Sao lại gọi tân Hoa hậu hoàn vũ VN là 'nhan sắc da màu đầu tiên'?

08/01/2018 - 06:51

PNO - Sau khi H’Hen Niê đăng quang ngôi vị cao nhất, fanpage cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV) Việt Nam đã gửi lời chúc mừng đến cô, trong đó có đoạn nhấn mạnh 'nhan sắc da màu đầu tiên'.

Chia sẻ này, ngay lập tức, gặp phải nhiều chỉ trích và phản đối.

Có thể suy đoán rằng người quản lý fanpage muốn nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 khi lần đầu tiên chiếc vương miện từ một cuộc thi nhan sắc lớn được trao cho cô gái dân tộc Ê-đê. Tuy nhiên, sự thiếu nhạy bén, thiếu kiến thức và rập khuôn các cuộc thi sắc đẹp nước ngoài đã khiến lời chúc mừng trở nên hết sức lố bịch.

Một người phản hồi: “Gọi H’Hen Niê là hoa hậu da màu hay dân tộc đều phản ảnh sự kỳ thị vô hình đã ăn sâu và bám rễ vào tiềm thức và quy chuẩn về cái đẹp của đa số người Việt”.

Sao lai goi tan Hoa hau hoan vu VN la 'nhan sac da mau dau tien'?

Lời ngợi khen dành cho tân hoa hậu H’Hen Niê (thứ hai từ trái sang) lại ẩn chứa sự kỳ thị đáng xấu hổ

Quan niệm về cái đẹp của phụ nữ theo tinh thần phương Đông thường là: da trắng, tóc dài, môi đỏ như son, má lúm đồng tiền… Trong khi H’Hen Niê có màu da rám nắng và mái tóc ngắn cá tính, đi lệch gần như hoàn toàn “quy chuẩn” về cái đẹp truyền thống - quy chuẩn của “một cộng đồng người đông hơn cộng đồng khác”.

Trong đời sống, không ít trường hợp đồng bào thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số đến học tập, làm việc và sinh sống ở các thành phố lớn cũng vấp phải những phân biệt đối xử, lợi dụng sự cả tin của họ để trục lợi, trả tiền thù lao ít hơn…

Ở góc độ phổ biến hơn là trường hợp phân định người miền Bắc thế này, người miền Nam thế kia, người tỉnh này, tỉnh kia thì không chơi được hay có những tính xấu thế nào. Dễ dàng tìm thấy các công ty đăng tuyển người lao động, các khu cho thuê trọ loại trừ người ở một số địa phương nhất định. Điều này, vô hình trung dẫn đến sự tách biệt và gieo mặc cảm cho người lao động lẫn sự bất công xã hội.

Không ai có thể phủ nhận, mỗi địa phương, môi trường sống sẽ góp phần tạo nên một vài nét đặc trưng trong tính cách của con người mỗi vùng. Người miền Nam (nói chung) phóng khoáng do được thụ hưởng nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi; người miền Trung thường cần cù, chăm chỉ, do quanh năm phải đương đầu với thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, đem cái nhìn đó áp đặt lên toàn xã hội, xem như quy chuẩn chung thì lại thiếu công bằng và là bước đầu của tư duy kỳ thị.

Giá trị của một con người nằm ở việc anh ta là ai, có tài năng và đóng góp như thế nào cho xã hội chứ không nằm ở chỗ anh ta quê hương bản quán ở đâu. Chúng ta nói nhiều đến mặc cảm da màu, mặc cảm châu Á và nỗ lực hòa nhập cộng đồng khi sinh sống và làm việc tại các quốc gia Âu, Mỹ; chúng ta lên án gay gắt hành động phân biệt chủng tộc, phân biệt người nhập cư của tổng thống Mỹ; vậy thì tại sao, ngay trên chính mảnh đất này, sự kỳ thị, dẫu là vô hình, lại xuất hiện? 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI