Em có thương tui hông?

07/04/2017 - 16:37

PNO - 60 năm chung sống, không bữa cơm nào bà Triếu không tự tay lóc bỏ xương cá trước khi gắp cho chồng.

Kể về những chuyến đi, ông sôi nổi hẳn lên, thi thoảng còn nhắm mắt lại như thể đang trải nghiệm. Rồi giọng ông chuyển sang dịu dàng khi nói về cuộc hôn nhân của mình: “Đời tui đã lắm! Vì vợ tui đã lắm!”. Ông tên Nguyễn Văn Ngọc, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Em co thuong tui hong?
Vợ chồng ông Ngọc - bà Triếu

Đã thành thói quen từ nhiều năm, cứ mỗi chiều, xong ván cờ với người hàng xóm, là ông Ngọc vào nhà dìu vợ ra hiên ngồi hóng mát. Ở tuổi 85, chịu nhiều căn bệnh của tuổi già nên bà Nguyễn Thị Triếu - vợ ông, rất yếu.

Nhìn chồng lần giở cuốn album, giải thích những khoảnh khắc ghi lại từ các chuyến phượt của mình, bà móm mém: “Ngày xưa khỏe mạnh tui cũng theo ổng. Nay thì thua rồi, chỉ có thể cùng ổng ngồi trước hiên thôi”. 62 năm trước, họ gặp nhau. Ông “bị” bà cuốn hút bởi cái vẻ đằm thắm, dịu dàng của con gái Huế.

Bà cũng cảm nét phóng khoáng, phong trần của chàng trai ưa xê dịch. Kết hôn, cuộc mưu sinh đưa đẩy họ vào TP.HCM lập nghiệp. Bà quán xuyến việc nhà, ông mở tiệm giày dép làm kế sinh nhai.

Tuổi trẻ của ông in dấu những cuộc nhảy tàu theo cha đi làm ăn; nên cái lạ lẫm, thú vị ở những nơi từng đặt chân đến đã hình thành trong ông nỗi đam mê được khám phá các vùng đất mới. Hôn nhân không làm ông vướng chân mà ngược lại, từ ấy bà Triếu đã thành bạn đồng hành cùng ông.

Mỗi năm vài bận, bằng chiếc xe đạp, ông Ngọc đèo vợ khắp các con đường Sài thành, bươn ra các tỉnh miền Tây rồi Nam Trung bộ. Mười một người con lần lượt chào đời, gánh nặng áo cơm không cho phép ông bà xê dịch nữa, đành gác lại đam mê, tự hẹn nhau một ngày nào đó sẽ “tái xuất”.

Mãi cho đến năm 2000, các con lần lượt ổn định, có gia đình riêng, ông Ngọc dành dụm mua được chiếc Cub 78 về “gia cố” lại, rủ vợ cùng phượt thì lại đến lúc bà Triếu… chịu thua. “Cũng cùng nhau “bước vào” hành trình nuôi dạy con nhưng khi ổn thỏa, rảnh rang, “bước ra” để hâm nóng lại đam mê thì sức khỏe của vợ tui không còn. Tui thương vợ nhiều lắm, vì tui mà bà ấy thiệt thòi”.

Không có vợ sau lưng, ông Ngọc bảo, những chuyến đi cứ chênh chao, mà phải rất lâu mới quen được cảm giác hụt hẫng, thiêu thiếu. Để bù đắp, đi đến đâu là ông gọi ngay về cho vợ, tường tận kể từng địa danh, từng con người mới gặp... “Đó cũng một cách để vợ không lo lắng cho tui. Thương yêu phải là hạn chế việc làm cho người mình yêu thương lo lắng cho mình” - ông lý giải. “Mà cách ba gọi về cho mẹ thích lắm, cứ như tình nhân gọi nhau. 

Ví dụ, ba nhẹ nhàng: “Em khỏe không, ráng giữ sức khỏe, vài bữa nữa anh về kể lại mấy chỗ anh vừa qua cho em nghe!” - chị Thu Hương, con gái đầu của ông bà nói - “Ngoài anh/em, cả đời tui chưa từng nghe ba mẹ xưng hô với nhau bằng cách khác; cũng chẳng bao giờ cãi nhau quá… năm phút”.

Ngượng ngùng trước chia sẻ của con, ông Ngọc bào chữa: “Không có bí quyết gì đâu, tại vợ tui… nữ tính lắm!”. Cái nữ tính của bà còn thể hiện qua việc, cứ vợ chồng cãi nhau là bà… bật khóc ngon lành: “Bà ấy khóc theo kiểu hờn dỗi do bị chồng mắng chứ không phải vì yếu lý hay thấy mình oan ức, tức tưởi.

Nhìn đôi mắt trong veo rớm nước mắt của bà ấy, tui giận mấy cũng phải mềm lòng mà dỗ ngọt thôi”. Bà Triếu bộc bạch, lúc vợ chồng gây nhau, làm vợ thì không nên hơn thua, hãy cho phép mình biến thành đứa trẻ bị “người lớn” ăn hiếp.

Em co thuong tui hong?
 

Tuy nhiên, trong những tình huống cần mạnh mẽ, người vợ phải là người quyết định. Mà, mọi quyết định của bà có chăng cũng vì chồng vì con. Ngần ấy năm chung sống, không bữa cơm nào bà Triếu không tự tay lóc bỏ xương cá trước khi gắp cho chồng. Khi sức khỏe vợ suy giảm, ông Ngọc “xin” bà nhường nhiệm vụ đó cho mình nhưng bà gạt đi: “Em có mệt thì cũng không đến mức không lóc xương được cho anh”.

Đã vậy, bà còn xé vụn từng miếng thịt để chồng dễ nuốt. Tất cả những gì có thể làm được, bà đều không để chồng động tay. Ngay từ khi mới chung sống, bà đã quán triệt: “Anh kiếm tiền nuôi cả nhà đủ mệt rồi. Em không đi làm nên chuyện gì thuộc về “hậu phương” anh cứ để em lo”. Ngẫm lại cuộc hôn nhân, ông Ngọc triết lý: “Trong tình cảm, nhiều khi phải “ẩn” mình một chút mới lâu dài. Cái tôi cứ “ngoi lên” thì khó mà hạnh phúc”.

Ở tuổi 87, ông Ngọc tự hào không tỉnh thành nào trên dải đất hình chữ S này mà ông chưa thăm thú. Từ năm 2000, mỗi năm vài chuyến, hễ dành dụm đủ tiền là ông lên đường. Biết đó là đam mê của chồng nên dù các con ngăn cản, lo cho sức khỏe của cha, nhưng bà vẫn ủng hộ ông: “Ba bây thấy đi được thì cứ để ông ấy đi. Cản trở sẽ như trói chân tay người khác, họ thở không nổi đâu, chỉ thấy mệt thêm, còn mệt lây cho người khác. Bây chỉ cần xem ba cần gì thì hỗ trợ thôi”.

Nghe lời mẹ, chiếc Cub 78 của ông Ngọc được các con hóa thành chiếc “siêu xe”: gắn thêm bộ đề, thêm phanh, thêm đèn, có cả la bàn và chiếc đồng hồ vừa tầm mắt người điều khiển xe… Trước ngày chồng lên đường, bà Triếu luôn chú ý chia nhỏ những khoản tiền để ông cất vào nhiều ngăn túi được bà may sẵn ở mặt trong chiếc áo khoác của ông; dặn dò đâu là lọ thuốc cảm, thuốc tiêu chảy, thuốc ho…

Cuối năm 2016, ông Ngọc thực hiện một chuyến phượt nhớ đời, từ TP.HCM ra Hà Nội. Chuyến đi thành công khiến cộng đồng phượt vinh danh ông là “siêu phượt thủ”. Ít ai nghĩ, phía sau cung đường nối liền Tổ quốc của ông, luôn có người vợ dõi theo, động viên.

Ngày ông chuẩn bị cho chuyến đi, bà gom tiền mua tặng ông chiếc điện thoại thông minh, có kết nối internet. Ngoài việc giúp ông định vị mỗi nơi đi qua, nó còn giúp ông “kết nối” trực tiếp với gia đình; để bà được nhìn thấy ông trên đường xa vạn dặm.

Mỗi đêm, “trực tuyến” cùng chồng, bà chỉ yên lòng khi ông cho xem chỗ ngủ đủ an toàn, tươm tất. Còn ông, phải hỏi được câu hơn sáu chục năm qua vẫn hỏi: “Em có thương tui không?”, thấy bà bẽn lẽn gật đầu ông mới mỉm cười đi vào giấc ngủ… Chị Thu Hương kết luận: “Cách ứng xử của ba mẹ bao năm qua như bài học và bóng râm dịu mát, để mỗi chúng tôi biết tự nhắc nhở nhau giữ gìn hạnh phúc, soi chiếu vào cuộc hôn nhân của ba mẹ mà noi theo”.

Yên Lan

YÊN LAN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI