Chàng thủ khoa “tàm tạm”

31/07/2014 - 16:33

PNO - PN - Đó là cách gọi thân thương của ba mẹ em Nguyễn Đăng Khánh (P.3, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), thủ khoa kỳ thi tuyển sinh 2014 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Bởi từ trước đến nay, Khánh tham gia vào bất kỳ cuộc thi nào, dù sau đó có...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đậu vớt lớp chuyên

Từ bé, Khánh đã đam mê những trò chơi mang tính sáng tạo. Rất nhiều robot, ô tô, đồ chơi điện tử mẹ mua về đều bị Khánh tháo rời, rồi mày mò ráp lại.

Khánh được mẹ rèn vào nền nếp học tập từ rất sớm. Chị Phương Nga - mẹ Khánh chia sẻ, những năm tiểu học Khánh không có gì nổi trội hơn các bạn. Ngược lại, cậu rất ham chơi, lúc nào cũng dán mắt vào những con robot. Mỗi ngày mẹ không quy định Khánh phải dành bao nhiêu thời gian cho việc học mà giao cho Khánh một lượng bài tập. Sau khi giải quyết xong thì Khánh được vui chơi thỏa thích. Ít lâu sau, Khánh không còn để bố mẹ nhắc nhở nữa mà luôn tự ý ngồi vào bàn học..

Năm con trai bước vào cấp II, chị Nga quyết định điều chỉnh cách học cho Khánh. Chị lân la tìm hiểu kinh nghiệm từ những bà mẹ có con học giỏi. Sau đó, chị dò bài cho con trai mỗi ngày. Thấy Khánh không thuộc bài làu làu như các bạn, chỉ học ý chính, chị tỏ ra không hài lòng và bắt Khánh học thuộc từng câu từng chữ. Nhưng con trai không thể học theo ý mẹ. Sau nhiều lần “đàm phán” không thành, lại thấy kết quả học tập của Khánh luôn đứng nhất nhì lớp nên chị đành “thỏa hiệp” với cách học của con.

Năm lớp 9, bất ngờ Khánh giành huy chương vàng kỳ thi quốc gia giải toán trên máy tính Casino-Vinacal và giải nhất môn toán trung học cơ sở. Đây cũng là huy chương vàng đầu tiên của tỉnh. Cũng trong năm ấy, Khánh thi vào lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, đạt điểm 10 các môn toán, lý và 9,5 điểm môn tiếng Anh, nhưng lại thiếu nửa điểm môn văn nên chỉ đậu “vớt”.

Khánh dí dỏm: “Chuyện em “dốt văn” cả lớp bạn nào cũng biết, còn “chơi ác” em nữa. Hôm đó cô giáo chủ nhiệm tổ chức bầu ban cán sự phụ trách môn học cho lớp. Đến môn văn, các bạn nháo nhào bầu chọn em, cô giáo không biết các bạn đang trêu nên đồng ý. Nhưng chắc nhờ “lấy độc trị độc” mà môn văn của em được cải thiện”. Về sau cô còn khen em làm văn hay, đến khi biết điểm đầu vào của em thì cô tròn mắt, lắc đầu!”.

Phương pháp học của Khánh là lập ra kế hoạch cụ thể, thời gian biểu rõ ràng và luôn giữ kỷ luật với kế hoạch đã vạch ra. Trước kỳ thi đại học, Khánh lấy các đề thi đại học những năm trước ra thi thử. Cậu canh thời gian làm bài và sau đó tự dò lại điểm của mình. Với Khánh, tự học là điều quan trọng.

Chang thu khoa “tam tam”

Khánh và mẹ trong ngày nhận huy chương vàng cuộc thi giải toán trên máy tính Casino-Vinacal lần thứ XI năm 2011

Mê lắp ráp robot

Khi Khánh vào cấp III, thương con vất vả, vợ chồng chị Nga luôn chia nhau công việc nhà, kể cả những phần việc lâu nay Khánh làm để con có thời gian học tập. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn nên vợ chồng chị Nga không dám sinh thêm. Nghe người ta bảo con một được cưng chiều dễ sinh hư, chị cũng có phần hoang mang, tuy nhiên vẫn đặt nhiều niềm tin vào con.

Khánh đã không phụ lòng mong mỏi của ba mẹ, suốt ba năm cấp III, Khánh luôn đạt thành tích học sinh giỏi. Năm lớp 10, cậu còn giành huy chương bạc môn toán cuộc thi Olympic khu vực đồng bằng sông Cửu Long và giành huy chương vàng năm lớp 11. Năm lớp 12, Khánh đoạt giải khuyến khích quốc gia môn toán.

Ngoài thi vào trường ĐH Bách khoa, Khánh còn thi vào trường ĐH Y Dược TP.HCM. Tuy nhiên, Khánh cho biết, nếu có đậu vào ngành Y, cậu cũng chọn học ngành kỹ thuật cơ - điện tử vì đó là ngành Khánh yêu thích. Chị Nga tiết lộ, Khánh vừa đi chích ngừa uốn ván về vì bị sự cố khi lắp ráp robot. Đêm đó gần 12g, đang ngon giấc, chị Nga giật mình vì tiếng kêu của con. Chị cuống cuồng chạy ra thì thấy Khánh đang ôm chặt bàn tay máu chảy ướt đẫm. Chị hốt hoảng đưa con vào bệnh viện. Thì ra trong lúc rọc giấy để lắp ráp robot mô hình, Khánh say sưa đến độ rọc cả vào tay mình một đường dài, đến khi máu túa ra mới thất thanh gọi mẹ.

Trong những ngày chờ kết quả đại học, ngày nào Khánh cũng lên mạng tìm kiếm những hình mẫu máy bay, ô tô, robot in ra giấy rồi cắt ráp thành mô hình. Ước mơ của Khánh là được vào lớp kỹ sư tài năng của trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

 LINH GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI