Hãy là bạn chơi của con

12/06/2016 - 07:13

PNO - Lúc đầu, mua đồ chơi cho con, tôi chỉ nghĩ là đáp ứng nhu cầu của con trẻ... Thế nhưng đồ chơi đã mang đến cho bố con chúng tôi nhiều hơn thế”.

Chị Thủy Tiên mua một con búp bê rất xinh về cho cô con gái nhỏ hai tuổi. Nhìn con bé chơi một mình với búp bê, loay hoay nựng nịu và trò chuyện, chị nhớ những món đồ chơi đơn sơ ngày nhỏ mình thường tự làm. Chị đi thu lượm que kem, dây bố, keo dán về làm chiếc ghế và chiếc nôi bé tí xíu. Cô con gái mắt sáng rỡ, tíu tít cho búp bê vào nôi, kể mẹ nghe những gì mình đã nói với búp bê và nhờ mẹ làm cho búp bê một căn nhà, cái bếp… Những món đồ chơi chung của chị Thủy Tiên và con gái bắt đầu như thế.

Hay la ban choi cua con
Chị Thủy Tiên đã cùng con gái tạo nên một không gian cổ tích qua những món đồ chơi

Với anh Hà Duy Dương và chị Hồng Hạnh, mọi việc lại từ những kỷ niệm thời thơ ấu. Anh Dương chia sẻ: “Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên trong khó khăn. Ba mẹ bận rộn mưu sinh, có lúc khao khát được chơi với bố mẹ, được hỏi han, chia sẻ niềm vui về những món đồ chơi có được. Nhưng chuyện đó thật khó khăn, gần như không bao giờ có. Khi có con, chúng tôi hiểu rằng không nên để con một mình với đồ chơi. Con cái luôn muốn có chúng ta bên cạnh, cùng chơi, cùng trải nghiệm, cùng quan sát”.

Chị Thủy Tiên đã cùng con gái tạo nên một không gian cổ tích nho nhỏ. Họ như hai người bạn gái có cùng những câu chuyện, thế giới tưởng tượng. Chị bảo: “Từ đam mê chung về đồ chơi, tôi nhận ra con gái mình trưởng thành rất nhiều khi được mẹ chỉ dẫn và kích thích trí sáng tạo. Cháu tự nghĩ ra những trò chơi mới, vật dụng mới cần dùng cho một cô bé - búp bê. Cháu tạo không gian sống rất ngăn nắp, đẹp đẽ cho những con búp bê của mình.

Cháu cắt cho búp bê những bộ quần áo hài hòa về màu sắc, kiểu dáng. Cháu cũng độc lập hơn khi biết mẹ không có thời gian nên vào Youtube tìm kiếm những chỉ dẫn để tự làm các phụ kiện cho búp bê mà bé thích. Cùng với con búp bê đơn giản, tôi hướng con gái mình trở thành người nội trợ đảm đang trong tương lai và cả một stylist thời trang, nghề mà tôi đang theo đuổi”.

Hay la ban choi cua con
Thế giới đồ chơi đã mang đến cho bố con anh Hà Duy Dương nhiều điều thú vị

Anh Hà Duy Dương chơi với con để giúp anh và các con gắn bó yêu thương, tin cậy và chia sẻ nhiều hơn. Có rất nhiều điều các con kể cho anh nghe, hỏi ý kiến anh trong lúc lắp ráp lego, chơi mô hình ô tô hay máy bay. Những kỹ năng sống cần thiết anh cũng dễ dàng dạy con hơn thông qua những chiếc cưa, đục, búa… mà đàn ông nào cũng phải biết. Một trong những điều anh hài lòng khi cùng chơi với con là có thể nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của con, sở thích của con.

Sự nóng nảy, thiếu kiên trì của con khi lắp một món đồ chơi mới được anh uốn nắn; sự nhường nhịn, san sẻ giữa hai anh em cũng được anh chỉ dạ y thông qua việc chơi. Tính ngăn nắp và kỷ luật cũng là điều không thể thiếu trong không gian trò chơi của ba bố con. Anh đúc kết: “Lúc đầu, mua đồ chơi cho con, tôi chỉ nghĩ là đáp ứng nhu cầu của con trẻ, cho con những gì mình không có trong tuổi thơ. Thế nhưng đồ chơi đã mang đến cho bố con chúng tôi nhiều hơn thế”.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (phụ trách khoa Giáo dục mầm non Trường Đại học Sài Gòn) phân tích: từ 2-3 tuổi, hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động với đồ vật. Trẻ cần đồ chơi để phát triển trí tuệ. Với các món đồ chơi, trẻ sẽ khám phá tính năng của chúng. Vì thế phụ huynh cần mua những món đồ chơi theo chủ đích của mình. Ví dụ các khối gỗ nhiều hình thù và khung gỗ để trẻ tìm hiểu và lắp các khối gỗ vào khuôn. Khi có bố mẹ chơi cùng, bố mẹ có thể cầm khối gỗ và nói lên màu sắc của nó. Trẻ sẽ mau chóng nhận biết màu sắc. Có sự tham gia chơi chung của bố mẹ, trí tuệ của trẻ sẽ phát triển nhanh hơn.

Với trẻ 3-5 tuổi, TS Quỳnh Dao cho biết, hoạt động lúc này của trẻ là chơi với ai trong các trò chơi phân vai. Trẻ cần có bạn chơi. Thiếu bạn chơi, trẻ sẽ không phát triển đầy đủ. Phụ huynh tham gia vào trò chơi sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng. Ngay cả khi trẻ lớn hơn, độ tuổi tiểu học chẳng hạn, có rất nhiều trẻ mê chơi game online chính vì nhu cầu giao tiếp. Ở mỗi độ tuổi, trẻ có những nhu cầu khác nhau. Cha mẹ mua đồ chơi cho trẻ cần biết mua đúng món đồ chơi và chơi với con để giúp con phát triển tâm lý, trí tuệ, kỹ năng sống.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI