

“Người xưa nói thầy Năm Tú lập gánh hát chỉ vì đam mê nghê thuật cải lương chứ không phải vì mục đích kinh doanh. Ông là người có công lớn trong việc mang cải lương đi khắp ngóc ngách của lục tỉnh Nam Bộ. Mười năm, có lẽ là một chặng đường không ngắn của một gánh hát được thành lập chỉ bằng đam mê của một người “ngoại đạo” với sân khấu. Làm ăn thất bại, thầy Năm Tú phải sang gánh hát lại cho người khác.

Nhiều câu chuyện về gánh hát Thầy Năm Tú có thể bị quên lãng dần với thời gian, nhưng tên tuổi gánh hát cải lương đầu tiên với tất cả những sự chỉn chu, sang trọng nhất của sân khấu cải lương là điều luôn được các thế hệ nghệ sĩ nhắc nhớ như một cách tri ân những bậc tiền nhân và để thêm trân trọng nghề hát mình đang theo đuổi”- NSƯT Kim Tử Long bộc bạch. 

         Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI