Du lịch y tế TP.HCM: đừng để vào đại lộ, ra bằng... ngách

20/06/2017 - 10:30

PNO - Những năm qua, lượng khách quốc tế từ các châu Âu, Mỹ, Á đến TP.HCM khám chữa bệnh tăng vọt.

Chỉ riêng tại Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP.HCM, trong khoảng hai năm nay, lượt khách đã đạt 22.000 người/năm, tăng 4.000 người/năm so với ba năm trước. Sự thay đổi này mở ra một ngách mà ngành du lịch đang tiến tới khai phá.

Hướng mở nào cho du lịch y tế?

Khoảng 2-3 giờ sáng, phía cổng BV Đại học Y dược TP.HCM đã lục tục có các xe ô tô, xe khách ra vào, mỗi xe chở 16 người, thậm chí xe lớn chở 40-50 người. Đây là những đoàn khách đến từ Campuchia và gần hơn nữa là các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đến khám bệnh. 

“Bà con tự hùn tiền rủ nhau đi khám sức khỏe, đáng tiếc là chưa thấy có sự tham gia của các công ty du lịch để khai thác tốt và thỏa mãn nhu cầu của khách” - ông Vũ Trí Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV Đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ.  

Du lich y te TP.HCM:  dùng dẻ  vào dại lọ, ra bàng... ngách
 

Tham gia tour du lịch y tế trong nước, khách hàng sẽ được lợi gì? Các công ty du lịch cũng có định hướng bước đầu rằng khi tổ chức tour dạng này, ngoài hỗ trợ người dân khám chữa bệnh, còn tổ chức tham quan kết hợp lưu trú, thưởng thức ẩm thực… Hoặc tour sẽ nhắm tới những đoàn khách có thu nhập cao thích tự chủ chương trình, muốn chi phí nhiều hơn để nhận về những trải nghiệm tốt hơn. 

14 triệu bệnh nhân di chuyển liên quốc gia để tìm dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh mỗi năm - thống kê của hãng kiểm toán Deloite.

Nói về tiềm năng của hướng du lịch này, ông Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định: "Xét về trình độ chuyên môn, đội ngũ y - bác sĩ Việt Nam hoàn toàn sánh được với các đội ngũ trên thế giới. Nhiều BV như Chợ Rẫy, Đại học Y dược TP.HCM, Từ Dũ, Hùng Vương, Pháp Việt (FV) cũng đã nhập các trang thiết bị y tế mới và sử dụng rất hiệu quả trong việc điều trị, tầm soát các bệnh tim mạch, ung bướu, thụ tinh ống nghiệm, nha khoa, thẩm mỹ… tạo được uy tín trên thế giới. Việt Nam đã nổi tiếng với việc chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho tỷ lệ thành công cao. Chúng ta cũng đang đứng thứ nhì thế giới trong top 5 nước đạt thành tựu cao về kỹ thuật châm cứu y học cổ truyền phương Đông". 

Bác sĩ Thượng cho biết thêm, không chỉ đón khách từ Lào, Campuchia như những năm 2012-2013, hiện nay đã có nhiều khách châu Âu, châu Mỹ đến khám chữa bệnh. Đặc biệt, việc thắt chặt bảo hiểm y tế tại nhiều nước phát triển cũng như chi phí khám chữa bệnh tăng cao đã khiến nhiều bệnh nhân từ quốc gia này đã “chạy” sang quốc gia khác - nơi có chất lượng tương tự nhưng chi phí thấp hơn để chữa bệnh.

Lợi thế của Việt Nam là mức giá khám chữa bệnh rẻ hơn nhiều nước khác, ví dụ chi phí mổ tim chỉ khoảng 3.000 USD/ca, bằng 1/3 so với Singapore. Do đó, theo ông, du lịch y tế là một hướng mở rất có triển vọng. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đánh giá cao tiềm năng của du lịch y tế ở các môn mà Việt Nam đã có danh tiếng sẵn như nha khoa, châm cứu, y học cổ truyền. Những bộ môn này nổi bật với chi phí thấp mà dịch vụ rất tốt. 

Đón khách, níu người nhà

Trong định hướng Sở Y tế và Sở du lịch cùng bắt tay phát triển thị trường ngách này, các bệnh viện cũng có những kế hoạch để đón tiếp đoàn khách chuyên nghiệp hơn.

Ông Vũ Trí Thanh còn cho biết: "Khi các công ty du lịch tổ chức tour, BV nhận được thông tin cũng sẽ chủ động được khâu tiếp đón khách trong việc sắp xếp đội ngũ bác sĩ và giờ giấc thăm khám. Nhờ vậy, bệnh nhân sẽ không mất thời gian xếp hàng chờ đợi, khách được phục vụ tốt và cảm thấy thoải mái hơn". 

Đại diện BV Từ Dũ phân tích thêm, BV còn vướng hành lang pháp lý về nhân thân nên việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân nước ngoài “còn khó”, khách nước ngoài đến BV này không nhiều, dưới 500 lượt/năm nhưng số khách từ các tỉnh phía Bắc, Trung, Tây nam bộ đến khám chữa bệnh lại tăng vọt. Hy vọng sắp tới những hành lang pháp lý này sẽ được điều chỉnh phù hợp để du lịch y tế thực sự hiệu quả.  

Nhiều BV cho rằng, bên cạnh thu hút khách quốc tế, ngành du lịch nên chú trọng phát triển lượng khách Việt đang bị “hút” đi nước ngoài khám chữa bệnh.  Dù đã điều trị dứt căn bệnh ung thư vú từ năm 2013, nhưng để yên tâm, mỗi năm đều đặn hai lần, chị Trần Hồng Thanh (Q.3) đều đăng ký khám và tầm soát ung thư tại một BV lớn ở Singapore, chi phí môt chuyến đi khoảng 30-50 triệu đồng/3-4 ngày.

Song chị Thanh cho biết: "Ở đây có dịch vụ tốt, có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa đầu ngành nổi tiếng về tầm soát, điều trị ung bướu. Vì vậy, dù chi phí có cao, chị cũng vui vẻ chấp nhận, miễn là được yên tâm sau tầm soát và không phải chờ đợi mệt mỏi như tại các BV của TP.HCM". Và không chỉ Singapore, Thái Lan với dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, chuyển giới hay Hàn Quốc với dịch vụ chăm sóc da, nha khoa và ung bướu cũng đang là tâm điểm của khách Việt vừa du lịch vừa khám bệnh.

Kỳ vọng như thế nào vào việc phát triển ngách du lịch y tế ở thời điểm hiện nay cũng là quá sớm. Vì bởi, du lịch là một ngành kinh tế đặc thù, không chỉ có sẵn cơ sở vật chất và con người là có thể thành công.

Vấn đề nan giải và cũng là khó khăn bấy lâu mà ngành du lịch ở Việt Nam khó đạt tới, đó là dịch vụ phải tốt hơn và có thêm những sáng tạo để du khách đến và còn quay trở lại, đồng thời sẵn sàng chi nhiều hơn cho dịch vụ mà họ trải nghiệm. Để có được điều đó, những nhà làm du lịch phải nỗ lực rất nhiều. 

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI