Ngư dân Trị Thiên nỗ lực bám biển

23/06/2014 - 21:14

PNO - PNO - Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, rất nhiều tàu cá của tỉnh Quảng Trị khi ra khơi đánh bắt hải sản đã bị các tàu của Trung Quốc uy hiếp, cắt lưới gây thiệt hại nặng nề.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm, nhưng ngư dân tỉnh Quảng Trị. Thừa Thiên - Huế vẫn kiên cường bám biển, vừa mưu sinh, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Kiên trì bám biển

Sau 12 ngày ra khơi đánh bắt hải sản trở về, tàu QT 90709 TS của ông Bùi Đình Thủy ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị chỉ thu được hơn 5 tạ cá. Ông Thủy tâm sự, thông thường, mỗi chuyến biển, các tàu đánh bắt ở ngư trường khoảng 5 đến 6 ngày. Thế nhưng, lần này mới đánh cá được 2 ngày, tàu của ông đã bị tàu Trung Quốc tấn công, cắt 8 tay lưới, song các ngư dân vẫn kiên trì bám biển.

Ngu dan Tri Thien no luc bam bien
Ngư dân Quảng Trị kiên trì bám biển

Tàu QT 91499 TS của ông Hồ Quốc Nguyên, khi đang khai thác hải sản ở vùng biển của Việt Nam, cách vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép khoảng 60 hải lý về phía Bắc thì bị tàu Trung Quốc đến vây ráp, uy hiếp và cắt đứt 9 tay lưới, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Ông Hồ Quốc Nguyên, Chủ tàu QT 91499 TS kể: “Khoảng 18g ngày 26/5, khi chúng tôi đánh cá thì tàu Trung Quốc đi sát, phá lưới của chúng tôi. 2g ngày 27/5, chúng tôi kéo lưới lên thì thấy đã bị phá hết”.

Hiện đã có 7 tàu công suất lớn của ngư dân tỉnh Quảng Trị bị tàu của Trung Quốc tấn công khi đang đánh bắt ở ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa, thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã kịp thời thăm hỏi, động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Đóng mới tàu vươn khơi xa

Hơn nửa tháng qua, các công nhân tại Công ty đóng tàu An Thuận, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) tỉnh Thừa Thiên-Huế phải làm việc cả thời gian ban đêm để kịp tiến độ bàn giao tàu cá mới cho các chủ tàu ra khơi trong tình hình “biển Đông dậy sóng”.

Đứng bên chiếc tàu cá còn thơm mùi sơn mới mang số hiệu TTH-95003, ngư dân Nguyễn Văn Bình (thị trấn Thuận An) cho biết: “Hơn 10 năm bám biển mưu sinh, trong đó không ít lần tàu cá của mình ra ngư trường Hoàng Sa để cùng ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đánh bắt hải sản an toàn. Giờ tàu Trung Quốc lại ngang ngược cướp bóc, đâm va tàu của ngư dân miền Trung ngay trên ngư trường truyền thống nên bà con ngư dân ai cũng căm phẫn. Mới đây, được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn nên vợ chồng tui quyết định đóng mới chiếc tàu công suất trên 400 mã lực này. Chỉ ít hôm nữa thôi, tàu cá của gia đình tui sẽ ra khơi, phối hợp với các tổ tàu đoàn kết khác để đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng sa...”.

Ngu dan Tri Thien no luc bam bien
Ngư dân Thuận An trở về sau chuyến đi biển dài ngày

Ngu dan Tri Thien no luc bam bien

Hiện nhiều ngư dân trên địa bàn xã Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang); Hải Dương (TX Hương Trà)... cùng chung quyết tâm bám biển Hoàng Sa để bảo vệ ngư trường truyền thống. Sau những chuyến biển dài ngày, tàu cá của ngư dân lại tập trung về bãi đà ở thị trấn Thuận An để gia cố lại tàu thuyền. Đặc biệt, nhiều chủ tàu đã nâng công suất máy tàu từ 150-200CV lên 350 hoặc 400CV.

Nhìn cảnh anh em công nhân nỗ lực làm việc giữa trời nắng nóng để kịp bàn giao tàu cá cho ngư dân, ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc công ty TNHH tàu thuyền An Thuận nói: “Bà con ngư dân ở các địa phương đang đặt hàng đóng mới nhiều tàu cá có công suất lớn. Đây thật sự là tín hiệu vui khi chúng tôi vừa giải quyết được công ăn việc làm cho anh em công nhân, qua đó góp phần cùng ngư dân bám biển, bảo vệ ngư trường truyền,chủ quyền biển đảo VN”.

Ngu dan Tri Thien no luc bam bien
Nhiều ngư dân đóng tàu mới, công suất lớn để vươn khơi xa

Trong khi đó, hơn 2 tuần qua, nhiều tàu cá công suất lớn vừa được đóng mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã được hạ thủy và thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa. Vừa cho tàu cập cảng Thừa Thiên- Huế sau chuyến ra khơi đầu tiên ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Ngô Đoàn (38 tuổi, ở thôn Hải Bình, Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), chủ tàu cá TTH-95032 không giấu được sự xúc động: “Chiếc tàu cá này được đóng mới với công suất 550CV, hạ thủy vào giữa tháng 5 vừa rồi. Ngay sau khi ra biển, mình cùng 9 anh em ngư dân trong thôn đã cho tàu hướng ra ngư trường Hoàng Sa để khai thác thủy sản. Có ra gần khu vực “điểm nóng” và tận mắt thấy tàu Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật gần khu vực giàn khoan Hải Dương-981 ngư dân mình cũng yên tâm thả lưới đánh bắt hải sản hơn”.

Anh Đoàn còn cho biết, trong chuyến ra khơi Hoàng Sa đầu tiên này, tàu anh đánh bắt được gần 20 tấn hải sản các loại gồm cá ngừ, thu, nục chuối, cá chim… “Mình cho anh em trên tàu nghỉ sức ít bữa, sau khi tiếp đủ nhiên liệu, tàu mình sẽ lại ra biển Hoàng Sa đánh bắt!”, anh Đoàn nói.

Bài và ảnh: THUẬN HÓA
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI