Nhộn nhịp chợ đồ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp

26/01/2019 - 17:31

PNO - Ngoài cá chép, xôi chè cúng ông Công, ông Táo nhiều năm trở lại đây được người Việt chú trọng, thị trường còn có nhiều sản phẩm mới.

Tại các chợ Bình Tây, đường Tháp Mười (quận 6), Hải Thượng Lãn Ông (quận 5),… chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình),… những ngày này nhộn nhịp hàng giấy tiền vàng mã, đồ lễ, trái cây.

Nhon nhip cho do cung ong Cong ong Tao ngay 23 thang Chap
Một cửa hàng kinh doanh hàng mã trên đường Tháp Mười, quận 6.

Chiều 25/1 (20 tháng Chạp) tại khu vực trước ngôi chợ mới Bình Tây vừa đưa vào hoạt động cuối năm 2018, tiểu thương làm việc không ngơi tay. Khách liên hệ đặt hàng qua điện thoại, mua hàng tại chỗ nên nhân viên phải luôn tay đóng hàng.

Mặt hàng đồ lễ năm nay ở chợ Bình Tây vẫn như truyền thống. Mâm lễ bao gồm mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà và cá chép.

Giá mỗi bộ lễ bỏ sỉ tại chợ dao động từ 35.000 – 95.000 đồng/bộ. Khách hàng thường chọn loại tầm trung ở mức giá 65.000 đồng/bộ.

Nhân viên cửa hàng kinh doanh vàng mã Kim Hưng trên đường Tháp Mười, quận 6, cho biết, cửa hàng đã tất bật đóng hàng đi cho khách từ khoảng 2 tháng trước. Do là cửa hàng bán sỉ, nên nguồn hàng về sớm hoặc hàng dự trữ từ năm ngoái, khách sợ tăng giá thường sẽ đặt hàng rất sớm.

Ngoài những bộ đồ lễ cỡ trung “cháy hàng” từ rất sớm, những loại áo quần truyền thống của người miền Nam như áo bà ba, áo dài (cho bà Táo), vest, sơ mi (cho ông Táo),… được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Nhon nhip cho do cung ong Cong ong Tao ngay 23 thang Chap
Ngoài bộ đồ lễ, các loại áo bà ba, áo sơ mi đốt cho ông Công ông Táo được ưa chuộng.

Chủ cửa hàng H.K trên đường Hải Thượng Lãng Ông cho biết, tình hình buôn bán hàng mã trong nhiều năm trở lại đây không sôi động như trước, vì người dân đã đơn giản hơn trong các tục lệ cúng kính.

“Lượng khách mua sỉ, đơn hàng đi tỉnh cũng ít lại, vì xu hướng hiện đại, người ta ngày càng làm đơn giản trong ngày 23 tháng Chạp”, chủ cửa hàng nói.

Bên cạnh mâm cỗ cơ bản gồm đồ lễ, xôi chè,… nhiều nhà chịu chi mua thêm nhà lầu, xe hơi, điện thoại bằng giấy để đốt chung với đồ lễ trong ngày ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, những sản phẩm lạ mắt này ban đầu hút người mua, giờ dần cũng không còn nhiều người chọn.

Tại một số chợ truyền thống, giấy tiền vàng mã, đồ lễ ông Công ông Táo, trái cây, hoa cúng cũng hút khách ngày 23 tháng Chạp.

Bà Minh, chủ sạp trái cây tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, cho biết nguồn hàng cung ứng cho ngày ông Công, ông Táo càng gần đến ngày cúng càng được bán ra nhiều.

Nhon nhip cho do cung ong Cong ong Tao ngay 23 thang Chap
Nướng cá cho ngày ông Công ông Táo tại đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình).

“Từ 20 tháng Chạp, lượng bán đã bắt đầu cao, dĩ nhiên giá cũng cao hơn. Vì giá từ nguồn chính đã tăng, buộc tiểu thương phải bán giá cao hơn khi đến tay người tiêu dùng”, bà Minh cho biết.

Theo bà Minh, các loại trái cây như quýt, cam, táo,… bán chạy trong ngày ông Công, ông Táo. Với đối tượng khách hàng khá giả hơn, có các loại trái cây nhập khẩu, giá từ 300.000-800.000 đồng/kg được sẵn sàng cung ứng.

Bà Kim Hạnh (quận Bình Thạnh) cho biết, cứ ngày 20-21 tháng Chạp, bà bắt đầu đi sắm mâm lễ chuẩn bị tươm tất tiễn ông Công ông Táo. Bộ lễ hàng năm nhà bà có áo mũ ông bà Táo, trái cây, riêng xôi chè được đặt riêng đúng giờ người bán giao tới.

Theo bà Kim Hạnh, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp thể hiện thành ý của gia chủ, mong muốn ấm no, gia đình sung túc trong năm mới, cũng như mang những vận xấu, xui rủi trong năm qua ra khỏi nhà.

“Tùy vào nhu cầu của khách, gia cảnh và truyền thống cúng kiến mà nhiều người chi mâm cỗ cúng ngày ông Công ông Táo khác nhau. Có người chỉ đơn giản xôi chè giấy tiền vàng mã, có người mua heo quay, cá nướng,… Với người làm ăn, mâm cỗ có khi lên đến vài triệu đồng”, bà Hạnh cho biết.

Theo dân gian, giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo là trong khoảng từ 9g-11g30. Lễ cúng ông Công ông Táo phải hoàn thành trước giờ ngọ ngày 23 tháng Chạp. Mâm cúng lễ có mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà và cá chép.

Mũ dành cho các ông Táo có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có cánh chuồn. Cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.

Mũ, áo, hia và một số vàng thỏi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo quân.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI