Cha mẹ biết 'tàn nhẫn', con sẽ trưởng thành

09/11/2018 - 11:05

PNO - Ba mẹ thường có tâm lý chung là sợ con khổ nên thường làm thay và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu, nhưng chính điều đó dễ tạo nên tâm lý ỷ lại, lối sống hưởng thụ cho con.

Vừa gặp, chị gái tôi đã than vãn về cậu con trai út. Cháu mới nhập học một trường quân đội gần hai tháng và chị đứng ngồi không yên. Chị lo lắng môi trường huấn luyện khắc nghiệt sẽ làm thằng bé không chịu đựng nổi.

Vì khi ở nhà, con chị không hề phải động tay động chân vào bất cứ việc gì. Cơm ăn nước uống được mẹ phục vụ tận phòng. Đi học cũng được đưa đón tận cửa, cháu chỉ việc ăn và học. Ngay chuyện làm giấy tờ dự thi hay nhập học đều do chị làm thay. Vậy nên, khi nhà trường yêu cầu khai lại lý lịch, cháu gọi điện về khóc như mưa vì không biết gì cả.

Cha me biet 'tan nhan', con se truong thanh
Thay vì làm thay mọi việc cho con, ba mẹ hãy hướng dẫn con tự làm. (Ảnh minh họa)

Con chị bước vào đời lơ ngơ như một chú gà công nghiệp, bởi vậy anh chị đã chọn môi trường quân ngũ cho an tâm. Nhưng đỡ lo những cám dỗ bên ngoài lại sợ con khổ. Tôi bảo, chị cần phải “buông” con ra cho nó lớn. Cũng may, cháu vào trường sĩ quan nên sẽ được đào tạo huấn luyện chặt chẽ còn có cơ hội trưởng thành. Chứ học trường khác chị còn lo gấp bội phần.

Trường hợp như cháu tôi không phải là hiếm mà thậm chí còn phổ biến hiện nay. Nhiều bậc phụ huynh thích “úm” con vì lo sợ đủ thứ. Con học đến cấp ba vẫn đưa đón đi tận trường vì tự đi sợ xe “đụng”. Không cho tập nấu ăn vì sợ đứt tay, bỏng nước sôi, mất thời gian học bài.

Cứ như thế, những đứa con lớn lên như những đứa trẻ to xác, chẳng biết làm việc gì ngoài chuyện học. Các con hoàn toàn không có kĩ năng sống, gặp khó khăn lại phải cầu cứu ba mẹ.

Có chị đồng nghiệp của tôi, con gái lấy chồng mà chị lo sốt vó vì con vụng về chuyện bếp núc do chị chiều từ bé. Mỗi lần nhà chồng con có đám tiệc, chị phải lên thực đơn tư vấn, thậm chí đi chợ giùm. Chị cáng đáng thay con đến lúc quá mệt mỏi mới thấy hối hận vì không dạy con sớm hơn.

Nhưng tôi cũng từng chứng kiến có những bậc phụ huynh rất cứng rắn trong việc dạy con. Gia đình bạn tôi khá giả, có hai chiếc xe ô tô và người giúp việc. Nhưng hai đứa con trai vẫn hàng ngày tự đạp xe đến trường.

Cha me biet 'tan nhan', con se truong thanh
Ba mẹ đừng sợ con rơi nước mắt, đừng sợ con cực khổ, vất vả....thì con mới trưởng thành được. (Ảnh minh họa)

Về nhà, ba mẹ vẫn để con tự dọn phòng, giặt áo quần và lau dọn nhà cửa. Nhìn hai đứa không có dáng vẻ của con nhà giàu vì áo quần toàn đồ bình dân. Mùa hè, hai anh em vẫn đi kiếm việc làm thêm để kiếm tiền mua dụng cụ học tập.

Một số người đánh giá cách giáo dục con như thế là “tàn nhẫn”. Bởi cha mẹ làm ra tiền để làm gì nếu không phải lo cho con nhưng bạn tôi lại nghĩ khác, dạy con tự kiếm tiền bằng mồ hôi công sức của mình thì chúng mới biết quý trọng.  

Qua thực tế cho thấy, ba mẹ càng nuông chiều con sẽ tạo cho chúng thói quen ỷ lại, dựa dẫm, thích hưởng thụ. Con sẽ dần trở nên lười biếng, vô cảm, không biết chia sẻ. Khi trưởng thành, con không thể tự chủ trong cuộc sống, gặp khó khăn nếu không được giúp đỡ sẽ dễ dàng buông xuôi, bỏ cuộc.

Bởi thế, để cho con một hành trang vững chắc vào đời, ba mẹ phải biết “tàn nhẫn” một chút. Dù chắc chắn ai cũng cảm thấy xót con nhưng thà để con vấp ngã mà tự đứng dậy còn hơn phải đi theo lo lắng cả đời. Ba mẹ đừng sợ con rơi nước mắt, đừng sợ con cực khổ, vất vả....thì con mới trưởng thành được.

Duy Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI