Lương tháng nửa tỷ đồng, nhân sự ngành khách sạn có 'hot'?

02/06/2019 - 13:30

PNO - Nhân sự ngành khách sạn, nhà hàng được đánh giá là đang thiếu hụt, dù mức đãi ngộ, cơ hội thăng tiến khá cao. Riêng mức lương nhân sự cấp cao tại cac khách sạn 5 sao ở TP.HCM lên đến 8 số 0.

Thừa thầy thiếu thợ

Bà Tống Thị Nhị Hà - Giám đốc nhân sự khách sạn New World - tiết lộ, mức lương tại khách sạn bà đang làm việc cao nhất là 18.000 USD/tháng (tương đương 420 triệu đồng/tháng). Ở các khách sạn 5 sao khác, mức lương cũng dao động từ 10.000 - 18.000 USD (khoảng 235 triệu đồng đến 420 triệu đồng)/tháng, tùy vào quy mô và thương hiệu của khách sạn đó.

Theo bà Hà, mức lương thấp nhất ở khách sạn 5 sao là 8 triệu đồng/người. Ngoài ra, các khách sạn có nhiều phúc lợi cho nhân viên, chia thành nhiều mức khác nhau.

Luong thang nua ty dong, nhan su nganh khach san co 'hot'?
Các khách sạn 5 sao tại Q.1 có mức lương cho quản lý cấp cao lên đến 420 triệu đồng/tháng

Vị giám đốc nhân sự này cũng phân tích thêm, tỷ lệ nhân viên ngành khách sạn nghỉ việc hàng năm khoảng 30%. Như vậy, cơ hội luân chuyển công việc, thăng tiến trong mảng khách sạn là khá cao. Đáng tiếc, những người đạt được mức lương kể trên thường là tổng quản lý và cũng thường là người nước ngoài, rất ít người Việt thỏa mãn các tiêu chí ở vị trí này.

Đồng quan điểm với bà Hà, ông Tạ Quang Tùng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hướng Nghiệp Á Âu - cũng cho rằng, nhân sự trong mảng nhà hàng, khách sạn có tuổi thọ nghề cao hơn so với nhiều ngành đòi hỏi về sức khỏe và ở mỗi độ tuổi, đều có công việc phù hợp. Ngay cả mảng lễ tân cũng có khả năng phát triển, vì nhiều khách sạn chú trọng phát triển mảng tiền sảnh.

Ông Tùng nhận định, thu nhập trong mảng này có thể tịnh tiến theo thời gian và đây là ngành hấp dẫn.

Dù được đánh giá là một trong những ngành vô cùng triển vọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết mọi quốc gia; nhân sự mảng nhà hàng, khách sạn của chúng ta đang cực kỳ khan hiếm, vẫn chưa có nhiều nhân tố đủ sức đảm đương những vị trí quan trọng trong ngành.

Ông Lê Đình Gieo - Phó bộ phận dịch vụ khách hàng của ChefJob - dẫn thống kê dự báo của Tổng cục Du lịch, mỗi năm, thị trường dịch vụ nhà hàng khách sạn, F&B ở Việt Nam cần thêm 40.000 lao động, nhưng hiện tại chỉ mới đáp ứng được khoảng 15.000 người (tương đương với khoảng 37%), trong đó nhân sự chưa qua đào tạo chiếm đến 53%.

Luong thang nua ty dong, nhan su nganh khach san co 'hot'?
Nhiều học viên tại khu vực TP.HCM quan tâm đến, tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn

Trong khi đó, ông Gieo cho rằng, khách du lịch trong và ngoài nước tăng cao nên ẩm thực của các nhà hàng được chú trọng, kéo theo việc thiếu hụt nhân sự trong mảng F&B trong các nhà hàng, khách sạn. Bằng chứng là hiện có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống trên toàn quốc, trong đó có 430.000 cửa hàng lớn và nhỏ, 7.000 cửa hàng thức ăn nhanh và 22.000 cửa hàng café - quán bar, 80.000 cửa hàng có đầu tư.

Các con số trên cho thấy nhóm ngành đòi hỏi kỹ năng làm nghề như nhà hàng - khách sạn, dịch vụ ẩm thực, kỹ thuật… đang “khát” nhân sự trầm trọng, nhất là lao động có tay nghề. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đã diễn ra từ lâu và gây ra nhiều khó khăn cho ngành.

Điểm sáng từ "cửa hẹp"

Nói về một trong những nguyên nhân gây ra thiếu hụt, ôngTạ Quang Tùng bày tỏ, ngành khách sạn - nhà hàng vẫn chưa nằm trong danh mục những ngành được trọng vọng trong mắt các bạn trẻ. Theo suy nghĩ của nhiều người, làm đầu bếp, pha chế… chưa được coi là nghề nghiêm túc.

“Đội ngũ tuyển sinh của trường từng gặp nhiều trường hợp tỏ rõ thành kiến với ngành. Pha ly nước chanh hay ly cà phê cần gì phải học. Rồi ra trường thì lương thấp, việc nặng nhọc… Trong tâm trí các bạn, đây là ngành nghề không có giá trị thăng tiến”, ông Tùng phân tích.

Cũng không quá khó hiểu, bởi đây là suy nghĩ cố hữu của nhiều người, nhất là những bậc phụ huynh luôn hướng con cái đến những công việc được trọng vọng. Việc phát triển nhanh của ngành F&B và cần lượng nhân sự chất lượng cao chỉ diễn ra ở thời điểm vài năm trở lại đây.

Đó cũng là một trong những lý do mà theo ông Tùng, dẫn đến tư duy pha chế, đầu bếp chỉ là bước đệm để làm nghề khác. Do không qua đào tạo nên các bước phát triển thấp và không bền vững.

Đó cũng là lý do mà, theo ông Lê Đình Gieo, nhiều bạn theo ngành này thường nhảy việc sớm hoặc sau khi theo học một thời gian sẽ chán chường. “Học sinh và phụ huynh cần có những nhìn nhận tích cực và công bằng hơn về việc đào tạo nghề. Từ đó, mới có thể khai thông và thay đổi được tư duy cố hữu về các ngành nghề trong xã hội. Thực tế cho thấy, thị trường thay đổi mỗi giờ, ngành nghề này có thể được đánh giá cao trong lúc này, nhưng chỉ đến một năm sau, nó sẽ lùi xuống nhường chỗ cho nghề mới”, ông Gieo phân tích thêm. 

Dù vậy, trong năm 2019, đã có nhiều dấu hiệu tích cực đối với đào tạo nghề nói chung và ngành khách sạn - nhà hàng nói riêng. Theo ông Tùng, sắp tới, ngành có thể đón nhận được luồng chất xám dồi dào, mới mẻ từ các thí sinh từ chối xét tuyển đại học để lựa chọn trường nghề trong năm nay. Đây là một thành quả đáng quý, sau 1-2 năm hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh hiểu được tác dụng của định hướng nghề nghiệp và phân luồng tích cực, đặc biệt trong các đợt tuyển sinh nhiều năm qua.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI