Nếu không có ngoại…

29/07/2014 - 19:25

PNO - PN - 68 tuổi, ba đứa cháu đang tuổi ăn học, bà Ngô Thị Lành (tổ 6A, khu phố 4, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) từng đối mặt với bao biến cố.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mười năm trước, chị Lê Thị Quỳnh Trang, con gái đầu của bà ly hôn. Một mình ôm ba đứa con, tiền lương công nhân ở công ty giày da không đủ trang trải, chị phải dựa vào mẹ. Hai người phụ nữ và ba đứa trẻ nương tựa nhau. 5 năm sau, cuộc sống túng quẫn, chị Trang nghe lời rủ rê, trót dại sa vào đường dây mua bán ma túy. Chị bị bắt quả tang, lãnh án sáu năm tù. Hôm công an về nhà đọc lệnh bắt, bà Lành bàng hoàng chết lặng. Lúc ấy, Quỳnh An - đứa con lớn của chị Trang vừa trúng tuyển đại học, con trai Thanh Thương vừa vào lớp 6, còn bé Thanh Thùy vừa vào lớp 1. “Khi nghe tin, tôi bần thần ngồi bệt dưới đất. Đầu tiên tôi nghĩ tới con An, đường học như đóng sầm trước mặt, không biết lấy gì để nó học tiếp”, bà kể. Giữa lúc đang rối bời, bao nhiêu người ghé thăm động viên, khuyên An thôi học về đi làm, rồi gửi bớt một đứa nhỏ về bên nội. Nghe người ta tính, “con An giờ đi làm công nhân thì cũng được bốn triệu/tháng”, bà kiên quyết gạt đi. Trước mặt cháu, bà ra vẻ rắn rỏi: “Con rớt thì sao cũng được, nhưng đã đậu thì phải học”. Nghe lời ngoại, An ôm sách vở, quần áo quay lên Sài Gòn.

Mặc kệ người ta trách mình ôm đồm nên phải chịu khổ, bà quyết tâm tự lo, vì biết bên thông gia cũng nghèo khó, không thể kham nổi chuyện học hành cho cháu. Được xóm giềng tin tưởng, bà nhận giữ bốn đứa trẻ gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng, bà ghi từng khoản thu chi rõ ràng trong một cuốn sổ để tiện theo dõi. Mỗi lần nghe cháu báo tiền học là mỗi lần mất ngủ, nhưng bà luôn làm ra vẻ lạc quan. Có khi giật mình thức giấc giữa đêm, nhìn hai đứa cháu nhỏ đang hồn nhiên say ngủ rồi nghĩ tới bao nhiêu lời ong tiếng ve đang vây bủa gia đình, bà rơi nước mắt. Nhưng, hết đêm, bà lại vào vai một người bà… quyền lực, nhắc đứa này ăn cơm, kiểm tra đứa khác soạn sách vở tới trường.

Neu khong co ngoai…

Bà ngoại và hai cô cháu gái

Chăm lo việc học hành, rèn luyện tính cách cho các cháu là cả một câu chuyện dài của người phụ nữ đã ngoài 60. Để gần gũi với đứa cháu trai đang tuổi lớn, bà phải lân la “kết bạn” với bạn bè của cháu. Lâu lâu, bà lại gọi điện cho cậu bạn lớp trưởng, hỏi đón đầu: “Mấy nay thằng Thương có nghỉ học không con?”. Mỗi khi tâm sự với các cháu về hoàn cảnh gia đình, bà không quên khẳng định, “riêng tiền học thì không bao giờ thiếu”. Mỗi lần Thương hay Thùy được cô giáo khen, bà đều tìm cách thưởng.

Từ ngày An đi học đại học, việc phụ bà giữ trẻ chia đều cho Thanh Thương và Thanh Thùy. Theo bà, một mình bà vẫn lo liệu được, nhưng cứ phải “phân công” để rèn tính siêng năng cho bọn trẻ. Có bữa, đang phụ bà ru em thì bạn bè tới rủ đi chơi, Thanh Thương từ chối, ở nhà giúp bà. 17 tuổi, đã ra dáng thanh niên, vậy mà chỉ cần bà ra lệnh “vô ngủ trưa” là Thương ngoan ngoãn đứng dậy đi vô phòng. Với cháu gái, bà bảo, ai cũng cần phải đẹp đẽ, tươm tất, nhưng mình nghèo, chỉ lo được miếng cơm, cây bút, chưa lo nổi cái áo cái quần nên các cháu phải chấp nhận. Chí lý thế, nên hai cháu răm rắp nghe theo. Thế nhưng, mỗi lần thấy Quỳnh An hớn hở ôm mớ quần áo cũ được bạn bè tặng về khoe, bà rớt nước mắt. Dặn cháu đừng chú trọng hình thức, nhưng thấy An khoác cái áo ngắn cũn cỡn, bà âm thầm nhắn dì của các cháu, nhờ mua giúp.

Chị Quỳnh Trang vừa được ân xá trong dịp 30/4 vừa rồi, về nhà mở quán nước, chăm chỉ làm việc từ sáng sớm đến tận đêm. Đứa cháu đầu tiên sau bốn năm đại học với bao phen định bỏ dở đã ra trường, xin được một công việc tốt. Gọi điện về báo tin mình được tuyển, An nghẹn ngào nói với ngoại: “Không có ngoại, con đã không có ngày hôm nay”. Mừng đến quýnh quáng vì cháu có việc làm, nhưng bà thật thà, “điều làm tôi vui đến mất ngủ chính là câu nói đó của cháu”.

 Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI