Sỏi đá cũng cần có nhau...

14/04/2015 - 11:20

PNO - PN - Ông gặp bà dịp hè năm ngoái, nhân chuyến vào Đà Nẵng thăm gia đình người em. Bà Lan hàng xóm, khá thân với em dâu ông, thỉnh thoảng sang nhà chuyện trò. Hôm ấy, khi ông đang chơi với cháu, bà sang nhà, nhỏ nhẹ bảo có vài lạng trà Bắc của người bà con biếu, nhà bà chẳng ai quen uống, nên mang sang cho ông. Chuyện trò qua lại vài câu, ông có chút vấn vương người phụ nữ đáng mến.

edf40wrjww2tblPage:Content

…Vợ chồng em trai ông không hay biết chuyện hai người “lén” cho nhau số điện thoại. Suốt thời gian dài sau đó, ông bà tiếp tục chia sẻ với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối qua điện thoại, khi ông về lại Hà Nội. Mãi đến khi hai vợ chồng em trai báo tin chuẩn bị ra Bắc dự đám giỗ lần thứ hai của vợ ông, ông mới thủng thẳng bảo: “Cô chú ra đây thì dẫn bà Lan hàng xóm ra ngoài này giúp tôi, tôi có câu chuyện muốn nói với cả nhà”.

Gia đình em trai ông khi ấy nháo nhào lên, đoán già đoán non. Em dâu quả quyết chắc là hai bác đã “có gì” với nhau. Nhưng họ bán tín bán nghi: ông vào đây chỉ vỏn vẹn một tuần, thời gian gặp bà có dăm ba buổi, nào có nhiều nhặn gì mà kịp tìm hiểu hay “nảy sinh tình cảm”? Ấy vậy mà… Ông vốn khá nghiêm khắc nên trước giờ cả gia đình đều nghe lời răm rắp. Chuyện ông nhờ hai vợ chồng em trai dẫn bà Lan ra dự đám giỗ của vợ, không ai dám chối từ.

Thế rồi, sau bữa giỗ có mặt đông đủ anh em con cái cháu chắt, ông mới điềm đạm thông báo với cả nhà: “Bà Lan thực ra không chỉ là bạn của cô chú từ Đà Nẵng ra chơi, mà còn là người mà bố đã chuyện trò qua lại bấy lâu, thấy rất tâm đầu ý hợp. Mẹ các con mất đã tròn hai năm. Xưa kia bố mẹ yêu thương nhau hết lòng, khi mẹ ngã bệnh bố đau khổ và tuyệt vọng lắm, nhưng những gì cần làm bố đã làm. Người đã mất không thể nào sống lại, các con cũng đều đã trưởng thành và có gia đình riêng, không thể ở bên cạnh chăm lo cho bố mãi. Người già như bố chẳng có đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong ngày ngày có người bên cạnh trò chuyện, cùng ăn bữa cơm nóng, cùng nhau đi dạo mỗi buổi chiều, thế là mãn nguyện rồi…”.

Soi da cung can co nhau...

Con cái ông đều biết ông từng yêu thương chăm sóc vợ rất chu đáo, khi bà mất ông đã đau khổ tưởng như quỵ ngã. Vậy mà chỉ hơn một năm sau khi vợ qua đời, ông đã “phải lòng” người khác và giờ còn đòi về ở chung với nhau. Không ai bảo ai, họ nhìn nhau rồi cùng nén tiếng thở dài, còn e ngại, liệu có phải người ấy đến với bố vì tiền?

Thế nhưng không dám cãi lời. Ông ngược vào Đà Nẵng để nói chuyện với họ hàng, con cái và thắp nén nhang cho chồng bà. Xong xuôi, ông bà cùng nhau ra Bắc, bắt đầu chuỗi ngày “góp gạo thổi cơm chung”, cũng là bắt đầu chuỗi ngày xét nét của các con. Vợ chồng cậu út ở cùng ông nên có dịp để ý nhiều nhất, còn cô cả, cô hai lấy chồng gần đó, thỉnh thoảng mới ghé qua nhà. Ai cũng ngấm ngầm chờ xem bà có chán nản, thất vọng trước cái nết khó ăn khó uống của ông, và cả những thói tật kỳ lạ của bố mà ngày xưa chỉ có mẹ họ mới chịu nổi.

Điều không ngờ, không chỉ bà chiều chuộng ông mà chính ông cũng dần thay đổi. Con dâu lỡ tay nêm thức ăn hơi mặn, ông không buông đũa buông bát hay mặt nặng mày nhẹ, chỉ nhẹ nhàng bảo lần sau nhớ chú ý hơn. Các cháu nô đùa phá phách thái quá, ông không còn cầm roi dọa đánh, mà kiên nhẫn bảo ban từng đứa một. Con trai đi làm về muộn, ông không còn bắt nó ngồi nghe “giảng giải” cả tiếng đồng hồ, mà hỏi han công việc của con có gì khúc mắc. Ông chủ động gọi điện nhắc các con cứ lo chu tất công việc rồi hãy về thăm bố.

Con cháu ông bỗng nhiên cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn trước nhiều, và họ đều thừa nhận: sự thay đổi ấy có phần công sức lớn lao của bà Lan. Bà không chỉ chăm nom từng giấc ngủ, miếng ăn, từng cái quần cái áo, mà còn nhẹ nhàng góp ý cho ông trước tất cả những thói quen, những suy nghĩ cực đoan của ông. Ông có bực bội hay nặng lời, bà cũng chỉ cười xòa chứ chẳng bao giờ để bụng. Dần dần, các con ông đều thích quây quần trong những bữa tiệc gia đình, bởi khi đó họ được thưởng thức những món ngon miền trong do bà chế biến.

Có lẽ dần dần họ đã hiểu rằng, người lớn tuổi cũng cần có “tình già”, có khát khao được yêu thương, quan tâm và chăm sóc. Mỗi dịp lễ tết hay cúng giỗ, cả ông và bà Lan lại hì hụi cùng nhau chuẩn bị cỗ bàn, cùng nhau ra mộ mẹ dọn cỏ, thắp nhang… Có lẽ, vợ ông cũng sẽ mãn nguyện nơi chín suối khi biết chồng và các con đang được sống cuộc sống như khi có bàn tay bà chăm sóc thuở xưa.

 THẢO NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI