edf40wrjww2tblPage:Content
Phóng viên vừa nhận kết quả siêu âm từ cô tiếp tân
Ăn cắp giờ công trắng trợn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, BS P.T.B.N. được Sở Y tế TP.HCM cấp chứng chỉ hành nghề chuyên về chẩn đoán hình ảnh; thời gian hoạt động tại phòng mạch từ thứ Hai đến thứ Sáu vào các khoảng thời gian từ 6g-7g30, 11g30-13g, 17g-19g. Tương tự, BS T.Đ.T. được cấp chứng chỉ hành nghề chẩn đoán hình ảnh, khám bệnh tại phòng mạch từ thứ Hai đến thứ Sáu vào lúc 6g-7g30, 12g-13g, 17g-20g.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, ngày 25/6, chúng tôi đến khám bệnh tại phòng Siêu âm ung bướu số 46 Nguyễn Huy Lượng, Q.Bình Thạnh do BS T.Đ.T. và BS C., chuyên khoa chẩn đoán hình tại BV Ung Bướu phụ trách. Căn phòng ẩm thấp, chật hẹp, nằm sâu phía trong một ngôi nhà. Từ sáng sớm, BN đã đông nghẹt, không còn ghế ngồi chờ. Số BN luôn dao động trên 50 người. Phòng mạch có bốn phòng siêu âm nhưng chỉ phòng số 3 sáng đèn, ba phòng còn lại tối om.
Chị Đ.T.D. (42 tuổi, quê Phú Yên) đến siêu âm bướu cổ lúc 6g sáng và đang chờ kết quả xét nghiệm, cho biết: “BS T. ngồi ở phòng số 1, còn BS C. ở phòng số 2”. Chúng tôi đăng ký khám bệnh BS T. hoặc BS C., cô tiếp tân hỏi: “Khám hay siêu âm? Ở đây chỉ siêu âm chứ không khám bệnh. Muốn gặp BS T. thì phải chờ đến 15g30. BS C. về sau đó”.
15g10 chúng tôi quay lại và được chị D. giục giã: “BS T. vẫn siêu âm cho BN từ nãy đến giờ”. Chúng tôi vờ trách cô tiếp tân về việc thông báo không chính xác về giờ làm việc của BS, cô tỏ vẻ khó chịu: “BS mới về”. Cô này yêu cầu chúng tôi đóng 150.000đ và chờ gọi tên vào phòng số 1. Đến lúc được siêu âm, chúng tôi hỏi BS T. thường khám lúc mấy giờ thì được trả lời “ra hỏi tiếp tân”. Cô tiếp tân cho biết: “16g30 BS trong BV mới được ra, BS T. ra 15g30”.
Trước đó, vào lúc 5g sáng ngày 10/6, tại phòng Siêu âm ung bướu số 18 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh do BS P.T.B.N. đứng tên, chúng tôi thấy BN tấp nập vào ra. Đến 8g, chúng tôi vào phòng khám thì thấy khoảng mươi người bệnh đang ngồi đợi. Chúng tôi đăng ký siêu âm, cô tiếp tân cho biết: “Ở đây chỉ có BS N. chứ không có BS nào khác” rồi hẹn chúng tôi 10g30 trở lại. Nói xong, cô quay sang nhắc những BN khác đi đâu đó chứ không nên tụ tập. Giá siêu âm ở đây như sau: kiểm tra tổng quát 350.000đ, kiểm tra siêu âm 200.000đ. Muốn làm xét nghiệm thì có người lấy máu làm trước.
8g ngày 15/6, chúng tôi trở lại phòng mạch BS N. lần nữa. Thấy chúng tôi “tám chuyện”, cô tiếp tân bước ra hỏi: “Đã đăng ký chưa? Sao không vô đăng ký và đóng tiền đi! 10g30 quay lại BS khám cho”. Khi chúng tôi hỏi: “11g30 BS N. có mặt phải không?”. Cô tiếp tân khó chịu: “Đã nói 10g30. Không bao giờ em dặn BN là 11g30 cả”. Sau khi đóng 200.000đ để siêu âm, cô tiếp tân nhắc nhở các BN: “Mấy anh chị đi đâu chơi đi. 10g30 mới có BS”. Đúng 10g35, BS N. xuất hiện và một cô phụ tá mặc áo thun đỏ bắt đầu gọi tên BN vào phòng siêu âm.
BS N. tư vấn sau khi khám bệnh xong cho phóng viên
“Cò” lộng hành, BS siêu âm “bao” khám bệnh
Nếu như ở phòng mạch BS T. chủ yếu do BS trong BV Ung Bướu chỉ định qua siêu âm thì tại phòng siêu âm của BS N., “cò” ngang nhiên dẫn BN từ BV Ung Bướu sang. Trong lúc BS N. đang siêu âm bên trong thì một người đàn ông mặc áo sơ mi màu vàng, tay cầm điện thoại, dẫn một phụ nữ vào gặp cô tiếp tân. Chị T., BN mới được “cò” đưa sang, cự nự: “Tưởng đưa nhanh vào BV, chứ sao đưa qua đây vậy trời. Mục đích tui lên đây là khám ở BV Ung Bướu cho chính xác, chứ biết vậy khám ở Cần Thơ, thiếu gì máy móc”.
Nghe vậy, “cò” cao giọng: “Có khám không? BS này ở BV, người ta làm liền”. Nhìn lên chứng chỉ hành nghề dán trước phòng khám, chị T. quay sang hỏi từng người một: “Anh khám ở đây lần nào chưa? Chị khám lần nào chưa chị?”. Một BN hỏi chị T.: “Em đưa "cò" bao nhiêu?”. Chị T. trả lời: “Ổng đòi 200.000đ”.
Một BN khác than: “Đi từ 4g sáng, tới Sài Gòn 6g, tôi vô BV bốc được số 187. BS hẹn 8g sáng mai mới tới lượt siêu âm. Đang chưa biết làm sao thì ông “cò” mặc áo vàng đứng trước cổng BV dẫn tôi sang đây. Tôi chỉ trả cho “cò” 50.000đ, chứ nhiều người trả 100.000 - 200.000đ. Sáng giờ ông dắt bệnh lia lịa, chắc ngày phải kiếm được vài triệu chứ chẳng ít”.
Không chỉ ăn cắp giờ công, BS N. còn hoạt động vượt phạm vi cho phép khi kê toa cho BN H.T.L.T. sau khi chẩn đoán “tình trạng cường giáp”.
Kết quả siêu âm cổ của chúng tôi ở phòng khám BS N. và phòng khám chỗ BS T. là khác nhau. BS N. kết luận “siêu âm vùng cổ chưa thấy bất thường”, còn BS T. lại kết luận “phình giáp hạt thùy phải (nhỏ), kích thước 16x40x9mm, hạch cổ hai bên dạng hạch viêm”. Ngay sau đó, chúng tôi tìm đến một cơ sở thứ ba để siêu âm lần nữa thì BS kết luận: “Giữa thùy có nhân nhưng không bị phình giáp”.
Khi nhận được thông tin từ chúng tôi, BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM lập tức có buổi làm việc với BS T. và BS N., yêu cầu hai BS này giải trình. BS Dũng cho biết: Hai BS này đều nhận sai phạm. Tuy nhiên, họ cho biết những ngày họ ăn cắp giờ công là vì có một số BS quen gửi bệnh, rồi BN quen nên ra phòng mạch sớm. Dù vậy, theo chúng tôi, có rất nhiều BN lần đầu đến khám các phòng mạch này nên nói “BN quen, BS gửi” là không trung thực!
BS Dũng cũng khẳng định, đã là viên chức nhà nước thì phải tuân thủ đúng giờ làm việc quy định, nhất là vào những giờ cao điểm, khi BV quá tải. Việc một số BS không tuân thủ giờ giấc sẽ khiến đồng nghiệp bức xúc. “BV sẽ cho dán giờ BS làm việc ở các phòng siêu âm để BN biết và báo về đường dây nóng”.
Khi phóng viên đặt vấn đề là hiện mỗi ngày, BV Ung Bướu tiếp nhận khoảng 1.600 - 1.700 người đến khám diện BHYT, trong đó rất nhiều người cần phải siêu âm, tại sao BV không trang bị đủ máy để nhiều BN dù đến từ rất sớm nhưng vẫn bị hẹn sang hôm sau? Phải chăng đây là cách để BV tạo điều kiện cho BS ra ngoài phòng mạch sớm? BS Dũng cho biết: hiện BV có tám máy siêu âm nhưng một máy bị hư, ba máy “chập chờn” nên làm chậm tiến độ, trong khi kết quả đấu thầu của Sở chưa có kết quả.
Cách giải thích trên chưa thuyết phục. Với tốc độ BV quy định cho mỗi máy siêu âm là 110 ca/ngày (60 ca buổi sáng và 50 ca buổi chiều) thì với bốn máy còn chạy tốt (không kể ba máy “chập chờn”), mỗi ngày sẽ phục vụ khoảng 440 ca. Vậy tại sao BN bốc số 187 vào lúc 8g sáng vẫn phải đợi đến ngày hôm sau, trong khi BS lấy giờ công đi làm việc tư?
NHÓM PHÓNG VIÊN CT-XH
Việc một BS được cấp chứng chỉ hành nghề là chẩn đoán hình ảnh nhưng lại hoạt động vượt quá chuyên môn như: kê toa, khám bệnh... có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điều 28 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 6 - 12 tháng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật… mà còn vi phạm, với khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Với việc công chức ăn cắp giờ công, sẽ dẫn tới tình trạng làm việc không hiệu quả tại cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hiện pháp luật không có quy định xử phạt hành vi trên mà có thể được quy định trong nội quy, quy chế làm việc của cơ quan. Người ăn cắp giờ công có thể bị xử lý kỷ luật dưới hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) |