Bố chồng di nguyện thừa kế riêng, nhưng chồng không chịu chia

20/09/2018 - 12:00

PNO - Bố chồng em trước khi chết có cho vợ chồng em một căn nhà, mục đích để lại thừa kế cho vợ chồng em sinh sống. Nhưng giờ khi nói đến ly hôn, chồng em nhất quyết không chịu chia tài sản.

Hỏi: Em và chồng cũ kết hôn được 2 năm. Bố chồng em trước khi chết có cho vợ chồng em một căn nhà, nói rằng để lại thừa kế cho vợ chồng em sinh sống. Hiện nay em muốn ly hôn với lý do phát hiện chồng ngoại tình. Em có yêu cầu chồng chia đôi căn nhà nhưng chồng em cho rằng di nguyện đó không rõ, bố chồng chỉ để lại chỉ cho anh nên không chia. Cho hỏi em có quyền được ly hôn và chia tài sản trên không.

Ngọc Anh (Vũng Tàu)

Trả lời của luật sư:

Chào bạn. Trước hết xin cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về trường hợp của mà mình đang gặp phải. Tôi xin đưa ra tư vấn giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề tài sản khi ly hôn, nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Bo chong di nguyen thua ke rieng, nhung chong khong chiu chia
Hình minh họa

Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình về tài sản chung của vợ chồng thì “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.

Ở đây bố chồng bạn trăn trối lại sau cùng, điều này là một hình thức của di chúc miệng. Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Bo chong di nguyen thua ke rieng, nhung chong khong chiu chia
Hình minh họa

Nếu di chúc miệng của bố chồng bạn được hình thành sau di chúc văn bản, và có đủ các điều kiện luật định để di chúc miệng hợp pháp theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì căn nhà là tài sản thừa kế chung của vợ chồng bạn và khi ly hôn bạn sẽ được chia đôi tài sản theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định. Nhưng trường hợp của bạn thì chúng tôi chưa thấy thông tin về việc thể hiện di nguyện miệng bằng văn bản ghi chép lại.

Vì vậy, dù chồng của bạn có hành vi ngoại tình, tức đã không chung thủy trong thời kì hôn nhân nhưng vấn đề tài sản là vấn đề tách biệt, căn nhà như bạn có nói không chắc là tài sản chung được thừa kế chung nên rất khó để có thể chia. Trừ trường hợp có nhiều người cùng chứng kiến và xác nhận di nguyện, tuy nhiên để được công nhận di nguyện đó thì cũng không đủ cơ sở về mặt thủ tục của di chúc miệng do đã quá thời hạn theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

(Luật sư điều hành Hãng Luật Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI