Bún tươi, bánh phở chứa chất độc: Biết độc hại vẫn bán!

24/07/2013 - 11:37

PNO - PN - 100% số lượng mẫu bánh ướt, bánh canh và bánh hỏi khảo sát có chứa chất làm trắng huỳnh quang tinopal. Bên cạnh đó, nhiều mẫu bún tươi cũng chứa chất độc này.

Một ngày sau khi Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (CESCON, Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) công bố thông tin cảnh báo trên, ghi nhận tại các chợ trên địa bàn TP.HCM ngày 23/7 cho thấy, sức tiêu thụ các mặt hàng bún, bánh này vẫn không hề giảm, nhiều điểm bán đến 200 - 300kg/ngày. Khảo sát các điểm bán bún, bánh phở, bánh canh tại các chợ Gò Vấp, Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Vườn Chuối... nơi nào cũng gắn bảng in chữ “Bún Thủ Đức”, “Bún lá Hà Nội”... nhưng nhìn trên quầy hàng, toàn bộ bún, bánh canh, bánh phở, bánh ướt đều được đựng trong rổ tre, rổ nhựa, bao ni lông ở dạng hàng xá, không nhãn mác, giá dao động từ 10.000 - 20.000đ/kg.

Khi được hỏi nguồn gốc hàng, phần lớn người bán đều trả lời “bún Thủ Đức”, nhưng thực chất mỗi sạp lấy hàng từ nhiều cơ sở sản xuất ở khắp các quận trên địa bàn thành phố. Chị Lý bán các loại bún, bánh canh, bánh phở ở chợ Căn cứ 26A (Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp) cho biết, chỉ cần đến cơ sở xem qua một lần, những lần sau gọi điện, họ sẽ mang hàng tới. “Phần lớn người mua chuộng bún theo hình thức phải trắng, dai, không hôi chua; còn hàng đóng gói sẵn hoặc loại bún có màu hơi đục, cọng dễ gãy chỉ để đến trưa là nát nhừ, bốc mùi thiu chua nên khách chê”, chị Lý nói. Nhiều tiểu thương khẳng định loại bún, bánh “để qua ngày cũng không hư” là có hóa chất, nhưng không biết hóa chất gì. Phía người mua, phần lớn thường chọn “chỗ quen” cho an toàn, nhưng thực tế thì hầu hết người bán cho rằng “bán theo thị hiếu người mua, loại nào bán chạy thì lấy bán”.

Bun tuoi, banh pho chua chat doc: Biet doc hai van ban!

Bún, bánh phở, bánh canh... các loại phần lớn là hàng xá không nhãn mác

Không ít bà nội trợ mua bún, bánh phở khô (khi dùng phải luộc lên cho mềm) cho đảm bảo, nhưng phần lớn cũng lại là hàng xá không nhãn mác. Nhiều loại đóng gói hẳn hoi, nhưng chỉ ghi chung chung: “Bánh phở Bắc”, “Bánh phở Ông Lễ”, “Bún Bắc”...

Trong vai chủ một quán bún, phở đang tìm nguồn cung cấp hàng, chúng tôi đến cơ sở sản xuất bún T.D., gần chợ Cầu, Q.12. Chủ cơ sở không có mặt, nhưng theo lời người làm công, khách có nhu cầu mua bao nhiêu cũng có, giao hàng tận nơi, bán không hết có thể đổi lại bún mới... Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều lò bún đều có “dịch vụ” này.

Tại một cơ sở sản xuất bún, bánh phở trên đường TL41, P.Thạnh Lộc, Q.12, bà L.A., chủ cơ sở, tỏ ra khá kén chọn khách hàng khi khẳng định chủ yếu cung cấp cho khối bếp ăn công nghiệp, công ty hoặc quán ăn. Theo giải thích của bà L.A., tiểu thương các chợ thường lấy nhiều, nhưng có lúc họ trả hàng lại khá nhiều, mất công “xử lý”. Chủ lò bún này khẳng định chỉ bán bún sạch, bún của lò bán ra chỉ để được trong ngày chứ không để qua ngày hôm sau. “Bún có sử dụng hóa chất tẩy trắng hay chống mốc có thể để được hai-ba ngày”, bà L.A. cho biết.

Ông Đỗ Ngọc Chính - Phó Giám đốc CESCON cho biết, các hợp chất tinopal được dùng trong sản xuất bún với mục đích cải thiện độ bóng bề mặt sợi bún. Thực tế, các chất làm sáng này không làm cho bún trắng hơn mà chỉ tạo cảm giác thấy sáng và trắng hơn để hấp dẫn người mua. Điều đáng lo là tinopal gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ông Chính đề nghị các cơ quan hữu trách cần phải có giải pháp kịp thời để ngăn chặn việc dùng hóa chất độc hại để chế biến thực phẩm.

Theo các nhà chuyên môn, chất tinopal làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt, tinopal có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn. Nếu ăn bún chứa chất tinopal lâu dài sẽ gây suy gan, thận, ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) thì các chất làm trắng quang học ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của con người.

 Nguyễn Cẩm - Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI