Ngôi trường … ma!

12/06/2014 - 07:39

PNO - PN - Người dân ở P.10, Q.6 thường gọi Trường tiểu học Phú Định cũ (Q.6, TP.HCM) là “ngôi trường ma” vì từ lâu, ba khối nhà ba tầng này bị bỏ hoang phế.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Hoang phế

Trường được thiết kế với ba khối nhà ba tầng hình chữ U, sân rộng và nhiều cây xanh, phía trước tiếp giáp đường vành đai, hai bên giáp hai con đường nội bộ, phía sau giáp với công viên - bia tưởng niệm căn cứ Hố Bần. Tại các quận nội thành TP.HCM, những trường học có không gian đẹp như vậy là không nhiều. Nhưng trường đang bị bỏ hoang, nước sơn bạc phếch, tường rào hoen rỉ. Phía ngoài tường rào, quần áo và các biển quảng cáo treo la liệt. Trong sân trường, cành lá mục phủ dày, cỏ dại bò vào đến hành lang. Vườn cây phía sau trường rậm rạp như đám rừng. Nền đất bị lún khiến các bậc tam cấp dẫn từ sân vào các hành lang đều bị sụt. Quanh trường, phần tiếp giáp giữa sân và nền móng công trình đều bị hở hàm ếch, có chỗ rộng đến 40-50cm, lòi cả đà kiềng và trụ móng...

Trước đó, vào tháng 6/2009, vì các phòng học ở dãy C hư hỏng quá nặng, có nguy cơ sụp đổ khiến phụ huynh lo lắng nên Ban giám hiệu Trường tiểu học Phú Định đã di dời khẩn cấp bốn lớp sang học nhờ tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông, lập rào chắn, không cho học sinh (HS) đến gần khu vực nguy hiểm. Năm 2010, Trường tiểu học Phú Định bỏ hoang đến nay.

Ngoi truòng … ma!

Công trình Trường tiểu học Phú Định (cũ) bị xuống cấp nghiêm trọng

Khâu nào cũng sai sót, vẫn nghiệm thu

Ngôi trường nói trên được xây dựng vào tháng 8/2003 trên khu đất rộng 6.600m2 với 26 phòng học và một số công trình phục vụ giảng dạy, học tập, kinh phí xây dựng hơn 19 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng tháng 9/2004. Theo dự tính ban đầu, Q.6 sẽ thành lập Trường tiểu học Trần Văn Kiểu tại đây, nhưng vì lúc ấy, Trường tiểu học Phú Định (tại 20 Lý Chiêu Hoàng, P.10, Q.6) phải đập đi xây lại, HS không có chỗ học, nên UBND Q.6 đã bố trí Trường tiểu học Phú Định tạm thời sử dụng cơ sở này. Thế nhưng, ngay sau khi đưa vào sử dụng, công trình đã bắt đầu lún sụt, hư hỏng.

Tháng 9/2008, theo chỉ đạo của UBND Q.6, Ban quản lý dự án Q.6 đã kiểm định hiện trạng công trình, lập hồ sơ thiết kế gia cố móng, đến cuối năm 2009 thì gia cố chống lún cho hai khối B và C của công trình. Tuy nhiên, sau sửa chữa, các hạng mục khác của công trình vẫn tiếp tục xuống cấp và hư hỏng nặng.

Tình thế buộc Sở Xây dựng phải vào cuộc. Tháng 8/2010, UBND TP.HCM có công văn 3751/UBND-ĐTMT chấp thuận cho UBND Q.6 tạm ứng ngân sách để thuê đơn vị thi công sửa chữa, tư vấn kiểm định và quan trắc toàn bộ công trình, nhằm khắc phục tất cả những khiếm khuyết. Kết quả kiểm định cho thấy: các khâu từ thiết kế, thi công, tư vấn giám sát và quản lý đều có nhiều sai sót. Hệ thống móng cọc bị lún cục bộ là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự cố công trình. Riêng khâu ép cọc, hồ sơ theo dõi có nhiều bất cập, số liệu thí nghiệm thử tải tĩnh cọc không đáng tin cậy, nhật ký công trình không hợp lý, đài cọc không đạt kích thước, cột - dầm - sàn không đạt cường độ thiết kế… Đáng nói là việc thi công và giám sát đều không đạt chất lượng nhưng chủ đầu tư vẫn ký nghiệm thu toàn bộ công trình.

Ngoi truòng … ma!

Trường được xây dựng với kinh phí hơn 19 tỷ đồng (năm 2004) từ ngân sách, bị bỏ hoang từ năm 2010 đến nay

Lại chi ngân sách!

Tại công văn 324/UBND-QLĐTXDCT gửi Sở Xây dựng và UBND TP.HCM ngày 27/1/2014, UBND Q.6 xác định trách nhiệm chính gây nên sự cố công trình thuộc về các đơn vị thiết kế (Xí nghiệp tư vấn thiết kế Bình Phú), thi công (Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong), tư vấn giám sát (Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc và xây dựng TP.HCM). Ngoài ra, còn có một phần trách nhiệm do chưa làm hết vai trò quản lý dự án của chủ đầu tư (Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.6). Chi phí khắc phục “sự cố” của công trình, theo khái toán vào khoảng 6,5 tỷ đồng, các bên sẽ chịu trách nhiệm đóng góp theo tỷ lệ: nhà thầu thi công (45%), tư vấn thiết kế (25%), tư vấn giám sát (25%), chủ đầu tư (5%).

Điều lạ là UBND Q.6 lại đề xuất một gói “Dự án duy tu, bảo trì và nâng cấp công trình từ vốn ngân sách” để chống thấm cho các sê nô, mái bê tông, cầu thang, trần thạch cao khung nhôm, bổ sung một số trang thiết bị hư hỏng, sơn lại toàn bộ công trình; phục hồi hệ thống cấp điện âm do sụt lún gây hư hỏng; kiểm tra bảo trì hệ thống cấp nước; mua sắm, lắp đặt đầy đủ thiết bị cho trường theo đúng công năng thiết kế ban đầu; trồng thêm cây xanh, bù lún sân trường…

Lập luận của quận là: “Do công trình ngưng hoạt động một thời gian khá lâu không được duy tu bảo dưỡng nên đã xuống cấp”. Nếu kế hoạch này suôn sẻ, sớm nhất đến quý III năm 2015, tức vào đầu năm học 2015- 2016, công trình mới có thể đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nguồn tin từ Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.6 cho biết, một khối nhà của công trình này sẽ phải đập bỏ vì không thể khắc phục. Vì thế, không biết đến khi nào công trình mới có thể được hoàn thiện đúng công năng thiết kế ban đầu.

Từ sự “làm dối” của các đơn vị thiết kế cho đến thi công, giám sát và quản lý, công trình hàng chục tỷ đồng của Nhà nước đã không thể sử dụng trong nhiều năm, giờ ngân sách lại tiếp tục phải chi tiền để “chống” xuống cấp! Sự việc còn khiến quyền lợi của các HS ở Q.6 bị xâm hại, Nhà nước thì thiệt đơn lẫn thiệt kép.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI